Tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch xảy ra nhiều nơi, nhất là trong mùa mưa. Người dân mong muốn ngành chức năng, địa phương sớm thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra.
![]() |
![]() |
Sạt lở xảy ra khiến người dân lo lắng, bất an. |
Theo ngành chức năng, thời gian qua, tình hình sạt lở không gia tăng bất thường về số lượng, nhưng luôn là thiên tai đáng lo ngại đối với các địa phương và là nỗi ám ảnh đối với những hộ dân ở ven sông, rạch, tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao.
Những ngày qua, đê bao kênh Hai Quí (phường Cái Vồn) đã xảy ra 2 điểm sạt lở dài hàng chục mét. Đây là tuyến có lượng phương tiện đường thủy lẫn đường bộ lưu thông thường xuyên.
Sạt lở xảy ra khiến chia cắt đường giao thông chính, người dân không thể di chuyển bằng xe máy gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân. Mặc dù đã có bước khắc phục tạm thời nhưng người dân rất lo lắng, bởi đã vào mùa mưa và triều cường, nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra sạt lở.
Chú Ông Đại Nô (phường Cái Vồn) cho biết: “Khi vừa có dấu hiệu nứt là tôi cắm cừ tràm để giữ chân đất lại, nhưng sau đó, mưa khiến sạt lở nhiều hơn. Thấy việc đi lại của bà con, học sinh khó khăn, nên tôi đã tự chi 50 triệu đồng để gia cố lại. Nhưng vẫn còn lo lắm”. Nhà gần điểm sạt lở, chú Lê Văn Minh cho biết: “Tuyến đường này lưu thông hàng hóa nhiều lắm. Mong ngành chức năng sớm khắc phục để đi lại an toàn, thuận tiện hơn”.
Còn tại xã Cái Ngang, cuối tháng 6, một đoạn đê bao ven sông Cái Ngang bất ngờ sạt lở gần 30m, đe dọa hàng chục hộ dân. Sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, ăn dần vào phía trong, đe dọa tường rào và nhà cửa của hộ dân. Bị sạt lở ảnh hưởng trực tiếp, chú Võ Văn Tám (xã Cái Ngang) cho biết: “Trước đây hàng rào nhà tôi cách bờ sông khoảng 10m và trước nhà còn có đường đan để người dân qua lại. Giờ sạt lở mất đường đan, mất luôn hàng rào, đến sát tường nhà. Tôi lo lắm, tối ngủ mà thấp thỏm”.
Sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không đi lại ban đêm qua khu vực nguy hiểm. Ngay sau đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cũng đã xuống khu vực sạt lở, đo đạc hiện trạng và tìm giải pháp ngăn sạt lở tiếp tục để đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng của người dân.
Trong khi đó, một đoạn đê bao sông Măng Thít thuộc xã Tân Long Hội cũng đã nhiều lần xảy ra sạt lở khiến người dân bất an. Ông Nguyễn Văn Hồng- Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản (xã Tân Long Hội) cho hay: “Đoạn sông này có nền đất yếu, đoạn sông cong, dòng chảy rất phức tạp, lại có rất nhiều tàu bè tải trọng lớn lưu thông càng làm tăng tác nhân gây sạt lở. Ngành chức năng đã 2 lần gia cố, khắc phục nhưng cuối tháng 6 lại tiếp tục xảy ra 3 đoạn sạt lở liền kề và còn dấu hiệu sạt lở tiếp. Vào mưa mưa bảo rồi nên tôi rất lo lắng. Mong sớm có biện pháp khắc phục hiệu quả, lâu dài”.
Nhiều người dân cho hay, nhiều đoạn sạt lở đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân. Trước thực trạng tuyến đường xuống cấp và đã xảy ra nhiều đoạn sạt lở người dân mong muốn ngành chức năng sớm gia cố sạt lở, về lâu dài có giải pháp nâng cấp tuyến đê bao để tạo thuận lợi cho người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, nguyên nhân gây ra sạt lở trong thời gian qua xuất phát từ tác động khác nhau. Cụ thể, từ thiên nhiên: địa chất mềm yếu; mưa nhiều; chế độ bán nhật triều không đều làm giảm lực dính của đất ven sông, đất ven sông không liên kết chặt; hình thái sông cong, dòng chủ lưu áp sát bờ, tấn công bờ gây sạt lở. Bên cạnh đó, vấn đề hạ thấp lòng dẫn do khai thác cát, giảm hàm lượng phù sa trong dòng chảy; công trình lấn sông, bè cá ven sông làm giảm mặt cắt ướt làm cho vận tốc dòng chảy lớn lên; tàu, sà lan qua lại và neo đậu gây sóng gây sạt lở bề mặt…
Ngành chức năng khuyến cáo, để phòng tránh sạt lở, trước mắt các địa phương cần duy trì thực hiện công tác tuyên truyền, thông tin về tác hại của thiên tai sạt lở, sụt lún bờ sông. Đồng thời, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, hộ dân ở ven sông rạch, công trình, nhà cửa có dấu hiệu bị sạt lở cần được di dời ngay đến nơi an toàn. |
Ông Trần Nguyễn Anh Tú- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Tài nguyên khoáng sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Thời gian tới, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh. Đồng thời sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ để ứng phó, khắc phục hậu quả được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; triển khai các công trình kè xây dựng mới và kè gia cố để chống sạt lở bờ sông theo kế hoạch…
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin