Phần lớn các sản phẩm du lịch ĐBSCL đã và đang khai thác ít nhiều, gắn với nông nghiệp, rõ nét nhất như Vĩnh Long với các tuyến, điểm khai thác tối đa ưu thế vườn cây ăn trái.
Phần lớn các sản phẩm du lịch ĐBSCL đã và đang khai thác ít nhiều, gắn với nông nghiệp, rõ nét nhất như Vĩnh Long với các tuyến, điểm khai thác tối đa ưu thế vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, qua một số mô hình mới, một số ý tưởng mới, cho thấy sản phẩm du lịch từ nông nghiệp vẫn còn tiềm năng rất lớn.
Tham quan vườn thuốc Nam mẫu rộng 6.000m2 của Lương y Lê Văn Sanh (ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm). |
Xâm nhập sâu đời sống, văn hóa bản địa
Dự án Phát triển du lịch nông nghiệp, do Tổ chức Nông dân Hà Lan (Agriterra) tài trợ ở An Giang, đã tổng kết giai đoạn I (2010- 2015), cho thấy sự thành công bước đầu. Thực ra, đây là những mô hình, ý tưởng không hề mới, nhưng cách thức xây dựng và tổ chức tour có nhiều điều hay. Chương trình triển khai trên 3 địa bàn: TP Long Xuyên, huyện Phú Tân và Tịnh Biên; với các mô hình: homestay, ẩm thực đồng quê, du thuyền trên sông, tham quan rừng Trà Sư, săn cá bông lau,...
Qua những lần tham gia trực tiếp cùng du khách ở một số tour do Hội Nông dân tỉnh An Giang tổ chức, chúng tôi thấy có 2 điểm nổi bật. Thứ nhất, du khách không chỉ thụ động là tham quan, mà còn được trải nghiệm thực sự bằng việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động, sinh hoạt đặc trưng cộng đồng. Thứ hai, thông qua những hoạt động, sinh hoạt dân gian, đồng thời khôi phục lại những giá trị văn hóa phi vật thể của
địa phương.
Ông Năm Hổ (ấp Vàm Nao, xã Tân Trung- Phú Tân), cho biết: “Mỗi năm vào mùa săn cá bông lau, ngư dân bao giờ cũng tập trung lại tổ chức lễ cúng xuống lưới. Ngày nay, rất nhiều người trẻ không còn quan tâm đến nghi thức này nữa. Nhưng riêng những ngư dân ở ấp Vàm Nao vẫn giữ đúng nghi thức này; đặc biệt, từ khi tổ chức tour săn cá bông lau thì càng được sự quan tâm và tổ chức bài bản hơn”. Tour săn cá bông lau được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, bắt đầu vào khoảng 4- 5 giờ chiều, du khách đi thuyền dọc đoạn sông Vàm Nao cho đến 7- 8 giờ tối sẽ tập trung lên đuôi cồn, thưởng thức các món ăn từ cá và bắp nướng vừa bẻ từ rẫy, thưởng thức, giao lưu đờn ca tài tử. Sau đó là ngủ lại các nhà dân ở đây.
Riêng ở huyện Tịnh Biên, chương trình triển khai ở xã Văn Giáo, du khách được đi xe ngựa vào tận phum sóc, thăm các làng dệt thổ cẩm, các ngôi chùa Khmer cổ kính, cùng nông dân tham gia các hoạt động đánh bắt cá trên các con sông ven rừng tràm Trà Sư vào mùa nước nổi, sau đó thưởng thức những món ăn chế biến từ chính thành quả của mình. Theo đánh giá của đề tài nghiên cứu dự án của Ths. Nguyễn Đinh Yến Oanh- Trường Đại học Cần Thơ- những mô hình du lịch khai thác các sản phẩm, hoạt động từ nông nghiệp ở An Giang đạt hiệu quả cao; những tác động tích cực của chương trình, đã tạo nên mô hình phát triển kinh tế, xã hội hữu ích, giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập mới. Đây là cơ sở để có thể triển khai những cách thức tương tự ra những địa phương khác, với những sản phẩm đặc trưng khác, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch từ nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL.
Ấp ủ những dự định mới
Đối với du lịch Vĩnh Long, lâu nay các doanh nghiệp địa phương cũng đã khai thác tốt các sản phẩm từ nông nghiệp. Thậm chí có nhiều ý tưởng hay hấp dẫn, thu hút lượng khách quốc tế ổn định, điển hình như: Công ty CP Du lịch Cửu Long, Công ty Du lịch Mekong. Tuy nhiên, Vĩnh Long vẫn còn nhiều rất nhiều tiềm năng, cơ hội trong việc khai thác các sản phẩm đặc trưng từ đời sống cũng như văn hóa nông nghiệp. Một số dự án đã bắt đầu khởi động, một số gợi ý, ý tưởng ban đầu, ít nhiều mang lại cho du lịch Vĩnh Long nhiều hy vọng. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng Không gian bảo tàng Văn minh lúa nước ĐBSCL, đã được nêu trong Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL của Tổng cục Du lịch. Mới đây, ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long- cho biết, Bảo tàng Vĩnh Long đã bước đầu sưu tầm được trên 400 nông cụ các loại. Đây được xem là “bước chạy đà”, là sự chuẩn bị cần thiết cho một không gian bảo tàng về lúa nước trong tương lai.
Cũng mới đây, tại cuộc hội thảo về cây thuốc Nam, ông Mai Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế- có nêu ý tưởng xây dựng vườn thuốc mẫu làm nguồn giống với diện tích khoảng 10ha, kết hợp khai thác các dịch vụ tham quan, vui chơi, giải trí... Hay một vị lương y dự định xây dựng điểm bấm huyệt chữa bệnh dành cho du khách trong nước, mà những nhân viên sẽ là các em khuyết tật, các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Đây chỉ là những ý tưởng ban đầu, sẽ còn khoảng cách rất xa cho đến khi nó có thể thành hiện thực; nhưng nếu không có ý tưởng, không có những suy nghĩ đột phá thì cũng sẽ không bao giờ có thực tế và sự phát triển mới.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Đồng Tháp- để xây dựng thương hiệu “Sen”, những năm gần đây công ty đẩy mạnh việc quảng bá, xây dựng rất nhiều chương trình phong phú, gắn liền với bản sắc văn hóa, lịch sử của vùng đất Đồng Tháp Mười được xem như còn lưu giữ lại nhiều hình ảnh của Nam Bộ thời mở đất khai hoang. Đặc biệt, văn hóa ẩm thực theo mùa được khai thác triệt để như: ẩm thực mùa nước nổi, ẩm thực đồng quê, ẩm thực trái cây, ẩm thực sen... Thực tế chứng minh định hướng đúng của công ty, thông qua lượng khách trong nước và quốc tế đến Đồng Tháp luôn tăng qua từng năm. Cụ thể, Vườn Quốc gia Tràm Chim- Tam Nông, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, những năm gần đây luôn tăng trưởng từ 40% trở lên.
Một đặc thù của du lịch sinh thái, nông nghiệp khác với những điểm du lịch, khu du lịch, mà nó là những chương trình mở, luôn gắn với cộng đồng địa phương. Do đó, việc xây dựng ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường văn hóa bản dịa rất quan trọng. Do đó, ngoài những hướng dẫn viên thì nông dân, người dân địa phương cũng cần được tập huấn, xây dựng ý thức, sự am hiểu sâu sắc để cùng góp phần làm nên sự hấp dẫn, thành công của các tour du lịch.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long- cho biết Bảo tàng Vĩnh Long đã bước đầu sưu tầm được trên 400 nông cụ các loại. Đây được xem là “bước chạy đà”, là sự chuẩn bị cần thiết cho một không gian bảo tàng về lúa nước trong tương lai. Đó cũng là cơ sở để chúng ta hy vọng về một kênh mới thu hút du khách đến Vĩnh Long. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin