Nâng cao ý thức  phòng bệnh dại chó, mèo

02:09, 15/04/2025

Theo ngành chức năng, tình hình bệnh dại ở chó, mèo vẫn diễn biến khá phức tạp, nhất là vào mùa nắng nóng. Cần chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo.

Người dân nâng cao ý thức phòng chống bệnh dại.
Người dân nâng cao ý thức phòng chống bệnh dại.

Theo ngành thú y, bệnh dại trên đàn chó, mèo không chỉ nguy hiểm cho vật nuôi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Do đó, các địa phương và ngành chức năng đã chủ động thực hiện phòng bệnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của bệnh dại.


Anh Nguyễn Văn Phương (xã An Bình, huyện Long Hồ) cho hay: “Gia đình tôi nuôi 2 con chó để làm cảnh và giữ nhà. Cán bộ thú y địa phương đến tuyên truyền về bệnh dại và biện pháp phòng chống. Do đó, mỗi buổi sáng tôi dắt chó ra ngoài dạo một vòng rồi về xích lại. Lúc thả ra thì đóng cổng chứ không để chó chạy ra ngoài đường. Bên cạnh đó, hàng năm, tôi chú trọng tiêm vaccine phòng bệnh dại để đảm bảo an toàn cho vật nuôi và những người xung quanh”.


Đang nuôi gần 300 con chó, chị Lê Nguyễn Sương Mai (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) cho biết: “Tôi luôn tiêm phòng dại định kỳ, ít nhất 1 năm 1 lần. Điều này, không chỉ bảo vệ gia đình, còn đảm bảo an toàn cho cộng đồng”. 
Dẫn đoàn đến “gõ cửa từng nhà” có nuôi chó, mèo để tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại, anh Tống Nhựt Giang- Cán bộ thú y xã Hòa Phú (huyện Long Hồ) cho biết: Toàn xã có khoảng 650 con chó. Năm 2024 xã đã tiêm phòng được 525 liều vaccine phòng bệnh dại. Năm nay, dự kiến sẽ tiêm phòng 600 liều. Ý thức phòng chống bệnh dại của người dân cũng đã tăng hơn trước rất nhiều.


Theo ông Đặng Thanh Tước- Trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản huyện Long Hồ, thời gian qua với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự cố gắng nỗ lực của ngành chăn nuôi thú y và sự đồng thuận của người chăn nuôi, nên công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại chó đã có chuyển biến tích cực.

Cụ thể như giai đoạn 2023-2024, đã xây dựng thành công vùng an toàn bệnh dại chó ở 4 xã An Bình, Bình Hòa Phước, Đồng Phú, Hòa Ninh (huyện Long Hồ). Theo đó, địa phương thực hiện quản lý tốt việc kiểm soát chặt chẽ toàn bộ đàn chó nuôi bằng nhiều biện pháp quản lý, đăng ký nuôi chó, mèo với chính quyền địa phương; tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng vaccine dại đạt trên 90% và tỷ lệ mẫu có kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng vaccine dại đạt 100% và không xảy ra bệnh dại.


“Huyện có hơn 12.000 con chó. Năm trước, toàn huyện đã tiêm phòng hơn 8.000 liều vaccine phòng bệnh dại. Năm nay, kế hoạch tiêm phòng 10.000 liều trên đàn chó. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền của ngành chức năng thì người dân cũng nâng cao ý thức phòng chống bệnh dại.

Để phòng, chống bệnh dại, thời gian tới, trạm sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại; quy định về quản lý đàn chó, mèo nuôi, trách nhiệm của người nuôi trong việc quản lý và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo. Triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý đàn chó, mèo; tiêm phòng vaccine, xử lý bệnh dại theo quy định…”- ông Tước cho biết thêm.


Bà Nguyễn Huỳnh Nga- Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng đã thường xuyên và nâng cao công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại trên các phương tiện thông tin đến tận hộ dân cư. Qua đó, để người nuôi chó nâng cao ý thức, chủ động tham gia tiêm phòng bắt buộc bệnh dại cho đàn chó; nuôi chó phải xích nhốt, không thả rông nơi công cộng. 


Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo năm 2025, mục đích nhằm kiểm soát, khống chế được bệnh dại; tạo miễn dịch chủ động cho đàn chó, mèo nhằm ngăn ngừa bệnh dại phát sinh và lây lan, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng; quản lý được số chó, mèo nuôi. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ nuôi chó; tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ trên 90% cho đàn chó nuôi từ 3 tháng tuổi trở lên.

Ngành chức năng khuyến cáo, cần thực hiện tốt việc tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm; không thả rông chó, mèo, chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Tiêu hủy ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch. Người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vaccine phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa ngay vết thương với xà phòng và nước sạch dưới vòi chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Không chà xát, không nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. Cần đưa ngay người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt. Việc khám và điều trị dự phòng dại bằng tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại phải được thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau khi bị cắn. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh