Cô giáo lao xuống sông cứu nữ sinh: "Thức trắng 2 đêm, tôi cố bơi hết sức"

14:31, 27/05/2025

Một cô giáo tiểu học ở Nam Định đã dũng cảm nhảy xuống sông cứu sống nữ sinh nhảy cầu. Ít ai biết, thời điểm đó, cô vừa trải qua 2 đêm thức trắng để chăm người thân trong bệnh viện.


Hành động dũng cảm của cô Mai khiến nhiều người khâm phục (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hành động dũng cảm của cô Mai khiến nhiều người khâm phục (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Con đi cứu người đây!"

Câu chuyện cô giáo ở Nam Định lao xuống sông cứu nữ sinh nhảy cầu được chia sẻ trên nhiều diễn đàn ngày 26/5 và nhận về hàng nghìn lượt chia sẻ.

Cư dân mạng dành nhiều lời khen và bày tỏ khâm phục cô giáo bởi sự dũng cảm, bình tĩnh, cứu người giữa dòng nước xoáy. Nhờ hành động dứt khoát, kịp thời của cô giáo mà nữ sinh đã bảo toàn được tính mạng.

Một lãnh đạo UBND phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định xác nhận, sự việc trên xảy ra ở khu vực cầu Đò Quan trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo vào 6h24 sáng 26/5.

Cô giáo trong vụ việc là chị Nguyễn Thị Mai (37 tuổi, công tác tại Trường Tiểu học Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định). Người được cứu sống là một nữ sinh ở thành phố Nam Định.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Mai cho biết, khi nhảy xuống dòng nước xoáy, chị không do dự nhiều mà chỉ nghĩ làm thế nào để nhanh nhất đưa nạn nhân lên bờ.

Nhớ lại sự việc, chị Mai chia sẻ, sáng sớm 26/5, chị điều khiển xe máy chở mẹ đẻ từ TP Nam Định về nhà ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực.

Khi đi qua cầu Đò Quan, chị thấy rất đông người đang tập trung trên cầu. Chị Mai bèn dừng xe lại hỏi xem có chuyện gì thì được biết vừa có người nhảy cầu. Nhìn xuống dòng sông, chị thấy một bóng người nhấp nhô trên mặt nước. Chị Mai vội tháo dép rồi hớt hải nói với mẹ: "Con đi cứu người ta đây!".

Biết con gái thức 2 đêm liền để chăm ông ngoại và chăm chị dâu mới sinh con, người mẹ lo lắng: "Con thức đêm mệt rồi, có cứu được không?".

"Mẹ tôi rất hoảng hốt, song tôi chỉ bảo: "Con cứ nhảy xuống đã!", chị Mai kể.

Ban đầu, chị Mai định bước qua thành cầu để nhảy xuống sông. Tuy nhiên, quan sát nhanh, cô giáo 37 tuổi nhận thấy, người kia đã trôi xa khoảng 100m, nếu bản thân nhảy xuống, bơi đến nơi thì cũng bị đuối sức, không cứu được.

Chị Mai bèn tìm lối xuống đê, men theo bờ sông, chạy nhanh nhất đến khoảng nữ sinh đang chấp chới rồi lao xuống sông. Lúc này, nữ sinh đã trôi xa vị trí ban đầu khoảng 200m.

"Tôi chẳng do dự, lao xuống bởi nghĩ nếu không nhanh thì không cứu được, chân còn giẫm cả vào mảnh sành. Tôi bị cận, lại vứt kính trên bờ, trước mặt cứ lấp lóa nên chỉ biết hướng theo cái đầu nhấp nhô mà định hướng bơi ra", cô giáo nhớ lại.

Vì dòng nước chảy xuôi, khá mạnh nên chị Mai phải bơi khoảng 50-60m mới tiếp cận được nữ sinh. Lúc này, thấy nạn nhân hoảng hốt, đầu đội mũ bảo hiểm, đang úp mặt xuống, chị Mai liên tục trấn an: "Cháu bình tĩnh, đã có cô ở đây rồi".

"Tôi hướng dẫn cháu không níu, siết vào tôi mà hãy thả lỏng để tôi ôm cháu rồi dìu cháu vào. Khi di chuyển vào bờ, vì vừa chạy lại bơi luôn, nên tôi khá mệt. Tôi cố hết sức bơi nhanh vào bờ, vừa bơi vừa bảo cháu nhô đầu lên, há mồm to, hít hơi thật sâu rồi thở ra", chị Mai nhớ lại.

Lên đến bờ, chị Mai hướng dẫn nữ sinh kiểm tra khoang miệng, hỏi han xem có bị sặc nước không và hít thở để lấy lại bình tĩnh. Sau khi nằm nghỉ một lúc, cả hai mới quay trở lại cầu.

Khi lên tới bờ, chị Mai thấy mẹ mình vẫn đang run rẩy lo sợ. Khi nghe con gái chia sẻ mọi chuyện đã ổn, bà mới thở phào nhẹ nhõm.

Câu chuyện lan tỏa tinh thần nhân ái

Thời điểm đó, có rất đông người tụ tập trên cầu ngỏ ý đưa cháu bé về nhà. Tuy nhiên, nữ sinh chỉ đồng ý để chị Mai đưa về. Trên đường về, chị Mai động viên, khuyên nhủ nữ sinh nên trân trọng cuộc sống, bởi mỗi người chỉ sinh ra một lần trên đời nên phải sống cho ý nghĩa, cố gắng vượt qua áp lực dù gặp khó khăn ra sao.

"Tôi nói sẵn sàng trở thành một người bạn để cô bé chia sẻ, tâm sự. Nghe tôi nói, cô bé không nói gì nhiều mà chỉ bảo buồn về tâm trí lẫn trong tim. Tôi khuyên cô bé nên tập trung vào việc học, đừng buồn phiền, nghĩ quẩn vì bất cứ điều gì", chị Mai cho hay.

Suốt chặng đường về nhà, nữ sinh không trò chuyện nhiều mà chỉ lắng nghe lời động viên của chị Mai. Trước khi chia tay, cô gái trẻ đã gửi lời cảm ơn đến ân nhân cứu mạng mình.


Cô giáo Mai dũng cảm cứu người sáng 26/5 (Ảnh: Nguyễn Du).
Cô giáo Mai dũng cảm cứu người sáng 26/5 (Ảnh: Nguyễn Du).

Theo chị Mai, chị đã thức 2 đêm liền trong viện. Đêm thứ nhất trông ông ngoại ốm, đêm thứ hai trông chị dâu mới sinh nên khá mệt. Tuy nhiên, vì là một giáo viên dạy thể dục, nắm vững các kỹ năng xử lý đuối nước nên chị nhanh chóng ứng phó được tình huống.  

Cư dân mạng dành nhiều lời khen ngợi cho chị Mai, song cô giáo này khiêm tốn cho biết, đó là hành động chị nên làm trong hoàn cảnh ấy.

Công tác tại Trường Tiểu học Hồng Quang, chị Mai dạy các môn thể chất trong đó có môn bơi. Vào dịp hè, thực hiện phân công của nhà trường, chị Mai thường đứng lớp dạy bơi cho trẻ em, phổ cập bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Khánh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Quang cho hay, hành động của cô giáo Mai rất đẹp và nhân văn. Ngay sau khi nắm được thông tin sự việc, ban giám hiệu nhà trường đã đến nhà động viên, thăm hỏi sức khỏe cô giáo Mai. 

"Chúng tôi đã làm báo cáo gửi cấp trên để có hình thức tuyên dương đối với cô Mai", ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, cô Mai là một giáo viên gương mẫu, có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và môn bơi lội. 

Ngày 26/5, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định có quyết định về việc khen thưởng thành tích đột xuất đối với chị Nguyễn Thị Mai, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, vì đã có hành động dũng cảm cứu người.

Hành động dũng cảm của cô giáo Nguyễn Thị Mai không chỉ cứu sống một mạng người mà còn lan tỏa tinh thần nhân ái, trách nhiệm của một nhà giáo giữa đời thường. Câu chuyện ấy một lần nữa nhắc nhở mỗi chúng ta về giá trị của lòng tốt và sự can đảm - những điều luôn cần trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Khuyến cáo của Bộ Công an về các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em và kỹ năng cứu người bị đuối nước

Trường hợp người tham gia cứu nạn không biết bơi hoặc biết bơi nhưng không đủ khả năng trực tiếp cứu người bị nạn:

- Phải bình tĩnh suy xét và nhanh chóng quan sát xung quanh, tìm những vật có khả năng cứu người như cành cây, can nhựa, phao cứu sinh, dây thừng hoặc các vật thể nổi khác;

- Đưa hoặc quăng các vật dụng đó đến vị trí người bị nạn để họ bám, víu rồi kéo dần người bị nạn vào bờ.

- Trường hợp nạn nhân ở gần bờ, người cứu nạn có thể sử dụng tay hoặc cành cây để kéo nạn nhân lên bờ;

- Trường hợp vị trí của nạn nhân ở cách xa bờ, có thể sử dụng các vật như phao tròn, dây thừng… quăng đến vị trí người bị nạn

- Trong trường hợp người bị nạn ở quá xa bờ, vượt khỏi tầm quăng đến của các phương tiện cứu nạn như dây thừng, phao kéo… thì người cứu phải bằng mọi cách hô hoán, gọi cứu trợ để cứu người bị nạn một cách nhanh nhất có thể.

Khi người cứu nạn biết bơi nhưng chưa có kỹ năng cứu đuối nước:

- Sử dụng phao tròn (phao có dây kéo thì càng tốt) hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì ra ký hiệu cho nạn nhân bám vào phao rồi sau đó vừa bơi, vừa kéo phao đưa nạn nhân vào bờ.

- Trường hợp nạn nhân đã đuối sức, người cứu nạn nên tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra phía trước mặt nạn nhân, dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi và sau đó bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

 - Trong trường hợp không có phao hoặc các vật thể nổi, người cứu nạn có thể sử dụng một sợi dây thừng buộc quanh eo mình và để dư một đoạn có độ dài nhất định để cho nạn nhân bám vào (chiều dài phần dây dư khoảng từ 3m đến 5m), đầu dây còn lại sẽ được cố định vào một điểm chắc chắn trên bờ hoặc do một người trên bờ giữ đầu dây.

- Khi bơi gần đến vị trí nạn nhân hãy hô to hoặc ra ký hiệu và quăng đầu dây đã để dư cho người bị nạn cầm, sau đó ra ký hiệu cho người trên bờ kéo dây vào hoặc người cứu nạn vừa bơi vừa co dây kéo theo nạn nhân di chuyển dần dần vào bờ.

- Lưu ý: Trong mọi trường hợp cứu đuối nước, nếu nạn nhân đang vùng vẫy mạnh thì người cứu nạn tuyệt đối không được trực tiếp ôm nạn nhân và không để nạn nhân bám vào người mình. Vì khi đó, nạn nhân đang bị hoảng loạn sẽ ôm và siết chặt có thể làm cho cả nạn nhân và người cứu nạn cùng bị đuối nước.

Trường hợp người cứu nạn biết bơi và có kỹ năng cứu đuối nước

- Người cứu nạn sẽ bơi tiếp cận từ phía sau nạn nhân, nếu nạn nhân nằm sấp thì tiến hành lật ngửa nạn nhân để phần mặt nhô cao hơn mặt nước. Tiếp đó, dùng 2 tay xốc vào nách nạn nhân từ phía sau rồi bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

- Ngoài ra, người cứu nạn có thể dùng 2 tay ôm chặt 2 bên đầu nạn nhân, giữ cho nạn nhân nằm ngửa phần mặt nạn nhân nhô cao hơn mặt nước, người cứu bơi ngửa để đưa nạn nhân vào bờ.

- Trong một số trường hợp khi nạn nhân gần chìm, tùy vào tình hình thực tế mà người cứu nạn có thể nắm cổ áo, nắm tóc nạn nhân từ phía sau và sử dụng kiểu bơi ếch nghiêng để kéo nạn nhân vào bờ. Lưu ý trong tất cả các trường hợp phải giữ cho mặt nạn nhân luôn ngửa và nổi trên mặt nước.

Theo Phạm Hồng Hạnh và Đức Văn/Dân trí

 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh