Sinh viên kiến trúc với những ý tưởng nhân văn hướng đến cộng đồng

10:28, 01/05/2025

Đó là những sinh viên chuyên ngành Kiến trúc, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, liên tục lưu tên mình, tên trường vào sổ thành tích các cuộc thi của sinh viên ngành Kiến trúc trong cả nước. Các bạn trẻ gen Z năng động, tự tin, nhạy với công nghệ và trân quý hơn là tấm lòng hướng đến những đối tượng yếu thế trong xã hội, với những thiết kế thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí. 


Sinh viên tự tin trình bày sản phẩm của mình.
Sinh viên tự tin trình bày sản phẩm của mình.

 

Những ý tưởng vì cộng đồng

Tháng 2/2025, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây có 2 thiết kế đoạt giải nhì và giải khuyến khích Cuộc thi “Không gian công cộng cho mọi người”- Nhà vệ sinh điểm trường vùng cao và khu du lịch.

Trong đó, nhóm sinh viên Võ Quốc Vương, Huỳnh Gia Mẫn, Phạm Thế Hùng- năm 4, chuyên ngành Kiến trúc công trình, với đề tài “The Rhythm of Waves” đã mang đến một thiết kế ấn tượng, hòa quyện giữa không gian công cộng và nhịp sóng biển, tạo nên trải nghiệm độc đáo cho khu vực ven biển.

Theo bạn Võ Quốc Vương, công trình không chỉ là một nhà vệ sinh công cộng đơn thuần mà còn là một không gian kiến trúc mang tính trải nghiệm, hòa nhập với thiên nhiên. “Sự kết hợp giữa hình khối kiến trúc hữu cơ với vật liệu địa phương giúp công trình vừa nổi bật về mặt thẩm mỹ, vừa đảm bảo tính bền vững, tạo nên một điểm nhấn trong không gian ven biển”- Võ Quốc Vương chia sẻ.

Giải khuyến khích cuộc thi đến từ nhóm sinh viên Dương Hồ Vũ, Lê Anh Hào, Nguyễn Thị Kim Ngân với đề tài ““Mơ” vùng cao” đã mang đến một giải pháp thiết thực cho không gian vệ sinh công cộng tại các điểm trường vùng cao. Lê Anh Hào- sinh viên năm 4, ngành Kiến trúc công trình, cho rằng: “Em rất băn khoăn khi biết một số trường học vùng cao không có nhà vệ sinh. Và, bản thiết kế nhà vệ sinh ở các trường vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hướng đến nét đẹp nhân văn và bền vững, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt và học tập cho các em nhỏ”.

Việc xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh vùng cao không chỉ là đáp ứng nhu cầu thiết yếu mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo vệ quyền lợi của trẻ em nhóm yếu thế dễ bị tổn thương bởi điều kiện sống thiếu thốn trên vùng cao. 

“Nhà tình thương dành cho người có thu nhập thấp” là thiết kế của Lê Anh Hào, Nguyễn Thị Kim Ngân, Huỳnh Gia Mẫn. Trung tâm không chỉ đơn thuần là nơi ở mà còn là nơi gắn kết giữa những con người trong hoàn cảnh khó khăn. Lê Anh Hào, cho hay: “Thiết kế một phòng sinh hoạt chung chủ yếu là tham gia các hoạt động vui chơi giải trí cho người cao tuổi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, thiết kế kết hợp áp dụng hình thức và chất liệu địa phương, các giải pháp xanh được áp dụng sẽ giúp giảm thiểu tối đa việc sử dụng năng lượng của ngôi nhà”.

Góp phần bảo tồn và phát triển kiến trúc quê hương

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người trẻ, những ý tưởng sáng tạo của sinh viên không chỉ hướng về cộng đồng mang giá trị nhân văn mà còn là tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để chi phí đầu tư thấp. Những sinh viên kiến trúc tham gia rất nhiều cuộc thi và qua các cuộc thi này, các bạn tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng và tiếp tục có những thiết kế hay hơn, đẹp hơn trong thời gian tới. 

ĐBSCL đóng vai trò là tuyến đường thủy quan trọng nuôi sống hàng triệu người, đồng thời cũng là khu vực có lịch sử và văn hóa của nhiều nền văn minh khác nhau. Để chứng minh cho di sản của mình, người dân địa phương đã xây dựng nhà cửa dọc theo các tuyến đường thủy, góp phần tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của khu vực.

Tuy nhiên, theo sinh viên Dương Hồ Vũ, quá trình đô thị hóa và phát triển NTM đã dần biến đổi kiến trúc truyền thống, dẫn đến sự xói mòn các giá trị văn hóa, đặc biệt là các họa tiết trang trí phức tạp được tìm thấy trong các ngôi nhà địa phương. Những họa tiết này không chỉ biểu thị sự hiện diện của cộng đồng và văn hóa mà còn thể hiện tay nghề thủ công đặc biệt của những người thợ mộc địa phương.

Vì lẽ đó, Dương Hồ Vũ và các bạn Lê Thanh Tú, Huỳnh Gia Mẫn đã biên tập, in thành quyển vở tô màu hoa văn cho thiếu nhi tô theo. Những nội dung trên được thể hiện trong đề tài “Tổng hợp họa tiết trang trí gỗ, nhà ở khu vực trung lưu dòng Mekong tại ĐBSCL”, đề tài này đoạt giải nhất, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2024. 

Với thiết kế mang tên “Hướng dương” đoạt giải nhất Insee Prize 2024, Võ Quân Vương và các bạn đã thiết kế một không gian học tập- vui chơi cho trẻ em khuyết tật tại trung tâm phát triển hòa nhập tỉnh Vĩnh Long; giúp các em được một không gian góp phần cải thiện sức khỏe của bé. Thiết kế này được các bạn vận động xã hội hóa, dự kiến sẽ thi công vào tháng 5 này.

Còn rất nhiều những ý tưởng, thiết kế mới, đẹp, nhân văn ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã và đang được hình thành. Đây là nguồn nhân lực cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, vấn đề cần thiết hiện nay theo tinh thần Nghị quyết 57.

Sinh viên Võ Quân Vương- là sinh viên năm 4 với chuyên ngành Kiến trúc:

“Với đam mê tạo ra các không gian kiến trúc sống động kết hợp với công năng hợp lý thì tôi đã có những ý tưởng độc đáo và đằng sau các thiết kế từ đó định hướng được một phong cách riêng của mình”. 


Sinh viên Dương Hồ Vũ:

“Những năm tháng trưởng thành giữa thiên nhiên sông nước đã giúp tôi nuôi dưỡng một cảm quan sâu sắc về chất cảm mang tính địa phương, điều mà tôi luôn xem là hành trang quý giá trong thiết kế. Tôi mong muốn kết hợp giữa giá trị truyền thống mang tính bản địa và giải pháp bền vững để tạo nên những công trình kiến trúc hài hòa với con người gắn kết thiên nhiên, kết hợp giải pháp hiện đại. Hy vọng góp phần bảo tồn và phát triển kiến trúc quê hương”. 


Sinh viên Lê Anh Hào:

“Không gian giải trí phục vụ người già- An Yên” thiết kế theo nhu cầu người già neo đơn ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, là công trình lấy cảm hứng từ mái nhà cũ, sử dụng phần lớn là vật liệu tái chế, việc lấy màu gỗ làm màu chủ đạo với mục đích giúp các cụ hồi tưởng về quá khứ vui vẻ, về mái nhà nhỏ mộc mạc ngày xưa”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh