Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm du lịch thiên nhiên và văn hóa miền núi lớn nhất Việt Nam là mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Lào Cai trong "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XIV, kỳ họp thứ 15 quyết nghị.
Khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân Bản Hon, Lào Cai. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN) |
Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm du lịch thiên nhiên và văn hóa miền núi lớn nhất Việt Nam là mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Lào Cai trong "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XIV, kỳ họp thứ 15 quyết nghị.
Theo nghị quyết, tỉnh Lào Cai xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ đột phá mang tính ưu tiên trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong những điểm đến du lịch bậc nhất của vùng Tây Bắc, đón 4,5 triệu lượt khách/năm, với tổng doanh thu xã hội từ khách du lịch đạt 18.000 tỷ đồng.
Tỉnh phấn đấu là một trong những trọng điểm du lịch của vùng và quốc gia với Đô thị du lịch, Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Điểm du lịch quốc gia thành phố Lào Cai cùng hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa dân tộc tỉnh Lào Cai và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu nội ngành dịch vụ của tỉnh, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế đột phá trong cơ cấu kinh tế chung, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo...
Đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ là trung tâm du lịch thiên nhiên và văn hóa miền núi lớn nhất của Việt Nam, thu hút 13 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế với tổng doanh thu xã hội đạt 58.500 tỷ đồng.
Trên cơ sở thế mạnh về tài nguyên du lịch thiên nhiên cùng với bản sắc văn hóa đa dạng phong phú, Lào Cai sẽ tạo ra sự khác biệt từ các sản phẩm du lịch như du lịch tham quan-nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch sinh thái-văn hóa, du lịch biên giới và du lịch tâm linh...
Để làm được điều đó, Lào Cai đưa ra chín nhóm giải pháp chủ yếu về nguồn nhân lực, vốn đầu tư, xúc tiến quảng bá, ứng dụng khoa học-công nghệ, tổ chức quản lý quy hoạch, hợp tác phát triển du lịch, tài nguyên môi trường du lịch, nâng cao chất lượng và thúc đẩy phát triển sản phẩm, cơ chế chính sách...
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung khai thác khách du lịch tại các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các nước khu vực Tây Âu; từng bước giới thiệu, mở rộng ra các thị trường khác.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, năm Du lịch quốc gia 2017 sẽ được tổ chức tại khu vực Tây Bắc trong đó Lào Cai sẽ là đơn vị chủ trì. Đây là cơ hội để Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế về sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự hào hùng của những chứng tích lịch sử và nét đẹp văn hóa của các dân tộc sinh sống tại khu vực Tây Bắc./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin