“Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”

12:05, 11/07/2025

Đó là chủ đề của ngày Dân số thế giới năm 2025 (11/7). Qua đó, nhấn mạnh quyền cơ bản của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên trong việc được tiếp cận thông tin, dịch vụ y tế để chủ động, tự do, có trách nhiệm trong quyết định về sinh sản.

Trẻ em tham gia hoạt động tại Trường Mầm non Việt Mỹ, Vĩnh Long.
Trẻ em tham gia hoạt động tại Trường Mầm non Việt Mỹ, Vĩnh Long.

Vĩnh Long là 1 trong 13 tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước

Theo Cục Dân số (DS), Bộ Y tế, sau khi hợp nhất địa giới hành chính, cả nước hiện có 13/34 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới mức sinh thay thế- tức dưới 2,1 con mỗi phụ nữ.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước, chỉ đạt 1,43 con/phụ nữ, dù đã mở rộng địa giới hành chính sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây là mức thấp kỷ lục, cho thấy xu hướng sinh ít con đang diễn ra mạnh mẽ ở đô thị lớn nhất nước. Đứng sau là Tây Ninh (nhập từ Long An và Tây Ninh) với 1,52 con/phụ nữ; Cần Thơ (nhập từ Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ) đạt 1,55 con/phụ nữ; Cà Mau (nhập từ Cà Mau và Bạc Liêu) và Vĩnh Long (nhập từ Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh) đều dưới 1,6 con/phụ nữ. Trong số các địa phương này, phần lớn ở khu vực miền Nam- nơi xu hướng sinh ít con ngày càng rõ nét.

Trước đó, năm 2020, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích ở các vùng có mức sinh thấp. Theo thống kê, vùng mức sinh thấp bao gồm 21 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang. Các địa phương này sẽ nằm trong chương trình điều chỉnh mức sinh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến sinh.

Theo Bộ Y tế, mức sinh của Việt Nam hiện chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ, nằm trong top 5 nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á. So với mức trung bình khu vực (2,0 con/phụ nữ), Việt Nam chỉ cao hơn Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con/phụ nữ), Thái Lan và Singapore (1,0 con/phụ nữ).

Theo các chuyên gia, mức sinh thấp tại Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như áp lực công việc, khó khăn tài chính, ưu tiên phát triển sự nghiệp và thay đổi nhận thức xã hội. Ở khu vực nông thôn, phụ nữ thường sinh nhiều con hơn do kết hôn sớm, ảnh hưởng bởi phong tục tập quán, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, xu hướng giảm sinh ở nông thôn đang ngày càng rõ rệt. Tình trạng mức sinh thấp kéo dài để lại nhiều hệ lụy, như già hóa DS nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Đẩy mạnh khuyến sinh

Trẻ em chào đời tại BVĐK Vĩnh Long.
Trẻ em chào đời tại BVĐK Vĩnh Long.

Chiến lược DS Việt Nam đến 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tức bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số 104 triệu người. Vì vậy, thời gian qua, Bộ Y tế đề xuất nhiều nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con. Trong đó, bãi bỏ tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ hai con trước tuổi 35.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, Vĩnh Long là 1 trong 13 tỉnh, thành có mức sinh thấp cả nước, Pháp lệnh DS mới được sửa đổi vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và có hiệu lực được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ sinh con tại tỉnh Vĩnh Long.

Theo quy định mới, mỗi cặp vợ chồng/cá nhân được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh con phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân/cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng. Quy định này thay thế quy định hiện hành, trong đó khuyến cáo mạnh mẽ mỗi cặp vợ chồng được quyết định thời gian và khoảng cách sinh con.

Để đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế, thời gian qua, Vĩnh Long tập trung đẩy mạnh tuyên truyền vận động nam, nữ thanh niên chưa kết hôn, cặp vợ chồng chưa sinh đủ hai con về lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; sinh ít con đối với phát triển kinh tế- xã hội; đối với gia đình và chăm sóc ba, mẹ khi già yếu. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh tại nhiều khu vực, đặc biệt là khu vực thành thị ngày càng có xu hướng giảm thấp và hiện nay Vĩnh Long đang bước vào giai đoạn “già hóa DS” với tốc độ nhanh.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, trước sự già hóa dân số với tốc độ ngày càng tăng và gánh nặng bệnh tật sẽ là thách thức không nhỏ đối với hệ thống y tế, ngành y tế Vĩnh Long sẽ chủ động xây dựng và triển khai nhiều giải pháp để thích ứng với tình trạng già hóa dân số một cách bền vững và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Theo đó, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBDN tỉnh chỉ đạo, quán triệt về tầm quan trọng của công tác dân số vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và toàn thể người dân. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách, phát luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân số; tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về già hóa dân số…

“Do đó, việc cho phép người dân tự quyết định về số con, thời điểm và khoảng cách sinh con phản ánh tinh thần tiến bộ, phù hợp với quyền con người và quyền tự do sinh sản sẽ tạo thêm thuận lợi trong công tác DS trong thời gian tới. Việc đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế góp phần ổn định quy mô DS, cân bằng cơ cấu độ tuổi, tránh các vấn đề xã hội do DS giảm hoặc tăng quá nhanh. Việc này giúp duy trì lực lượng lao động, giảm áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội bền vững”- Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng cho biết.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh