Du khách đến TP Vĩnh Long thường không bỏ qua dịp du ngoạn sông nước, vào vườn trái cây cù lao An Bình trên những chiếc tàu du lịch. Vì thế, việc đảm bảo an toàn cho du khách là vấn đề quan tâm hàng đầu, nhất là thời gian qua việc đón trả khách còn nhiều bất cập.
Du khách đến TP Vĩnh Long thường không bỏ qua dịp du ngoạn sông nước, vào vườn trái cây cù lao An Bình trên những chiếc tàu du lịch. Vì thế, việc đảm bảo an toàn cho du khách là vấn đề quan tâm hàng đầu, nhất là thời gian qua việc đón trả khách còn nhiều bất cập.
Leo rào… xuống tàu
Nhiều du khách đã ý thức cao việc đảm bảo an toàn khi du lịch trên sông nước. |
Hiện nay, du lịch miệt vườn cù lao An Bình (Long Hồ) thuận tiện cả đường thủy và đường bộ. Đối với du khách phương xa, tàu du lịch là phương tiện lựa chọn ưu tiên để trải nghiệm cảm giác trên sóng nước. Tuy nhiên, đôi khi du khách bị bất ngờ khi nhiều chủ phương tiện đón trả khách... búa xua!
Chị Kim Phương (Phường 5- TP Vĩnh Long) kể, tuần trước chị thuê tàu đưa đoàn khách Vũng Tàu đi miệt vườn, chủ tàu đón ở bờ kè Công viên Sông Tiền, nhưng vì không có bến bãi nên buộc lòng phải… leo rào để xuống. Khách mạnh ai nấy cố trèo rào bờ kè, chỉ tội mấy cô gái khá vất vả để đặt chân được xuống tàu. Tưởng chỉ là bến tạm, nhưng khi về lại thành phố, chủ tàu cũng ghé đúng chỗ cũ cho khách lên bờ và mọi người lại một lần nữa phải leo rào.
Trường hợp của chị Kim Phương không phải là cá biệt, nhiều du khách phản ảnh các chủ phương tiện thường đón trả khách ở địa điểm không có bến bãi gì cả. Khi thì leo rào bờ kè, có lúc lên xuống ở bến phà An Bình đông đúc… “Có lần chủ tàu kêu đoàn khách chúng tôi xuống tàu ngay tại bến phà An Bình vừa lúc phà cập bến, mọi người nháo nhào chạy lên, rồi chờ phà rời bến tàu mới cập vô tiếp tục đón khách. Tôi thấy đón khách như vậy nguy hiểm quá”- anh Đặng (Mang Thít) đưa đoàn khách thành phố tham quan miệt vườn cho biết vậy.
Thường xuyên kiểm tra các điều kiện an toàn
Đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra an toàn trên tàu du lịch. |
Nói về thực trạng đón trả khách không đúng nơi quy định, ông Huỳnh Thanh Phong- Phó Đội trưởng Đội Hướng dẫn thực hiện pháp luật- Đăng ký phương tiện- Điều tra xử lý tai nạn giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát Giao thông Đường thủy- Công an tỉnh) cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 bến tàu khách du lịch, 1 tàu nhà hàng nổi đang hoạt động có hơn 90 phương tiện vận chuyển hành khách du lịch.
Trong đó, bến tàu khách du lịch của Khu du lịch Vinh Sang (Phường 9- TP Vĩnh Long) chủ yếu đưa trả khách nội bộ và bến tàu khách du lịch ở Phường 1 được Công ty CP Du lịch Cửu Long quản lý khai thác, thu phí các phương tiện đón trả khách tại bến này.
Hiện khu vực Phường 1 có 3 đơn vị chính là Cửu Long Tourist, Mekong Travel và 1 hợp tác xã có phương tiện hoạt động vận chuyển khách du lịch. Trong đó, một số phương tiện (không thuộc Cửu Long tourist) tránh thu phí đón trả khách tại bến tàu du lịch nên chọn cách đón trả khách… búa xua.
Cũng theo ông Huỳnh Thanh Phong, việc đón trả khách không đúng nơi quy định như vậy nếu phát hiện sẽ bị xử lý theo Nghị định 93 của Chính phủ. Ông cho biết, thời gian qua, TP Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan đã tham quan, học hỏi cách quản lý phương tiện vận chuyển du khách của tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, họ đầu tư cơ sở hạ tầng bến đón trả khách khá bài bản, các công ty lữ hành đặt văn phòng đại diện ngay tại bến rất thuận tiện cho du khách. Ngành chức năng không chỉ nắm bắt được số lượng hành khách lên xuống mỗi ngày, hạn chế việc đón trả khách “chui”, mà còn đảm bảo trật tự, an toàn, mỹ quan của một bến tàu du lịch.
Ông Huỳnh Thanh Phong: Khách du lịch cần ý thức đảm bảo an toàn Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 bến tàu khách du lịch, 1 tàu nhà hàng nổi đang hoạt động có hơn 90 phương tiện vận chuyển hành khách du lịch. Hầu hết các bến này hoạt động đã được cấp phép phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn phù hợp; phương tiện được trang bị khá đầy đủ thiết bị cứu sinh, cứu đắm. Qua công tác kiểm tra còn rất ít phương tiện chở khách vi phạm về không đảm bảo chất lượng trang thiết bị an toàn và bố trí thuyền viên làm việc không đủ định biên, phương tiện đón trả khách không đúng nơi quy định. Thời gian qua, đơn vị thường xuyên tuyên truyền các phương tiện vận chuyển phải đảm bảo điều kiện an toàn cho du khách, phải tính toán thiết bị: cầm, đeo, mặc đầy đủ. Đặc biệt, trước trong mùa mưa, nước đổ… du khách cần ý thức đảm bảo an toàn như mặc áo phao, cầm, đeo các dụng cụ nổi. |
Bài, ảnh: PHƯỚC HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin