Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (thuộc Bộ Nội vụ), có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; mỗi năm gửi về lượng kiều hối 3,5-4 tỷ USD.
![]() |
Học sinh, sinh viên, người lao động đăng ký tìm hiểu thông tin thị trường lao động trong nước và ngoài nước (Nhật Bản, Hàn Quốc,...) tại một ngày hội việc làm. |
Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản triển khai cách đây 20 năm (từ 2006). Người tham gia gọi là thực tập sinh, tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật trong 3-5 năm, hưởng lương cơ bản theo hợp đồng. Hiện tại, theo Trung tâm Lao động ngoài nước, mức lương mỗi tháng theo hợp đồng tùy ngành như sản xuất chế tạo lương 140.000-170.000 yên (tương đương 24-30 triệu đồng); ngành xây dựng khoảng 150.000-200.000 yên (26-35 triệu đồng). Các mức lương này chưa khấu trừ tiền thuế, bảo hiểm, thuê nhà; chưa bao gồm tiền làm thêm giờ và các phúc lợi khác.
Đến cuối năm 2024, Việt Nam dẫn đầu 15 nước phái cử thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản với hơn 200.000 người. Trong đó, lao động đi làm việc tại Nhật diện kỹ năng đặc định chiếm số lượng lớn nhất trong số các nước phái cử, với hơn 110.000 người; theo chương trình IM Japan khoảng 9.000 người.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, hiện có khoảng 650.000 lao động Việt Nam làm việc tại thị trường hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; hàng năm gửi về lượng kiều hối 3,5-4 tỷ USD. Lao động Việt làm việc tại Hàn Quốc có thu nhập hàng tháng cao nhất với 1.600-2.000 USD; kế đến là Nhật Bản với 1.200-1.500 USD; Đài Loan (Trung Quốc) 800-1.200 USD. Trong khi, lao động làm việc ở một số nước khu vực Trung Đông, Châu Âu có mức lương thấp hơn.
Riêng tại tỉnh Vĩnh Long, hơn 80% lao động đi làm việc ở Nhật Bản, các thị trường kế tiếp có Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), một số nước khu vực Trung Đông, châu Âu. Thiên Phước là lao động sang Nhật Bản làm việc năm 2015, cho biết lương gần 150.000 yên mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí, thời điểm đó mỗi tháng dư hơn 10 triệu đồng. Phước cho biết, sau 3 năm anh về nước dành dụm được khoảng 350 triệu đồng. Chịu khó học tiếng tốt, khi hết thời hạn hợp đồng làm việc, về nước xin vào làm công ty thuận lợi hơn hoặc có thể khởi nghiệp.
Theo bạn Bảo Hằng, là người lao động khi làm việc ở nước ngoài có các điều kiện trải nghiệm môi trường sống, học tiếng, văn hóa, năng lực làm việc... để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm cho mình hiện tại và sau khi về nước. Bạn Hồng Hân (xã Quới An, tỉnh Vĩnh Long) tham gia chương trình thực tập sinh thông qua Công ty TNHH Hasu Asia (TP Hồ Chí Minh) tháng 1/2025, được tiến cử vào đơn hàng “Sản xuất, kiểm tra sản phẩm nhựa”, làm việc tại tỉnh Aichi. Cùng 2 lao động khác ở Vĩnh Long, Hồng Hân xuất cảnh sang Nhật hồi cuối tháng 4/2025 để bắt đầu thời gian tu nghiệp.
Theo ông Trương Nhật Tài- Phó Giám đốc Công ty TNHH Hasu Asia, công ty xác định từ đầu khi ứng viên tham gia chương trình, sẽ được tư vấn kỹ để xác định rõ nhu cầu nguyện vọng nghề nghiệp, từ đó có định hướng phù hợp. “Mục tiêu cuối cùng là giúp thực tập sinh có công việc, với thu nhập ổn định ở nước sở tại. Và sau khi hết thời hạn hợp đồng về nước có thể phát huy năng lực, kiến thức, kinh nghiệm làm việc để tiếp tục đóng góp vào thị trường lao động trong nước hoặc khởi nghiệp cho bản thân mình”- ông Tài chia sẻ.
Theo nhiều người lao động xuất ngoại và đại diện doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có nhiều yêu cầu đặt ra trong công tác này cần quan tâm như: nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm cần tiếp cận kịp thời đến lực lượng có nhu cầu đi làm việc ngoài nước; đa dạng công tác tổ chức dạy tiếng và kiến thức cơ bản cho lao động tham gia chương trình thực tập sinh; có kế hoạch khai thác nguồn lực này sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động trở về để nâng chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương...
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin