Cho con hè nhẹ nhàng, trải nghiệm kỹ năng

15:25, 16/07/2025

Nhiều bậc cha mẹ lo lắng con “tụt dốc phong độ” sau mùa hè, trong khi ngành giáo dục khuyến khích nghỉ ngơi và trải nghiệm kỹ năng sống. Cân bằng giữa học và chơi, giữa kiến thức và kỹ năng đang là bài toán khó. Bên cạnh, nếu không tỉnh táo, phụ huynh có thể sa vào những “cái bẫy” học thêm online đang nở rộ.

Hãy cho con vừa học, vừa chơi, rèn luyện kỹ năng bổ ích. Ảnh minh họa
Hãy cho con vừa học, vừa chơi, rèn luyện kỹ năng bổ ích. Ảnh minh họa

Học hè gắn với trải nghiệm và khám phá

Đối với môn Ngữ văn, môn thi chính trong các kỳ thi quan trọng thì hè là thời gian để các em bổ sung kiến thức, vốn từ cho Ngữ văn nhẹ nhàng, thoải mái. Cô Lê Thị Bích Tuyền- Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Long Phú cho rằng: “Nếu học sinh có kế hoạch tự học rõ ràng, thì mùa hè hoàn toàn có thể là thời gian để tiến bộ”. Cô gợi ý học sinh nên làm quen với cấu trúc đề thi, luyện viết đoạn văn, bài văn nghị luận, đọc hiểu theo từng mức độ nhận thức. Quan trọng nhất là rèn được thói quen tư duy, tự học và đọc sâu- những điều khó có thời gian thực hiện trong năm học chính khóa.

Không chỉ học sinh THPT, với lứa tuổi tiểu học, việc học hè cũng cần cân nhắc theo năng lực và tâm sinh lý từng em. Cô Ngô Trần Như Mai- Giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An chia sẻ: “Con tôi nghỉ hè vẫn được chơi thỏa thích, nhưng mỗi ngày đều có thời gian học toán, đọc truyện, rèn chữ. Không học gì hết thì khi vào năm học sẽ rất chật vật theo kịp chương trình”. Theo cô Mai, mỗi ngày chỉ cần ôn tập 30-60 phút, nếu cha mẹ có thời gian theo sát, sẽ giúp con giữ được thói quen học tập, không bị rơi vào trạng thái “lười học” đầu năm. “Thực tế là nhiều phụ huynh đi làm, gửi con về quê cho ông bà hoặc phó mặc điện thoại cả ngày. Vậy thì đừng mong con tự giác học được”, cô thẳng thắn.

Một đối tượng đặc biệt khác cũng đang bị cuốn vào làn sóng “học hè”- đó là trẻ mẫu giáo lớn. Với mong muốn “con vào lớp 1 phải biết đọc, biết viết trước”, không ít cha mẹ ép trẻ 5 tuổi học chữ, học tính toán… khiến giáo viên mầm non lo ngại.

Cô Huỳnh Thị Kim Thoa- Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ Thuận (xã Mỹ Thuận) cảnh báo: “Trẻ lớp lá chỉ cần nhận biết 29 chữ cái và 10 chữ số là đủ hành trang vào lớp 1. Cơ tay trẻ chưa phát triển, ép học sớm chỉ khiến trẻ chán học, thậm chí phản tác dụng”. Thay vì học chữ, điều trẻ cần hơn là học kỹ năng sống như tự mặc quần áo, xếp sách vở, đi học đúng giờ hay xử lý tình huống khi có sự cố.

Thực tế, một mùa hè lý tưởng cho trẻ là được trải nghiệm và khám phá, không nhất thiết ngồi trong lớp học. Một chuyến du lịch cùng cha mẹ, một buổi đi chợ, làm bánh, tham quan bảo tàng cũng là những “bài học” quý giá hơn cả bảng cửu chương.

Không nên là “học kỳ 3”

Tuy nhiên, với không ít gia đình, mùa hè cũng là “bài toán trông con” khi cha mẹ vẫn đi làm, con lại không có nơi gửi gắm an toàn. Và thế là học thêm, lớp kỹ năng, trại hè... trở thành lựa chọn bất đắc dĩ.

Cùng với nhu cầu học hè tăng cao, các lớp học online giá rẻ nở rộ khắp nơi. Trên mạng xã hội, chỉ cần gõ cụm từ “học hè online” là hiện ra vô số fanpage, tài khoản “học phí 35.000 đ/buổi”, “hoàn tiền nếu không hài lòng”, “giáo viên giỏi Hà Nội dạy trực tiếp” ... Thế nhưng phía sau những lời mời gọi hào nhoáng đó, có không ít cái bẫy tinh vi.

Anh Nguyễn P.V.P.- phụ huynh ở phường Phước Hậu kể lại trải nghiệm: “Tôi thấy quảng cáo rất hấp dẫn, đăng ký học thử, xong bên đó liên tục thúc giục chuyển tiền để giữ chỗ, được giảm giá. May mà tôi cảnh giác, không chuyển khoản nên không bị lừa”. Không phải phụ huynh nào cũng may mắn như anh. Đã có không ít phụ huynh bị chiếm đoạt tiền mà không thể liên hệ lại, hoặc sau vài buổi học thì lớp “biến mất”. Chiêu trò không mới, nhưng vẫn hiệu quả vì đánh trúng tâm lý “muốn con học giỏi, học rẻ, học sớm, không cần đưa con đi học” của nhiều phụ huynh. Những nội dung dạy học được dựng hình bắt mắt, bài viết có hàng trăm bình luận tích cực- nhưng phần lớn là tương tác ảo, bình luận thuê.

Chiêu thức phổ biến của những khóa học online trá hình là mời học thử miễn phí rồi thúc ép chuyển khoản giữ chỗ, sau đó biến mất. Thiệt hại không chỉ là tiền bạc mà còn ảnh hưởng tâm lý trẻ, khiến các em mất hứng thú học tập. Phụ huynh cần tỉnh táo, đánh giá nhu cầu thực sự của con, kiểm tra kỹ thông tin giảng viên, giấy phép hoạt động và địa chỉ của đơn vị tổ chức. Không nên chuyển tiền trước khi có hợp đồng rõ ràng và cam kết hoàn phí minh bạch.

Cơ quan công an cũng đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng mạo danh các chương trình “Học kỳ quân đội”, “Trại hè công an” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc điểm nhận diện là không có địa chỉ cụ thể, chỉ giao dịch qua tin nhắn, không có giấy phép rõ ràng. Ngoài thiệt hại kinh tế, hậu quả lớn hơn là khiến trẻ mất hứng thú học tập, mất niềm tin. “Con tôi háo hức học thử, nhưng sau đó bị hủy không lý do. Từ đó, cháu không còn tin vào việc học online nữa”, một phụ huynh than thở trên một diễn đàn lớn.

Một mùa hè vui bổ ích không đến từ việc học thật nhiều, càng không đến từ các lớp học giá rẻ, không rõ ràng. Thay vào đó, phụ huynh cần đánh giá năng lực, nhu cầu của con; chọn lựa các chương trình có địa chỉ rõ ràng, giảng viên minh bạch, cam kết chất lượng cụ thể.

Trong thời đại số, học online là xu hướng hữu ích nhưng chỉ thật sự hiệu quả nếu được lựa chọn đúng nơi, đúng cách. Mùa hè không nên là “học kỳ 3”, càng không nên là “mùa học thêm trá hình”. Đó nên là khoảng thời gian để trẻ tái tạo năng lượng, bồi dưỡng thói quen học tập nhẹ nhàng và rèn kỹ năng sống. Nếu chọn đúng phương pháp, mùa hè sẽ là hành trang quý báu, không chỉ để bước vào năm học mới, mà còn để trưởng thành.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh