Những “mầm xanh” lan tỏa tinh thần sáng tạo

16:11, 01/01/2025
Thầy Lê Vũ Long Triều cùng 2 học sinh bên sản phẩm “Xe lăn điện thông minh ứng dụng công nghệ 4.0” đoạt giải.
Thầy Lê Vũ Long Triều cùng 2 học sinh bên sản phẩm “Xe lăn điện thông minh ứng dụng công nghệ 4.0” đoạt giải.

Từ những trăn trở trong cuộc sống, các bạn học sinh THPT tỉnh Vĩnh Long đã có những sáng kiến cải tiến, những sản phẩm khoa học đoạt giải trong các kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Qua đó, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ được ươm mầm, lan tỏa.


Xe lăn điện 4.0


Với mong muốn góp sức giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt, Lại Phúc Vinh và Huỳnh Phước Tấn- học sinh lớp 12, Trường THPT Bình Minh (TX Bình Minh) với đề tài “Xe lăn điện thông minh ứng dụng công nghệ 4.0” đoạt giải nhì hội thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và đoạt “Giải triển vọng- Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024”. 


Ý tưởng về chiếc xe lăn tiện dụng hơn, thông minh hơn của Phúc Vinh và Phước Tấn được hình thành từ những trăn trở làm thế nào để vừa tăng tính an toàn cho người sử dụng xe lăn, vừa tích hợp được nhiều tiện ích vào thiết bị này để hỗ trợ người bệnh cũng như các bác sĩ trong việc theo dõi và điều trị bệnh. Phúc Vinh, cho rằng: “Xe lăn tay thì khó di chuyển được ở các nơi có địa hình gồ ghề và cần dùng nhiều sức để di chuyển trong khi xe lăn điện khá nặng và giá cao”. 


Phước Tấn vui vẻ nói về thành quả nghiên cứu của nhóm: “Chiếc xe lăn ứng dụng công nghệ mới nhất có các chức năng như di chuyển tự động, đo đạc các chỉ số sức khỏe. Đồng thời, cải tiến cơ cấu cơ khí giúp cho xe lăn có những tính năng tốt hơn, tạo cảm giác thoải mái cho người ngồi. Đây là những điểm mới khác với xe lăn bình thường hiện nay”. 


Cụ thể sản phẩm của nhóm có hệ thống ghế cân bằng giúp đảm bảo an toàn cho người sử dụng; cảm biến đo thân nhiệt, đo nhịp tim và tự động gửi những số liệu đo được cho bác sĩ thông qua ứng dụng IoT và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).


Ngoài ra, khắc phục những hạn chế của xe lăn hiện tại, xe lăn điện 4.0 chẳng những thoải mái cho người sử dụng, dễ dàng di chuyển lên, xuống dốc. Xe lăn chịu được tải trọng khoảng 60-65kg và di chuyển bình thường trên mặt dốc với chỉ số góc nghiêng từ 5-6,5 độ.


Chia sẻ về quá trình thực hiện mô hình, Phước Tấn không quên mỗi tuần 3 buổi thầy trò cùng mày mò nghiên cứu: “Có những lúc khó khăn, thiếu thốn từ kinh phí, thiết bị rồi một phần cần có kiến thức cơ khí,… có lúc định bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của thầy nên chúng em tiếp tục làm”. 


Trong khi đó, quá trình tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia với Phúc Vinh là những “ngày khó quên” bởi: “Em ấn tượng cách trình bày của các nhóm bạn, thấy mình cần học hỏi nhiều để tự tin hơn. Em mong có nhiều cuộc thi để khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo; có nhiều giải thưởng và giải thưởng cao hơn để lan tỏa mạnh mẽ hơn tinh thần cuộc thi này”. 


Máy ấp trứng lươn thông minh


Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, Nguyễn Mai Thế Sơn- học sinh lớp 12, Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm) quen thuộc với trồng trọt, chăn nuôi đặc biệt là nuôi lươn giống của gia đình, xóm giềng. Tuy nhiên, dụng cụ ấp trứng lươn còn chưa đạt hiệu quả cao, tỷ lệ trứng nở thấp.

Do đó, từ lớp 7, Sơn nghiên cứu làm ra máy ấp trứng lươn. Thế Sơn cười, nhớ lại: “Sản phẩm hồi lớp 7 còn thô sơ, đơn giản nhưng cũng đã mang lại hiệu quả 70-80%. Tuy nhiên, trong quá trình ấp trứng còn chưa điều khiển nhiệt độ của môi trường nước để phù hợp cho trứng lươn nở hiệu quả, dẫn đến khoảng 20-30% trứng lươn bị úng. Khi chúng ta có công việc đột xuất không thể chăm sóc và điều khiển máy ấp trứng lươn thì coi như mẻ trứng lươn ấy thất bại và chúng ta mất khá nhiều thời gian công sức hơn để tạo ra lươn giống tốt khỏe giao đến tay người nuôi”. 

Nhóm Nguyễn Mai Thế Sơn cùng thầy hướng dẫn nghiên cứu Trường THPT Võ Văn Kiệt.
Nhóm Nguyễn Mai Thế Sơn cùng thầy hướng dẫn nghiên cứu Trường THPT Võ Văn Kiệt.


Vậy là từ những trăn trở của đề tài cũ, 4 năm sau, Thế Sơn cùng các bạn học lớp 12 là: Nguyễn Thị Mộng Nghi, Trần Hữu Lập và Nguyễn Hữu Minh tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời “Máy ấp trứng lươn thông minh”. Sản phẩm này đã đoạt giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20 năm 2024. 


Điểm mới của sản phẩm là điều khiển qua điện thoại có thể quan sát và làm việc như có người đang ở cạnh, vừa tiện lợi và ý nghĩa cho người sử dụng mô hình. Trình bày về mô hình của mình, Nguyễn Thị Mộng Nghi nói: “Từ những khuyết điểm của mô hình cũ, chúng em đã lắp máy đo pH; máy sưởi nhiệt độ; camera quan sát và lắp một bộ điều khiển để thao tác quá trình ấp trứng lươn qua điện thoại và vận hành mô hình từ xa. Điều này giúp dễ dàng chăm sóc vào quan sát mẻ ấp lươn qua phần mềm trên điện thoại”.


Máy ấp trứng thông minh không chỉ là mô hình mà sản phẩm đã được ứng dụng vào thực tế. Trần Hữu Lập cho hay: “Nhà chúng em có nuôi lươn và áp dụng mô hình này được 2 năm hiệu quả đạt được 80-95% ấp thành công và tạo ra những con lươn giống khỏe mạnh chất lượng để đưa đến tay người nuôi lươn thịt, mang lại kinh tế cho gia đình”. Cụ thể, sản phẩm giúp tăng sản lượng lươn giống cung cấp từ quy mô 1.000 con tăng lên 3.000 con trong 1 tuần, trong khi giá thành máy ấp trứng chỉ gần 900.000đ. 


“Chúng em sẽ nỗ lực học hỏi và nghiên cứu để hoàn thành ý tưởng về sản phẩm máy ấp trứng lươn thông minh một cách hoàn chỉnh nhất và có điều kiện quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn nữa”- Nguyễn Hữu Minh cho biết. 
Để có được một mô hình hoàn chỉnh dự thi là cả sự nỗ lực của học sinh, sự hướng dẫn, động viên tận tình của thầy cô, ban giám hiệu nhà trường và sự đồng tình của phụ huynh học sinh. Cần có nhiều sân chơi cho học sinh sáng tạo, nhiều giải thưởng chất lượng hơn để thúc đẩy học sinh tự tin thực hiện đam mê của mình. 

Thầy Lê Vũ Long Triều- giáo viên Vật lý, Trường THPT Bình Minh, chia sẻ: “Tôi được phân công nhiệm vụ hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, bên cạnh tinh thần trách nhiệm tôi luôn nhiệt tình cùng các em nghiên cứu với mong muốn truyền năng lượng cho các em. Khi gặp khó khăn, tôi cùng các em bàn bạc, thảo luận và tham mưu tìm sự hỗ trợ cho các em. Tôi mong có nhiều chính sách hơn cho giáo viên, học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo. Đồng thời, cần có cơ chế để đưa những ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu đạt giải vào đời sống”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh