Một anh bạn ở Bảo tàng tỉnh An Giang đã làm "hướng dẫn viên" để chúng tôi có một ngày ngao du với nhiều cảm xúc khi được "sờ chạm" vào những tầng vỉa văn hóa, lịch sử độc đáo, bí ẩn của quần thể di tích Óc Eo- Ba Thê của miền đất Thoại Sơn.
[links()]
Một anh bạn ở Bảo tàng tỉnh An Giang đã làm “hướng dẫn viên” để chúng tôi có một ngày ngao du với nhiều cảm xúc khi được “sờ chạm” vào những tầng vỉa văn hóa, lịch sử độc đáo, bí ẩn của quần thể di tích Óc Eo- Ba Thê của miền đất Thoại Sơn.
Ba Thê Sơn lưu giữ nhiều truyền thuyết, huyền thoại hấp dẫn du khách đến tham quan. |
Vùng đất lưu danh Thoại Ngọc Hầu
Xuất phát từ TP Long Xuyên, chúng tôi khởi hành khá sớm bằng xe gắn máy, theo Đường tỉnh 943 hướng về huyện Thoại Sơn khoảng 30km, chúng tôi đến cầu Thoại Hà bắc ngang qua dòng sông Thoại. Đứng trên đỉnh cầu, nhìn những hàng cây xanh mướt dọc hai bên bờ sông, chúng tôi có cảm giác cái màu xanh như “xếp hàng” vừa điệu đà soi bóng xuống dòng sông, vừa như làm “nhiệm vụ” che chắn, bảo vệ cuộc sống bình yên cho cư dân nơi đây. Còn dưới dòng Thoại Hà là những mảng lục bình xanh trôi êm ả ngày ngày “vẫy tay chào đón” những chuyến ghe, tàu của nhân dân trong và ngoài tỉnh An Giang đến giao thương, trao đổi hàng hóa. Cuộc sống giao thương nhộn nhịp trên con sông trải bao đời nay, nó gắn liền với tên tuổi, công lao một danh tướng thao lược toàn tài Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, hay còn được tôn xưng là Thoại Ngọc Hầu. Tên tuổi ông đã được tạc vào sông núi An Giang, mà công lao thì trải rộng khắp Nam Kỳ thời khai mở an dân, lập ấp.
Theo học giả Nguyễn Văn Hầu (An Giang), vào khoảng năm 1817, khi Thoại Ngọc Hầu được vua Gia Long phái về trấn thủ Vĩnh Thanh trấn, ông đã nhiều lần đi thực tế để khảo sát vùng đất nơi đây và nhận thấy đây là vùng đất quan trọng, có thể thúc đẩy giao thông đường thủy, nền nông nghiệp nơi đây ngày một phát triển, nên ông đã tấu trình xin vua Gia Long cho đào kinh Long Xuyên- Rạch Giá và được vua Gia Long chấp thuận. Đến năm 1818 công trình này hoàn tất, vua Gia Long khen ngợi ông rất nhiều và ban chiếu chỉ lấy tên ông đặt cho sông là Thoại Hà, ngày nay người dân thường gọi là sông Thoại. Bên cạnh đó, vua Gia Long cũng cho đổi tên núi Sập thành Thoại Sơn để ghi nhận công lao của ông đối với vùng đất Thoại Sơn này.
Nhiều di tích văn hóa- lịch sử độc đáo
Qua cầu Thoại Hà, chúng tôi tiếp tục hành trình trên Đường tỉnh 943 để đến với thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn)- nơi lưu giữ các di chỉ văn hóa Óc Eo nổi tiếng gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam.
Tiếp và hướng dẫn chúng tôi tham quan phòng trưng bày hiện vật của di tích văn hóa Óc Eo tọa lạc tại ấp Tân Hiệp A (thị trấn Óc Eo), Tiến sĩ Ngô Quang Láng- Trưởng Ban quản lý Khu di tích Óc Eo nói: Qua nghiên cứu, Óc Eo là nền văn hóa cổ có phạm vi phân bố khá rộng, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Thoại Sơn, một số tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ và kéo dài đến Cát Tiên (Lâm Đồng). Trong quá trình khai quật, người ta phát hiện nhiều hiện vật độc đáo tại di tích này như: công trình kiến trúc đền, tháp, bộ sưu tập tượng thần, tượng linh vật làm bằng vàng, đồng, đá, gỗ… Điều này khẳng định đời sống tinh thần của cư dân Óc Eo rất phong phú, bên cạnh đó việc tìm thấy nhiều đồ trang sức như hạt chuỗi, dây chuyền, nhẫn, vòng đeo tay… cũng nói lên nhu cầu thẩm mỹ của cư dân lúc bấy giờ rất được chú trọng.
Từ di tích Óc Eo, phóng tầm mắt xa xa, chúng tôi nhìn thấy rất rõ một phong cảnh tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng cho Thoại Sơn, đó là dãy núi Ba Thê nằm trong tổng thể của vùng Thất Sơn. Rời núi Ba Thê, chúng tôi đến với quần thể di tích Nam Linh Sơn tự cũng thuộc thị trấn Óc Eo đã được xếp hạng di tích khảo cổ và là một trong các di tích thuộc quần thể di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo- Ba Thê.
Di tích Nam Linh Sơn tự nằm phía Nam, trên sườn Đông núi Ba Thê, cao 10- 16,5m so với mặt đất ruộng xung quanh. Di tích được khai quật năm 1998- 1999, xuất lộ di tích kiến trúc, mộ táng xây bằng gạch, đá có quy mô khá lớn, chia thành nhiều lớp lớn nhỏ, có sân trong và nhiều cống thoát nước, gồm một đến hai tầng… Trong tầng văn hóa sâu nhất ở phía Bắc, phát hiện chum cải táng bằng gốm, xương gốm đen và áo gốm màu đỏ, trong chum có vài mảnh nhỏ chất hữu cơ, 5 hạt chuỗi nhỏ bằng vàng và một hạt chuỗi vỡ bằng mã não… Đây là kiến trúc độc đáo, có đặc điểm của kiến trúc cung đình mang tính chất tôn giáo rất đặc sắc. Di tích này được xác định phát triển trong khung niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ IX sau Công nguyên. Cách Nam Linh Sơn tự 60m, tọa lạc phía Bắc núi Ba Thê là Linh Sơn cổ tự. Chùa Linh Sơn có khung cảnh thiên nhiên hữu tình với nhiều tán cây cổ thụ bao quanh tạo cho không khí nơi đây thật mát mẻ, thanh tịnh, nhưng không kém phần trang nghiêm. Nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật độc đáo của nền văn hóa Óc Eo.
Một ngày ngao du giữa miền Thoại Sơn vừa hữu tình, vừa ẩn chứa biết bao câu chuyện huyền thoại, lưu giữ qua những di tích, di chỉ của những nền văn hóa giao thoa trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tạo nên bản sắc độc đáo, hấp dẫn đối với du khách. Đây cũng là “mảnh đất” màu mỡ của những nhà nghiên cứu, khi Thoại Sơn vẫn còn đó những tầng sâu văn hóa, lịch sử như một thách thức bí ẩn dành cho hậu thế.
Huyện Thoại Sơn (An Giang) có diện tích tự nhiên 46.885,52ha, nằm về phía Đông Nam tứ giác Long Xuyên. Thoại Sơn có hệ thống kinh rạch chằng chịt, dân cư phân bố theo tuyến sông và kinh. Ngoài Khu di tích Óc Eo nổi tiếng, cụm núi Sập và núi Ba Thê cũng được cải tạo thành 2 khu du lịch chủ yếu của huyện, bên cạnh là Khu du lịch Hồ Ông Thoại... Ngày 27/9/2012, quần thể di tích Óc Eo- Ba Thê, được xếp hạng là Di tích quốc gia
đặc biệt.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin