Bắt đầu năm con Khỉ, du lịch Vĩnh Long cũng đã bước vào tuổi "trung niên", cũng cần có cái nhìn bình tĩnh soi rọi lại những chuyện lớn, chuyện nhỏ như một hành trang mới, năng lượng mới cho cuộc chơi chưa bao giờ cũ.
Du lịch Vĩnh Long không chỉ có Long Hồ với những sản phẩm xoay quanh 4 xã cù lao. Nhưng, nếu nhìn toàn cục của cả quá trình phát triển với những bước ngoặt quan trọng thì Long Hồ là mạch chính của “câu chuyện du lịch” tỉnh Vĩnh Long.
Du lịch Homestay thu hút đông du khách đến Vĩnh Long và tạo điều kiện tăng thu nhập cho các dịch vụ phụ trợ. Ảnh: Ngọc Trảng |
Bắt đầu năm con Khỉ, du lịch Vĩnh Long cũng đã bước vào tuổi “trung niên”, cũng cần có cái nhìn bình tĩnh soi rọi lại những chuyện lớn, chuyện nhỏ như một hành trang mới, năng lượng mới cho cuộc chơi chưa bao giờ cũ.
“30 năm ấy biết bao nhiêu tình”
Những ai đã gắn bó với du lịch Vĩnh Long, chắc rằng sẽ nhớ cái mốc thời gian ngày 7/5/1979, khi UBND tỉnh ký quyết định thành lập Công ty Du lịch Cửu Long. Tuy nhiên, thời điểm đó lượng khách chỉ khoảng vài trăm lượt mỗi năm.
Sau đó, được Tổng cục Du lịch phân bổ chỉ tiêu nguồn khách nghỉ đông từ Liên Xô (cũ), số lượng tăng hàng ngàn khách/năm, đây được xem là con số “đỉnh” của cả nước lúc bấy giờ. Ngay từ buổi ban đầu đó, 4 xã cù lao của Long Hồ đã trở thành điểm tham quan chính đối với du khách đến Vĩnh Long.
Nhưng phải đến 10 năm sau, du lịch Vĩnh Long mới thực sự “dậy sóng”, khi có thừa uy tín và năng lực tổ chức để đón những đoàn khách quan trọng của quốc gia như tàu Hòa Bình (PEACE) chở thanh niên Nhật Bản giao lưu kết hợp tham quan du lịch sông nước trên 4 xã cù lao.
Tiếp theo những năm về sau, khi Nhà nước ta có chính sách đổi mới, mở cửa giao lưu quốc tế, đã tạo nên sự thu hút mạnh mẽ nguồn khách đổ về Vĩnh Long, đặc biệt khách Tây Âu và khách Nhật.
Chương trình du lịch sinh thái miệt vườn cũng đã thu hút khách nội địa đến Vĩnh Long tham quan ngày càng nhiều.
Cụ thể: vào những năm 1986- 1990 đón 12.500 lượt khách; đến năm 1991- 1995 tăng vọt lên 235.000 lượt khách, trong đó có 39.871 khách quốc tế. Riêng trong hai năm 1996- 1997 có 138.944 lượt khách, trong đó có 49.952 khách quốc tế.
Thị trường khách du lịch quốc tế lúc bấy giờ là khách Tây Âu, chủ yếu là Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Anh… thu hút mạnh lượng khách đến Vĩnh Long và đông nhất vẫn là quốc tịch Pháp với sự kiện bộ phim “Người tình” được trình chiếu tại Paris.
Tất cả những con số, sự kiện đó đều gắn liền với những sản phẩm du lịch trên 4 xã cù lao. Long Hồ có quyền tự hào về sự đóng góp của mình không chỉ thiên nhiên, sản vật mà cả cái phần “hồn cốt” là nét văn hóa ứng xử, cái cốt cách người Nam Bộ qua những cái tên của du lịch đồng bằng và cả nước như: bác Sáu Giáo, bác Tám Hổ, bác Mười Hưởng,...
Đây cũng là những con người rất đáng được ghi nhận vì sự đóng góp của họ cho ngành du lịch Vĩnh Long.
Nếu ai đã từng chứng kiến những vị khách Nhật Bản khóc ròng lúc chia tay, có người nấn níu không chịu về hoặc sau đó đã nhiều lần quay lại và tạo nên những mối thâm tình, mới hiểu hết cái “chất” của du lịch vườn thời đó- với tất cả tấm lòng “đãi khách”, hồn nhiên và phơi phới.
Có thể nói, dấu ấn của con người xứ cù lao đã tạo nên những giá trị văn hóa vô cùng quý báu; còn hơn mọi thành công về con số và lợi nhuận vật chất. Hàm lượng văn hóa phi vật thể là phần quan trọng tạo nên thương hiệu cho du lịch xứ cù lao này.
Du lịch sông nước ngày càng được nâng cao chất lượng. Ảnh: Dương Thu |
Bản sắc văn hóa cho homestay
Tiếc là những giá trị đó đã không được đánh giá đúng mức, tiếc là đã không có thể nuôi dưỡng và đẩy nó lên một tầm cao hơn, để bước vào sân chơi sòng phẳng của kinh tế thị trường.
Trước mắt nên có những bước đi cụ thể nhất, từ cái gần gũi nhất được xem như thế mạnh xưa nay của Long Hồ, đó chính là du lịch homestay. Hiện toàn tỉnh có khoảng 40 điểm tham quan du lịch; trong đó, tính riêng điểm homestay thì Long Hồ chiếm 19/26 cơ sở có kết hợp với nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí như: đờn ca tài tử, mua sắm, ẩm thực,... ở 4 xã cù lao.
Ngoài ra, có khá nhiều điểm nhà vườn mở cửa cho khách tham quan theo mùa. Các cơ sở homestay này đã thu hút gần 70% lượng khách đến tham quan, vui chơi, du lịch tại Vĩnh Long năm 2015 và góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với những dịch vụ phụ trợ như: chèo xuồng phục vụ du khách, bán hàng lưu niệm, cung ứng trái cây cho các điểm du lịch.
Du khách quốc tế nghỉ trưa tại một điểm Homestay ở cù lao An Bình (Long Hồ). Ảnh: Thanh Bình |
Trong cuộc tọa đàm về homestay được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào cuối năm 2015, đã có một số ý kiến nhấn mạnh về việc cần thiết tạo nên nét văn hóa đặc trưng cho loại hình du lịch này. Việc cho rằng dịch vụ này cần tạo cái “phần hồn” thay vì chỉ chăm chút “phần xác”, tức cần tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt cho loại hình này là cần thiết.
Tuy nhiên, nếu nói chính xác là cần khôi phục, giữ gìn và phát huy, bởi đây là cái phẩm chất vốn có của đất và người xứ cù lao rồi. Khắc phục những hạn chế từ cạnh tranh chưa lành mạnh và những nhà vườn còn “lơ mơ” về chính mô hình du lịch mà mình đang làm.
Nên dẫn đến những tác động làm giảm đi chất lượng, giá trị của sản phẩm. Homestay chỉ là một phần trong quá nhiều việc còn khá bộn bề trước mắt và cả những kế hoạch, tầm nhìn dài hơi của du lịch Vĩnh Long.
Năm mới nhắc chuyện cũ không phải để “vuốt ve” quá khứ, mà cái chính là “ôn cố tri tân” với những con người hành động thực sự, bản lĩnh thực sự. Và quan trọng hơn cả là một nghị quyết cho ngành du lịch đã ra đời, đó là tín hiệu vui, là niềm tin để chúng ta “khởi động” lại tên tuổi “du lịch Vĩnh Long” trong năm mới.
|
Long Hồ có quyền tự hào về sự đóng góp của mình không chỉ thiên nhiên, sản vật mà cả cái phần “hồn cốt” là nét văn hóa ứng xử, cái cốt cách người Nam Bộ qua những cái tên như những “ngôi sao” của du lịch đồng bằng, của cả nước như: bác Sáu Giáo, bác Tám Hổ, bác Mười Hưởng,... Đây là cái thiếu, cái yếu lớn nhất của du lịch homestay ở 4 xã cù lao hiện nay. |
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin