Bước tiến mới trong điều trị bệnh tim khu vực ĐBSCL 

21:13, 24/02/2025
Ê kíp Khoa Điều trị rối loạn nhịp tim thăm dò và triệt đốt điện sinh lý cho bệnh nhân.
Ê kíp Khoa Điều trị rối loạn nhịp tim thăm dò và triệt đốt điện sinh lý cho bệnh nhân.

Với sự hỗ trợ của Khoa Điều trị rối loạn nhịp tim (RLNT) Bệnh viện Chợ Rẫy, BVĐK Trung ương Cần Thơ vừa thực hiện thành công 6 ca triệt đốt điện sinh lý. Đồng thời, công bố thành lập Khoa Điều trị RLNT trực thuộc Trung tâm Tim mạch của bệnh viện. Đây là bước tiến quan trọng giúp nâng cao năng lực điều trị các bệnh lý RLNT tại khu vực ĐBSCL.


Một phụ nữ nhập viện với nhịp tim lên đến 160 lần/phút 


1 trong 6 ca triệt đốt điện sinh lý mới đây là nữ bệnh nhân (BN) Đ.T.K.N. (48 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) có tiền sử thỉnh thoảng xuất hiện cơn hồi hộp trống ngực, tim đập rất nhanh vã mồ hôi, nhịp tim lên đến 160 chu kỳ/phút. Gần đây, BN lại xuất hiện triệu chứng như trên với tần suất nhiều hơn, có ngất 2 lần nên đã nhập viện tại địa phương và chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ.

BN được chẩn đoán: rung nhĩ- hội chứng Wolff- Parkison- White (WPW) có rối loạn huyết động, sau khi sốc điện chuyển nhịp động bộ, nhịp tim BN trở về 80 chu kỳ/phút. BN chỉ định thăm dò và triệt đốt điện sinh lý tim.


Kết quả thăm dò điện sinh lý và triệt đốt có đường dẫn truyền phụ bên phải. Tiến hành đốt đường dẫn truyền phụ, theo dõi 30 phút và test thuốc không ghi nhận tái phát. Thủ thuật thành công sau 60 phút, nhịp tim trở về ổn định, BN được xuất viện sau đó 2 ngày.


ThS.BS Thân Hoàng Minh- phụ trách Khoa Điều trị RLNT BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết: Hội chứng WPW liên quan tới sự tồn tại một đường dẫn truyền bất thường (đường dẫn truyền phụ). Biểu hiện lâm sàng là các cơn tim nhanh với tần số từ 140-220 chu kỳ/phút... Hội chứng WPW đặc biệt nguy hiểm trong trường hợp rung nhĩ (tim loạn nhịp hoàn toàn).


Ngay trong sáng 14/2, các bác sĩ Khoa Điều trị RLNT, BVĐK Trung ương Cần Thơ cũng đã đặt máy tạo nhịp cấp cứu cho nam BN N.T.T. (77 tuổi, tỉnh An Giang). BN nhập viện trong tình trạng RLNT chậm, khoảng 35 lần/phút, kèm theo ngất. BN được chẩn đoán block nhĩ thất độ 3, có ngất nên được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cấp cứu. BN sẽ được kiểm tra, đánh giá, các xét nghiệm trước khi đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.


Thành lập Khoa Điều trị rối loạn nhịp tim


Theo BS.CKII Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc chuyên môn của BVĐK Trung ương Cần Thơ, những năm qua, nhu cầu điều trị tim mạch của người dân vùng ĐBSCL rất lớn. Trước thực tế đó, từ năm 2019 bệnh viện đã đào tạo bác sĩ, mua sắm thiết bị để chuẩn bị cho việc thành lập Khoa Điều trị RLNT. Từ đó đến nay, các bác sĩ của bệnh viện đã đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho khoảng 1.500 BN.


Bên cạnh khám điều trị nội khoa, Khoa Điều trị RLNT còn thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu như: thăm dò và triệt đốt điện sinh lý, lập trình máy tạo nhịp tim, nghiệm pháp bàn nghiêng, nghiệm pháp ăn no, nghiệm pháp gắng sức, theo dõi nhịp tim 24 giờ… 


Sau khi thành lập, khoa tiếp tục triển khai các kỹ thuật chuyên sâu: đặt máy phá rung, đặt máy tái đồng bộ cơ tim, đặt máy tạo nhịp hệ thống dẫn truyền, đặt máy tạo nhịp không dây, thăm dò và cắt đốt điện sinh lý hệ thống 3D, sốc điện chuyển nhịp chương trình…


Đến nay, Trung tâm Tim mạch của BVĐK Trung ương Cần Thơ có 4 khoa trực thuộc gồm: Nội Tim mạch, Tim mạch can thiệp, Phẫu thuật tim và Điều trị RLNT. Đây là Trung tâm Tim mạch hoàn chỉnh trong đó Khoa Phẫu thuật tim là đơn vị thực hiện độc lập mổ tim duy nhất của ĐBSCL.


Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh