Trong hội thảo "Giải pháp phát triển du lịch Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020 tầm nhìn 2030" vừa qua do UBND tỉnh tổ chức, nhiều lãnh đạo, chuyên gia trong ngành rất đề cao tiềm năng du lịch Vĩnh Long. Tuy nhiên, du lịch Vĩnh Long vẫn chưa cất cánh. Vậy hướng đi nào cho du lịch Vĩnh Long phát triển xứng tầm?
Trong hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020 tầm nhìn 2030” vừa qua do UBND tỉnh tổ chức, nhiều lãnh đạo, chuyên gia trong ngành rất đề cao tiềm năng du lịch Vĩnh Long. Tuy nhiên, du lịch Vĩnh Long vẫn chưa cất cánh. Vậy hướng đi nào cho du lịch Vĩnh Long phát triển xứng tầm?
Du lịch Vĩnh Long giàu tiềm năng nhưng chưa khai thác hết. |
“Nàng công chúa ngủ trong rừng”
Vĩnh Long là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm khu vực ĐBSCL, giáp với 7 tỉnh- thành, nằm giữa 2 dòng sông lớn thuộc hệ thống sông Mekong là sông Tiền và sông Hậu.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Sông Mekong là một trong 7 dòng sông lớn nhất trên thế giới và mỗi dòng sông tạo nên một cảnh quan riêng, văn hóa riêng và không ở đâu không gian văn hóa bản địa cuốn hút như sông Mekong. “Hãy cho khách du lịch biết rằng, họ đang đứng trước một trong 7 con sông lớn nhất thế giới gắn với hệ sinh thái đa dạng”- ông Nguyễn Văn Tuấn nói.
Ông cũng cho rằng, với 960.000 lượt khách trong năm 2015, doanh thu chỉ 220 tỷ đồng, bình quân mỗi khách đến Vĩnh Long chỉ chi hơn 200.000 đồng là quá ít. Du lịch homestay phát triển sớm nhưng còn nghèo nàn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ thì: “Tiềm năng du lịch Vĩnh Long rất quý, rất lớn và không đâu có được”. Vĩnh Long không chỉ nằm ở hạ lưu sông Mekong với con người hiền hòa, mến khách mà còn có “những con người lịch sử nổi tiếng trong nước và khu vực”.
Hãy cho khách du lịch biết những nhân vật lịch sử ấy qua thành tích của họ. Phạm Hùng đã chỉ huy trận đánh thế nào? Võ Văn Kiệt đã có những quyết định gì để xả phèn vùng tứ giác Long Xuyên, để thành vùng trù phú như hiện nay...”
Những làng nghề ở Vĩnh Long cũng chưa được du khách biết đến dù có đến 26 làng nghề truyền thống. Ông Nguyễn Hữu Thọ gợi ý: “Sao ta không bán bưởi Năm Roi, thanh trà trong giỏ lục bình cho du khách mang về nước”.
Là đơn vị gắn bó với Vĩnh Long qua nghiên cứu đề tài “Chiến lược marketing địa phương tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020”, TS. Nguyễn Văn Hiến cùng các thành viên nghiên cứu đã có dịp đi khắp nơi trong tỉnh. Ông Hiến nói: “Khi đến cù lao An Bình, chúng tôi đã thốt lên rằng:
Đây là nàng công chúa ngủ trong rừng” và nàng đã ngủ quá lâu mà chưa ai đánh thức. Ông Hiến khẳng định: “Tiềm năng như vậy thì không có lý do gì không phát triển du lịch. Cái chúng ta thiếu là chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch”.
Hướng đi nào cho du lịch Vĩnh Long?
“Cái cần làm là trải thảm đón nhà đầu tư”- ông Nguyễn Hữu Thọ lặp lại rất nhiều lần vấn đề này. Ông cho rằng: “Nếu nhà đầu tư không đến với ta thì ta hãy đến với họ và tôi biết nhiều địa phương đã làm điều này. Hãy tạo cho họ những điều kiện thuận lợi để phát triển”.
Du lịch phát triển sẽ tạo công ăn, việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. “Điểm đầu tiên cho du lịch sẽ là TP Vĩnh Long xanh, sạch, đẹp và điểm nhấn là cù lao An Bình, một chốn cây trái, vườn hoa, sông nước không có tiếng ôtô”.
Sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Long chính là tô phở, tô hủ tiếu,… do chính tay người dân Vĩnh Long làm, sử dụng những nguyên liệu của Vĩnh Long, với cách phục vụ chu đáo, tận tình, mến khách. Là những chiếc bánh tráng từ các làng nghề đựng trong hộp gốm để khi khách ăn xong vẫn còn quà lưu niệm,… là hát bội, đờn ca tài tử trên sông.
Một trong những yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển chính là nguồn nhân lực du lịch. Ông Phan Bửu Toàn- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn cho biết: Vĩnh Long có khoảng 1.300 lao động đang phục vụ trong ngành du lịch hoặc liên quan đến du lịch nhưng chủ yếu chưa qua đào tạo.
Ông đề xuất: Cần làm một cuộc điều tra về thực trạng nhân lực trong toàn ngành để từ đó xây dựng một đề án phát triển nhân lực trong 5 năm cần những ngành nghề cụ thể nào, số lượng và số tái đào tạo là bao nhiêu. Ông cũng nhấn mạnh: “Sự quản lý của nhà nước là rất quan trọng, do đó cũng cần phải đào tạo”.
Ông ví dụ như khách sạn mà cứ kiểm tra mỗi tuần, homestay mà có khách nước ngoài thì địa phương phải làm sao… Đừng làm du khách ngại và quay lưng. Các đối tượng đào tạo phải đa dạng, đủ thành phần từ tổ trưởng khu phố, chủ quán ăn, bán hàng lưu niệm, xe ôm, xe taxi,… để tạo nên một cộng đồng du lịch.
Phát triển du lịch tỉnh là mong muốn lớn của Vĩnh Long. Nghị quyết 01/TU đã nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2020 tầm nhìn 2030 cùng với cả nước, du lịch Vĩnh Long cơ bản từ ngành kinh tế quan trọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để phát triển du lịch Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: Xác định chiến lược và quy hoạch phải phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đáp ứng xu thế phát triển; tìm sản phẩm đặc trưng cho Vĩnh Long; tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư; liên kết với các địa phương để cùng phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin