(VLO) Những ngày cuối năm, không khí lao động sản xuất tại làng nghề bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) lại nhộn nhịp, hối hả hơn ngày thường để kịp cho ra lò những sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường Tết.
Làng nghề bánh tráng cù lao Mây hiện có trên 70 hộ sản xuất, trong đó 14 hộ tham gia HTX.Ảnh: NGỌC LIỄU |
Làm không ngơi tay
Làng nghề bánh tráng cù lao Mây với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển cho đến hôm nay đã tạo dựng được thương hiệu cũng như khẳng định chất lượng sản phẩm.
Vì thế, ở làng nghề này nhiều gia đình có 2-3 thế hệ gắn bó với công việc tráng bánh và xem đây là nguồn thu nhập chính. Theo nhiều người làm bánh tráng ở đây, sức cạnh tranh trên thị trường khiến làng nghề có những thời điểm gặp khó khăn.
Song, với lòng yêu nghề và nỗ lực, các hộ dân đã cùng nhau vượt khó để duy trì hoạt động sản xuất, không ngừng cải tiến, nâng tầm chất lượng sản phẩm cho phù hợp nhu cầu thị trường và từng bước đưa thương hiệu bánh tráng cù lao Mây vươn xa.
Thời điểm này, đến ấp Tân Thạnh (xã Lục Sĩ Thành) đâu đâu cũng cảm nhận được hương vị thơm lừng từ những lò tráng bánh. Nhà nào cũng tất bật, hối hả sản xuất bánh tráng Tết.
Nhiều ngày nay, tại cơ sở sản xuất bánh tráng Thúy Liễu (ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành), ai ai cũng tất bật làm bánh, người tráng, người lấy cho đến người phơi bánh, tất cả đều tay, nhịp nhàng, cẩn thận, tỉ mỉ từng công đoạn để cho ra thị trường những chiếc bánh thơm ngon, chất lượng.
Cô Trần Thị Thúy Liễu (chủ cơ sở) cho biết, cô đã gắn bó với nghề làm bánh tráng từ khi lập gia đình về nhà chồng tại vùng đất cù lao Mây.
Trong quá trình phụ cha mẹ chồng làm nghề này, cô dần thành thạo nghề và nối nghiệp, duy trì công việc cho đến nay. “Ngày thường, lò bánh của tôi tráng được gần 2.000 cái nếu trời nắng.
Còn vô đợt Tết thì tráng số lượng gấp mấy lần ngày thường. Vì vậy, tôi phải thuê thêm nhân công và tranh thủ làm từ sáng sớm mới đủ hàng giao cho khách”- cô Liễu chia sẻ.
Theo cô Liễu, để bánh đẹp, ngon thì phải chọn gạo ngon, chất lượng và lúc tráng bánh phải thật khéo tay để bánh lan ra đều và không bị rách, đồng thời để bánh tráng ngon phải phơi đủ nắng.
“Phải làm sao cho “trăm cái như một”, bánh phải thơm, mịn. Làm ra một chiếc bánh tráng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, cầu kỳ, tốn nhiều công sức song làm dần quen tay. Được khách hàng khen, ủng hộ là động lực để tôi tiếp tục phát triển nghề này”.
Đang phơi bánh tráng, cô Trần Thị Tuyết Mai cho hay: “Nghề làm bánh tráng được sản xuất quanh năm, nhưng sôi động nhất vẫn là vào vụ Tết.
Thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ bánh tráng tăng cao nên chúng tôi phải làm việc hết công suất để có đủ hàng phục vụ khách hàng. Tôi cũng làm nhiều loại bánh tráng như bánh tráng lạt, báng tráng mè, bánh tráng ngọt,... để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn”.
Vào vụ Tết, nhà nhà tất bật sản xuất bánh tráng. |
Không chỉ giữ gìn được nghề truyền thống, nhiều hộ sản xuất tại làng nghề bánh tránh cù lao Mây còn chịu khó học hỏi và không ngừng thay đổi sản phẩm theo nhu cầu của thị trường để từng bước nâng tầm thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, những năm gần đây, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, bên cạnh các loại bánh truyền thống như bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng, bánh tráng nhúng, các cơ sở đã mạnh dạn cải tiến để cho ra lò nhiều sản phẩm mới như bánh tráng ớt, bánh tráng tôm khô, bánh tráng thanh long,…
Song, dù có thay đổi thế nào thì chiếc bánh làm ra vẫn giữ được cái vị ngọt của gạo, mùi thơm của nắng. Nhiều năm qua, bánh tráng cù lao Mây được khách hàng ưa chuộng bởi được làm thủ công với hương vị truyền thống là bột gạo nguyên chất, mang đậm hương vị quê hương.
Mong làng nghề vươn xa
Theo nhiều người làm bánh tráng tại làng nghề, thời gian qua, nhiều gia đình mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư dây chuyền máy móc để tăng công suất tráng bánh phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Dịp Tết, lượng hàng hóa tăng cao không chỉ đem lại niềm vui cho các chủ lò mà còn giúp nhiều lao động địa phương có nguồn thu nhập ổn định.
Bánh tráng cù lao Mây được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. |
Theo ông Lương Văn Thông- Giám đốc HTX Bánh tráng cù lao Mây, các công đoạn làm bánh hiện sử dụng phương pháp thủ công nhưng để tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất các cơ sở tiếp thu và áp dụng thêm máy móc vào các công đoạn như: xay bột, nạo dừa, máy hút chân không.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương thường xuyên tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật, trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích cho bà con trong việc áp dụng vào sản xuất, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, đã có những cơ sở xây dựng được thương hiệu và nâng tầm sản phẩm.
Đến nay, nhiều sản phẩm bánh tráng tại làng nghề được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tạo điều kiện để trao đổi, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Đây là cơ hội để thương hiệu tiếp tục phát triển và vươn xa hơn nữa.
Ông Lương Văn Thông cho biết thêm, làng nghề bánh tráng cù lao Mây hiện có trên 70 hộ sản xuất, trong đó 14 hộ tham gia HTX.
Cứ vào thời điểm giữa tháng 11 âl hàng năm là không khí làm việc bắt đầu nhộn nhịp cho đến cận Tết. Số đơn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với ngày thường. Nhẩm tính, mỗi hộ có thể cung cấp khoảng 15.000 cái bánh tráng trong dịp Tết này.
Ông Nguyễn Tấn Tân- Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn) cho biết: Nghề làm bánh tráng truyền thống cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Làng nghề bánh tráng đang phát triển, góp phần giúp địa phương thực hiện nâng cao tiêu chí thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay làng nghề làm bánh tráng cù lao Mây đã tạo dựng được thương hiệu, tìm kiếm được chỗ đứng riêng ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Người dân kỳ vọng sức tiêu thụ sẽ tăng lên trong đợt cao điểm mua sắm dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin