![]() |
Vĩnh Long quan tâm chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong ảnh: Trình diễn nhạc ngũ âm của đồng bào dân tộc Khmer. |
Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội, không chỉ là tấm gương sáng của đồng bào DTTS mà còn là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Gương sáng của đồng bào dân tộc thiểu số
Theo Ban Dân tộc tỉnh, thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường. Đến nay, thu nhập bình quân của người DTTS trên địa bàn tỉnh là 75,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,46%; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 98%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi và học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 100%...
Đội ngũ người có uy tín là cánh tay đắc lực trong thế trận an ninh nhân dân và là cơ sở để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đóng góp của những người có uy tín trong cộng đồng DTTS không chỉ là việc tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước mà còn là những nỗ lực trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân, như việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần tạo dựng một xã hội ổn định và phát triển bền vững.
Tuy mỗi người có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung mục tiêu là cùng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự và đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà. Phát huy vai trò của người có uy tín vùng đồng bào DTTS, đối với ông Thạch Hoàng Anh- người có uy tín ở ấp Vĩnh Hòa (xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn) thì “phải khéo léo tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, nhất là trong đồng bào DTTS rằng việc làm của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đều xuất phát từ lợi ích của người dân”.
Còn ông Thạch Đen- người có uy tín ở ấp Đại Nghĩa (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) chia sẻ: “Bản thân luôn phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người có uy tín, không phụ lòng tin của Nhân dân và Đảng, Nhà nước giao phó. Nỗ lực vận động, tuyên truyền, chung tay xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết 2 dân tộc Kinh- Khmer, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục tập quán dân tộc của xã nhà”.
Còn với cô Thạch Thị Oanh Thia- giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, bản thân nỗ lực thực hiện đổi mới trong dạy và học nhằm “phát triển ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ và văn hóa dân tộc qua hoạt động dạy học”. Một trong những hoạt động nổi bật là tổ chức hoạt động dạy học STEM cho học sinh tham gia điêu khắc chữ trên lá buông nhằm ôn lại nghề viết sách cổ của dân tộc Khmer. “Giúp học sinh rèn luyện được tính tỉ mỉ nắn nót điêu khắc từng nét chữ, biết trân trọng những quyển sách cổ còn lưu lại cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, giúp học sinh phát huy năng khiếu nghệ thuật như múa, hát, đánh nhạc ngũ âm, trống sa dăm, năng khiếu làm đèn hoa đăng tham gia lễ hội…”- cô Oanh Thia cho biết.
Chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm lãnh đạo triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào thi đua phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS. Ông Thạch Dương- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nhấn mạnh, cần tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, phù hợp để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS. Đặc biệt, vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng vẫn sẽ là yếu tố quyết định trong việc truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng người dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Đặng Văn Chính lưu ý các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực của tỉnh với các chương trình, dự án của Trung ương, Chính phủ đầu tư cho vùng có đông đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Các chính sách cần được triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng quy định, đảm bảo công bằng, minh bạch và sát với thực tiễn đời sống của đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy vai trò trong cộng đồng các dân tộc; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người có uy tín, đặc biệt là trong các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, văn hóa, khoa học- kỹ thuật, góp phần hiệu quả cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng, khích lệ người có uy tín tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và đóng góp thiết thực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
![]() |
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh- Thạch Dương tặng giấy khen cho các cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực. |
Tin tưởng và kỳ vọng rằng, các tấm gương điển hình tiên tiến người có uy tín trong đồng bào DTTS sẽ tạo nên sức lan tỏa sâu rộng, động viên, khích lệ tinh thần, tạo động lực, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của đồng bào các DTTS trong phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh, xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần vun đắp, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Đặng Văn Chính mong muốn người có uy tín trong đồng bào DTTS tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, là hạt nhân trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. |
Bài, ảnh: TUYẾT NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin