Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc xây dựng, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN-ND-NT) là đúng, trúng, phù hợp, hiệu quả mang lại rất tích cực.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2026-2035 theo hướng tích hợp; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công 6 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”.
![]() |
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2035 sẽ được thực hiện theo hướng tích hợp. |
Tạo động lực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Đến nay, chương trình MTQG xây dựng NTM đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao. Chương trình MTQG GNBV đã đạt và vượt các chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm do Quốc hội và Chính phủ giao.
Nổi bật là: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân giảm 1,03 %/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân giảm 4,45 %/năm. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ là 2.393.332 hộ, dự kiến cuối năm 2025 còn 1.256.197 hộ, đạt 52,49%, vượt 2,49% so chỉ tiêu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ NN và Môi trường Đỗ Đức Duy, điều kiện sống người dân cải thiện rõ nét, nhất là các địa bàn khó khăn. Hạ tầng NT phát triển đồng bộ. Dịch vụ thiết yếu được mở rộng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và chênh lệch vùng miền.
Nhận thức xây dựng NTM và GNBV là 2 chương trình rất quan trọng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến cho rằng: Phụ nữ vừa là người trực tiếp tham gia, vừa là người được hưởng thụ các chương trình này nên hội rất tích cực tham gia và đạt được những kết quả rất quan trọng.
Giai đoạn 2021-2025, hội đã cụ thể hóa những tiêu chí của Chương trình MTQG xây dựng NTM và GNBV vào các chương trình cụ thể của hội, thực hiện tốt các phong trào do Trung ương phát động. Đặc biệt là: cụ thể hóa phong trào “5 không 3 sạch”, thực hiện đề án phụ nữ khởi nghiệp, Đề án 939, 938, hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế...
Bà Nguyễn Thị Tuyến đề xuất Thủ tướng Chính phủ, BCĐ Trung ương, tới đây khi hợp nhất 2 chương trình, tiếp tục tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện các chương trình khởi nghiệp, góp phần cho phụ nữ thực hiện một cách trực tiếp vào Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác vốn từ ngân sách các địa phương để nâng cao dư nợ, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn của Trung ương...
Dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội
Nhận định chương trình MTQG xây dựng NTM và GNBV là 2 chương trình hành động cụ thể, bao trùm, toàn thể để thực hiện Nghị quyết số 26 của BCH Trung ương khóa X về NN-ND-NT; ông Nguyễn Xuân Cường- nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng: Diện mạo NT được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rất rõ nét.
Năm 2010, thu nhập vùng NT là 12,8 triệu đồng. Dự kiến cuối năm 2025 là 58 triệu đồng, tức là gấp hơn 4 lần. Về giảm nghèo, năm 2010 là 14,2%, đến bây giờ tỷ lệ nghèo đa chiều chỉ còn 1,93%. Đó là những thành tựu vô cùng lớn.
Ông Nguyễn Xuân Cường kiến nghị nên thiết kế chương trình một cách chủ động trên nền tảng thành quả 15 năm qua, vị thế đất nước hiện nay và tình hình thế giới, tận dụng cơ hội của giai đoạn 4.0 và khắc phục rủi ro.
Việc thiết kế phải chủ động và rất nhanh, thậm chí tổ chức thêm các phiên hội thảo để xây dựng đề án 2 chương trình một cách thiết thực, đột phá và khả thi, kịp trình xin chủ trương của Đảng và xin ý kiến Quốc hội ban hành nghị quyết.
Cho rằng: “Giai đoạn mới cần tư duy mới, định hướng tiếp cận mới”- Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan gợi mở: Xây dựng NTM không chỉ giàu có mà còn hạnh phúc.
GNBV không chỉ dừng lại ở việc trao cần câu thay vì trao con cá mà còn phải hướng dẫn cách thức câu cá, kiên trì đồng hành để khơi gợi tinh thần câu cá, thái độ sống, làm việc đúng đắn, tự lực, tự chủ, không bỏ cuộc. Cách tiếp cận mới đặt người khó khăn vào vị trí chủ thể, khơi dậy động lực của chính bản thân thay vì chỉ trông chờ vào sự trợ giúp ở bên ngoài.
![]() |
Đời sống người dân nông thôn những năm qua ngày càng được cải thiện. |
Hành trình NTM, GNBV vẫn còn nhiều việc phải làm. “Nếu chúng ta tiếp tục đồng lòng, tiếp tục lắng nghe tiếng nói của cộng đồng, tiếp tục tạo không gian cho những sáng kiến ở địa phương thì NT Việt Nam sẽ không chỉ mới về hình thức mà mới cả trong tư duy, trong cách sống, cách làm ăn và cách gắn kết”- Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan bày tỏ tin tưởng và cho rằng: Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, sự kiên trì đồng hành, thấu hiểu từng hoàn cảnh khó khăn để chọn lọc, hỗ trợ sinh kế phù hợp, khuyến khích tinh thần vượt khó, vươn lên, sẽ góp phần giúp chất lượng sống của những người có điều kiện khó khăn ngày càng được cải thiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, phải lấy nguồn lực nhà nước đóng vai trò “vốn mồi”, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, kêu gọi đoàn kết, chung tay của tất cả mọi người, của doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư.
Đồng thời, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực; đào tạo nhân lực; đầu tư hạ tầng; làm tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường NT để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Bà Lê Thị Lệ Uyên- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Những năm qua, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội, huy động được các nguồn lực to lớn góp phần thực hiện an sinh xã hội. Quỹ không chỉ giúp đỡ người nghèo về vật chất, thực hiện chương trình MTQG về giảm nghèo, phát triển bền vững, mà còn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ mỗi cộng đồng dân cư. Qua đó, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin