Sớm hình thành, phát triển ngành du lịch ở một số tỉnh, nhưng nhìn chung du lịch ĐBSCL còn... khá non, được xem như "sinh sau, đẻ muộn", vẫn còn đang mày mò, định hướng.
Sớm hình thành, phát triển ngành du lịch ở một số tỉnh, nhưng nhìn chung du lịch ĐBSCL còn... khá non, được xem như “sinh sau, đẻ muộn”, vẫn còn đang mày mò, định hướng.
Tuy nhiên, sự nỗ lực không ngừng của khu vực này đã “lôi kéo” hàng triệu du khách mỗi năm đến trải nghiệm, khám phá. Hy vọng từng bước du lịch ĐBSCL vươn lên top trên của bản đồ du lịch quốc gia.
Tham quan rừng tràm Trà Sư (An Giang). |
Hấp dẫn du lịch đồng bằng
Đến với ĐBSCL, khách du lịch sẽ thỏa lòng đam mê trên những con tàu dọc ngang sông nước miền Tây, khám phá du lịch sinh thái miệt vườn, thưởng thức nhiều loại cây lành, trái ngọt đặc sản như: chôm chôm, nhãn, cam sành, bưởi Năm Roi (Vĩnh Long); vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang); tạt qua Bến Tre thưởng thức vị ngọt, mát lành của nước dừa và nhiều sản phẩm được làm từ dừa.
Hoặc đạp xe len lỏi qua những con đường làng nông thôn có không gian trong lành, hòa mình với nông dân tìm hiểu phong tục, đời sống sinh hoạt qua chương trình “tát mương bắt cá”, “Một ngày làm nông dân” và vào bếp với chủ nhà chế biến món ăn tại cơ sở homestay tạo nên không khí ấm cúng của gia đình truyền thống Nam Bộ ở Vĩnh Long.
ĐBSCL còn hấp dẫn du khách với loại hình du lịch leo núi, du lịch tâm linh ở An Giang; tắm biển ở Trà Vinh, Bến Tre; khám phá nét đẹp hoang sơ, độc đáo của các hòn đảo, trong đó có “đảo ngọc” Phú Quốc ở Kiên Giang; nghe đờn ca tài tử Nam Bộ- di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngành du lịch các tỉnh trong khu vực cũng phối hợp nghiên cứu, xây dựng các tour đặc thù có tính cạnh tranh cao, như tour “ĐBSCL- Một điểm đến, 4 địa phương +”.
Và mới đây, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã công nhận 12 điểm du lịch tiêu biểu của khu vực, với 8 điểm được công nhận mới và 4 điểm được công nhận lại. Ông Lê Thanh Phong- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đánh giá đây sẽ là tour, điểm đến kiểu mẫu tạo sự lan tỏa cho cả vùng trong thời gian tới.
Khá thành công trong việc tổ chức tour đưa du khách đến ĐBSCL, vừa qua Công ty Vietravel chi nhánh Cần Thơ và khu vực Tây Nam Bộ đã khai thác 2 đường bay kết nối TP Cần Thơ với Đà Lạt (Lâm Đồng) và Nha Trang (Khánh Hòa).
Ông Trương Văn Vinh- Giám đốc công ty cho biết, 2 đường bay này không chỉ phục vụ du lịch mà công ty còn muốn giao lưu văn hóa, kinh tế giữa các tỉnh miền Tây với khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Từ tiềm năng, lợi thế vốn có cùng sự năng động của những người làm du lịch, năm qua các tỉnh ĐBSCL đón 7.730.197 lượt khách, tăng 15,7%.
Trong đó, khách nội địa đạt gần 7 triệu lượt, tăng 16,6%; khách quốc tế đạt 731.716 lượt, tăng 7,7%. Doanh thu đạt 8.635 tỷ đồng, tăng 33%. Dẫn đầu là Kiên Giang đạt 2.448 tỷ đồng, tiếp đến là TP Cần Thơ 1.747 tỷ đồng.
Vươn mình lên top trên
Tại hội nghị tổng kết hoạt động du lịch năm 2015 tại TP Cần Thơ, ông Phạm Thế Triều- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đánh giá: “So với các khu vực khác, du lịch một số tỉnh của ĐBSCL được ví như “sinh sau, đẻ muộn” từ nhận định làm du lịch đến nhận thức phát triển du lịch, nên chúng tôi luôn mày mò, tìm cách để du lịch khu vực này phát triển đàng hoàng hơn, bền vững hơn”.
Ông Trần Việt Phường- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhận định: “Du lịch phát triển sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm ở địa phương”. Đ
iều này được cụ thể hóa qua Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015- 2020 của một số tỉnh trong khu vực đã đưa du lịch vào nghị quyết và hướng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hay như “An Giang xác định đây là một trong những mũi đột phá với 3 chương trình lớn cần thực hiện trong 5 năm tới, trong đó có phát triển du lịch”- ông Phạm Thế Triều cho biết thêm.
Thêm động lực quan trọng để du lịch ĐBSCL lớn mạnh trên bản đồ du lịch cả nước là Bộ VH, TT và DL đã phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng theo hướng cấp quốc gia có giá trị đặc thù cao với các sản phẩm: tham quan trải nghiệm cuộc sống cộng đồng gắn giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Quốc; xây dựng không gian bảo tàng lúa nước ĐBSCL tại Vĩnh Long, không gian bảo tàng dừa Bến Tre, không gian bảo tàng ẩm thực Nam Bộ tại Đồng Tháp.
Bên cạnh đó là hàng loạt dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch đồng bằng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá điểm đến cho khu vực; đặc biệt là xây dựng bộ tiêu chí Nhãn sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL, để tập trung khai thác du khách đến từ Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc; còn khách nội địa chủ yếu đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung.
Có chủ trương, chính sách thôi vẫn chưa đủ, để du lịch vùng đất Chín Rồng phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, rất cần sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng dân cư, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp.
Đồng thời, ông Trần Việt Phường cho rằng, hướng tới cũng cần phát huy tốt vai trò cụm trưởng của 2 cụm du lịch phía Đông và phía Tây, tạo sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong việc triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch của từng cụm. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, các điểm du lịch tiêu biểu.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đổi mới phương thức hoạt động, năng động, sáng tạo để hỗ trợ các địa phương triển khai, thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển du lịch có chiều sâu mang lại hiệu quả thiết thực.
|
Năm 2016 là năm đặc biệt của du lịch ĐBSCL với sự kiện Năm du lịch quốc gia 2016- Phú Quốc- ĐBSCL có chủ đề “Khám phá đất phương Nam”. Các chương trình, hoạt động diễn ra trong suốt cả năm 2016 chủ yếu tại tỉnh Kiên Giang và được nhiều tỉnh- thành khác hưởng ứng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo trở thành du lịch đặc trưng của Kiên Giang và khu vực. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo đà cho du lịch các địa phương phát triển nhanh chóng trong những năm tiếp theo. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin