Được đánh giá là mô hình du lịch nhà cổ thành công, làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè- Tiền Giang) đã nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản) trong hơn 1 thập kỷ qua. Từ việc phục chế nhà cổ cho đến xây dựng thành tuyến liên hoàn và tư vấn trang trí bên trong lẫn cảnh quan bên ngoài...
Được đánh giá là mô hình du lịch nhà cổ thành công, làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè- Tiền Giang) đã nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản) trong hơn 1 thập kỷ qua. Từ việc phục chế nhà cổ cho đến xây dựng thành tuyến liên hoàn và tư vấn trang trí bên trong lẫn cảnh quan bên ngoài...
Sản phẩm du lịch này cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ về cách xây dựng tour, đặc biệt là thái độ ứng xử đối với những di sản nhà cổ.
Du khách đi bộ trong làng cổ. |
“Thiên thời, địa lợi”
Cũng cần nhắc lại “cái thuở ban đầu”, khi khu vực cầu Cái Bè chỉ thuần là bến đỗ của xe tải lên xuống trái cây thì chính những người làm du lịch Vĩnh Long đã qua mở trạm đón tiễn khách tại đây. Hàng trăm khách mỗi ngày, từ các đoàn khách của các hãng du lịch lớn như: Saigon Tourist, OSC, Bến Thành Tourist, Saigon tour, FIDI tour...
Đây được xem là sáng kiến “lớn” lúc bấy giờ, đã rút ngắn thời gian rất nhiều cho mỗi đoàn khách đến tham quan Vĩnh Long. Đi xa hơn, cũng chính những người làm du lịch Vĩnh Long, qua khảo sát những ngôi nhà cổ đầu tiên ở đây và thiết kế tour xoay quanh khu vực Cái Bè. Thời đó, đã có cảnh báo du lịch Vĩnh Long đang “thở bằng cái lỗ mũi của người khác”, khi mà địa phương họ biết làm du lịch thì coi như mình đã... dọn sẵn hết rồi.
Bây giờ thì đã rõ, làng cổ Cái Bè đã trở thành điểm nhấn của du lịch ĐBSCL về homestay nhà cổ kết hợp du lịch cộng đồng. Cái “địa lợi” là tập trung khu vực này có đủ các dịch vụ: kẹo, cốm truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ, chợ nổi và cả những vườn cây ăn trái kết hợp tham quan cụm nhà cổ gần nhau trong chu vi chỉ hơn 1 cây số.
Nhà cổ ông Đức. |
Đặc biệt, lợi thế này có sự “tiếp tay” của các hãng du lịch chuyên đón khách VIP và những hướng dẫn không bao giờ muốn đưa khách ra xa khỏi khu vực TP Hồ Chí Minh lâu, bởi về tỉnh lẻ không có những “dịch vụ” đáp ứng yêu cầu của khách.
Đơn cử, hãng lữ hành có nguồn khách Nhật lớn nhất, với thời điểm cao trung bình 15.000 khách Nhật/tháng, đã đưa ra slogan bằng tiếng Nhật: “Du lịch ĐBSCL- Mỹ Tho là gần nhất” (Mekong Derưta- MiTho ichiban chikai!). Đó là giai đoạn “bước ngoặt” để du lịch Vĩnh Long... lùi lại, nhường đường cho Tiền Giang, kế tiếp là Bến Tre vươn lên mạnh mẽ.
Nhắc lại vậy để thấy, chuyện làng cổ Cái Bè được lựa chọn thay vì phải mất thêm cả tiếng đồng hồ ngồi tàu qua 4 xã cù lao của Vĩnh Long, cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng đây chỉ mới là vấn đề “cơ số” thời gian. Cái chính là làng cổ Đông Hòa Hiệp đã “lọt vào tầm ngắm” của JICA, cùng với các làng cổ nổi tiếng của Việt Nam là: Đường Lâm (Hà Nội), Phước Tức (Huế) và Hội An (Quảng Nam).
Và chính tổ chức này đã hỗ trợ cho các chuyên gia hàng đầu theo đuổi, nghiên cứu từ năm 1992 đến nay; riêng làng cổ Đông Hòa Hiệp họ đã gắn bó trong suốt hơn 10 năm rồi. Cho nên mà bây giờ nếu nói về nhà cổ Việt, hẳn GS. Hiromichi của Trường ĐH Nữ Chiêu Hòa đã hiểu rõ tường tận. Và bây giờ, ông vẫn tiếp tục là “cầu nối” hữu hiệu nhất để tiếp tục phát triển du lịch, lôi kéo những doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản về đây.
Như vậy, để xây dựng một sản phẩm du lịch ở Cái Bè, người Nhật đã bỏ ra trên 10 năm, xa hơn là trên 20 năm ở các làng nhà cổ khác trong cả nước Việt Nam, với những chuyên gia hàng đầu của họ. Nó không phải là chuyện “vẽ vời” một cách ngẫu hứng, tùy hứng. Và đương nhiên, có sự nỗ lực, tâm huyết của địa phương.
Thái độ ứng xử với di sản
Cách đây 2 năm, sau khi xây dựng hình ảnh, thiết kế liên tuyến các sản phẩm du lịch, Cái Bè đã được phía Nhật Bản tài trợ 3 công trình gần 2 tỷ đồng là: bến tàu, cầu tàu, nhà mát và đã tổ chức Lễ hội du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp lần I năm 2013. Ở lần đó, có sự tham dự của Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, Trưởng Đại diện Tổ chức JICA và các chuyên viên văn hóa.
Cũng ngay trong ngày lễ đó, Tổng Lãnh sự Nhật Bản đã kêu gọi các tổ chức, các doanh nghiệp quan tâm khai thác, để làng cổ Đông Hòa Hiệp trở thành điểm nhấn của du lịch ĐBSCL, đặc biệt thu hút nhiều du khách Nhật về đây.
Trong tháng 8/2015, lễ hội Du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp lần II năm 2015 được tổ chức, chúng ta thấy người Nhật không phải “nói cho qua”, hay phát biểu cho... hay; mà trong 2 năm qua họ vẫn tiếp tục hỗ trợ sản phẩm du lịch này bằng nhiều cách, nhiều mối quan hệ một cách mạnh mẽ.
Ngoài sự tham dự của Tổng Lãnh sự Nhật Bản, Trưởng Đại diện Tổ chức JICA, đại diện Bộ Văn hóa Nhật Bản; còn có sự tham gia của các doanh nghiệp thành đạt có sự tài trợ, các doanh nghiệp du lịch, các chủ nhà cổ có kinh doanh dịch vụ du lịch homestay ở Nhật, các nghệ nhân trang trí nhà cổ, trang trí cảnh quan môi trường,...
Nét đẹp thuần Việt. |
GS. Hiromichi cho biết: “Để lãnh đạo địa phương có cái nhìn tốt hơn về công tác bảo tồn di sản nhà cổ, phía Nhật Bản đã tổ chức cho các lãnh đạo xã- thị trấn và các nông dân có nhà cổ qua tham quan các mô hình homestay nhà cổ của Nhật. Sự giao lưu, kết nối này sẽ giúp cho sự hiểu biết, học hỏi lẫn nhau”.
Họ chính là những người trực tiếp sống, khai thác và bảo tồn các giá trị nhà cổ này, nên cần phải có sự hiểu biết, thái độ ứng xử tốt với di sản vật thể. Sự trình diễn nghệ thuật trang trí bàn ăn kiểu Nhật, kiểu Âu của các nghệ nhân Nhật Bản, đã tạo nên không gian sang trọng, một đẳng cấp hướng đến dịch vụ chất lượng cao. Hiện nhà cổ ông Kiệt đón từ 60 khách đến trên dưới 200 khách mỗi ngày, với dịch vụ phòng nghỉ VIP 30 USD/ngày.
Thông qua lễ hội quảng bá các sản phẩm du lịch với du khách trong nước, ngoài nước, ngoài việc tôn vinh loại hình du lịch thông qua di sản (di tích làng cổ) để thu hút du khách, còn là tạo điều kiện để nhân dân địa phương tham gia hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng xã hội hóa và được hưởng lợi từ du lịch.
Lễ hội Du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, đặc sắc đã thu hút đông đảo du khách trong nước, ngoài nước. Nổi bật có các hội thi làm sản vật quà bánh và hàng lưu niệm, thi trái cây ngon và chưng mâm ngũ quả, thi ẩm thực, các hoạt động nghệ thuật- thể dục thể thao... Ngoài ra, còn có các hoạt động trên sông nước như đua thuyền, thuyền chèo đưa đón du khách, thả hoa đăng trên sông... |
BÀI, ẢNH: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin