Bệnh viêm màng não do não mô cầu (NMC) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh và có tỷ lệ tử vong cao hoặc sống sót nhưng để lại nhiều di chứng suốt đời. Từ đầu năm 2025, khu vực phía Nam ghi nhận 12 ca bệnh NMC, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh kêu gọi đẩy mạnh giám sát, truyền thông và tiêm chủng phòng bệnh.
![]() |
Phụ huynh nên đưa con đi tiêm vaccine phòng viêm màng não mô cầu là phương pháp tiết kiệm, hiệu quả được các tổ chức y tế khuyến cáo. |
Cảnh báo viêm não mô cầu ở trẻ em
Loạt ca xuất hiện từ đầu năm đến nay ghi nhận tại các cơ sở y tế cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của viêm màng não do NMC- một bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao hoặc sống sót nhưng để lại nhiều di chứng suốt đời.
Ngày 6/5, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác giám sát và phòng, chống bệnh do NMC với sự tham dự của sở y tế 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2025 đến nay, khu vực phía Nam đã ghi nhận 12 ca mắc bệnh do NMC- tăng 9 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, tất cả các trường hợp đều không có tiền sử tiêm vaccine phòng bệnh.
Ngày 6/5, thông tin từ Bệnh viện TP Thủ Đức, Khoa Hồi sức tích cực nhi- sơ sinh vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi (BN) 13 tuổi (tỉnh Bình Dương) bị viêm màng não do NMC.
BN nhập viện vào tối ngày 25/4 trong tình trạng sốt cao, đau đầu dữ dội, ngủ gà kéo dài suốt 2 ngày. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Dựa vào các dấu hiệu và xét nghiệm đánh giá, các bác sĩ phát hiện BN mắc viêm màng não do NMC.
Đây là một cấp cứu y khoa nguy hiểm, đòi hỏi chẩn đoán và can thiệp nhanh chóng. BN được điều trị tích cực bằng kháng sinh kết hợp các biện pháp hỗ trợ, sau 3 ngày can thiệp đã có những tiến triển tích cực. Hiện tại, sức khỏe bé hồi phục tốt.
BS.CK2 Nguyễn Hà Phương- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực nhi- sơ sinh chia sẻ: Viêm màng não do NMC là tình trạng cấp cứu đòi hỏi chẩn đoán nhanh và can thiệp chính xác. Trường hợp BN này được phát hiện sớm ngay tại thời điểm nhập viện và xử trí kịp thời, đó là yếu tố then chốt giúp bé hồi phục nhanh chóng.
Vi khuẩn Neisseria meningitidis là tác nhân gây viêm màng não và nhiễm trùng huyết nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong đó, nhiễm trùng huyết tối cấp có thể gây tử vong nhanh chóng, có thể chỉ trong vòng vài giờ. Mới đây, một quân nhân 23 tuổi ở phía Bắc tử vong do sốc nhiễm khuẩn NMC thể tối cấp. Năm ngoái, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh ghi nhận phụ nữ 52 tuổi nhiễm NMC tử vong do phát hiện và đưa đi cấp cứu muộn.
Tăng cường giám sát bệnh não mô cầu tại phía Nam
Theo ngành y tế, viêm NMC là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh. Bệnh gây tổn thương nghiêm trọng đến màng não, hệ thần kinh trung ương và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh thường xảy ra đột ngột với hàng loạt triệu chứng như đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn và nôn, cổ cứng, có nốt ban màu đỏ, tím hoặc nâu sẫm. Mặc dù đã có kháng sinh điều trị và vaccine phòng bệnh, nhưng tỷ lệ người mang vi khuẩn trong cộng đồng mà không có triệu chứng vẫn cao- dao động từ 5-25% tại vùng hầu họng, mũi.
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác giám sát và phòng, chống bệnh do NMC đã ghi nhận các chia sẻ chuyên môn từ các đơn vị điều trị như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai, góp phần cập nhật thông tin chuyên môn và phối hợp xử trí hiệu quả khi có ca bệnh xảy ra.
Qua báo cáo, riêng tại tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết đã ghi nhận 3 ca bệnh từ đầu năm đến hết tháng 4. Trong đó, 2 ca đã khỏi và xuất viện, 1 ca đang điều trị. 66 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân trong hơn 10 ngày qua chưa ghi nhận triệu chứng bất thường và đã được tư vấn sử dụng kháng sinh dự phòng.
Ngay sau khi nhận thông tin về các ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã phối hợp thực hiện điều tra, giám sát, khoanh vùng, lập danh sách tiếp xúc, hướng dẫn cách ly và sử dụng thuốc dự phòng. Đồng thời, ngành y tế tỉnh cũng tăng cường truyền thông về tình hình dịch và khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phát biểu kết luận hội nghị, TS Nguyễn Vũ Thượng- Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, chủ động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Các cơ sở y tế cần tổ chức tập huấn nhằm đảm bảo xử trí kịp thời, chính xác, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong.
Ngành y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em và người sống trong tập thể đông người, nên tiêm vaccine phòng bệnh NMC và chú trọng vệ sinh cá nhân như: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để hạn chế các bệnh; vệ sinh môi trường sống. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
BS Nguyễn Hà Phương khuyến cáo để phòng ngừa bệnh, phụ huynh cần lưu ý tiêm ngừa vaccine đầy đủ theo lịch cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi, theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường ở trẻ. Đồng thời hạn chế để trẻ tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh và sử dụng kháng sinh dự phòng cho người tiếp xúc gần với người bệnh. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, đau đầu dữ dội, cứng cổ hay xuất hiện các chấm xuất huyết trên da, phụ huynh cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị nhanh chóng, tránh những biến chứng nghiêm trọng. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin