(VLO) Đồng chí Nguyễn Văn Quân (Bảy Quân), nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được tập thể y, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao đồng chí đã từ trần vào lúc 10 giờ 40 phút, ngày 7/11/2024.
Đồng chí Nguyễn Văn Quân cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tham quan Hội chợ Triển lãm thành tựu 30 năm của tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Tư liệu |
48 năm cống hiến cho Đảng, cho đất nước
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, đồng chí Nguyễn Văn Quân giác ngộ và tham gia cách mạng rất sớm (tháng 11/1962), khi mới 13 tuổi. Sau đó, từ thiếu niên đến tuổi thanh niên đồng chí luôn nhận bất cứ nhiệm vụ gì được giao.
Kể từ ngày tham gia cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí trải qua nhiều nhiệm vụ: nhân viên Cơ quan Dân vận Mặt trận Khu Tây Nam Bộ (K.9), rồi công tác ở Cơ quan Điện ảnh Khu Tây Nam Bộ thuộc Ban Tuyên huấn Khu với nhiệm vụ Đội trưởng Đội Chiếu bóng kiêm công tác Đoàn Thanh niên Cơ quan Khu Tây Nam Bộ; sau đó được phân công về Cục Điện ảnh Giải phóng giữ nhiệm vụ Đội trưởng Đội Quay phim thời sự.
Trong 2 năm sau ngày 30/4/1975 đến năm 1976, là phóng viên quay phim Đài Truyền hình Cần Thơ. Sau đó, đồng chí được tổ chức cử đi học văn hóa tại Trường Công nông tỉnh Cửu Long rồi tiếp tục đi học chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc.
Sau đó, với thời gian hơn 25 năm từ tháng 4/1980 đến cuối năm 2005, đồng chí kinh qua công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long với nhiệm vụ từ cán bộ Tổ chức thăng tiến lên Phó ban, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Tiếp tục nhận nhiệm vụ Bí thư Thị xã ủy Vĩnh Long, rồi Ủy viên Thường vụ trực Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Văn Quân được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long 2 khóa (VI, VII) 1995-2005, Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa VIII, khóa IX. Sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long khóa VIII, nhiệm kỳ 2005-2010, đồng chí được Bộ Chính trị cho nghỉ công tác chờ đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2010.
Suốt quá trình hơn 48 năm công tác, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Chỉ thị số 01-CT/TU- dấu ấn một cuộc “cách mạng”
Trong 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy (1995-2005), đồng chí Nguyễn Văn Quân có rất nhiều đóng góp cho việc xây dựng Đảng bộ tỉnh, cho sự phát triển của tỉnh nhà, và cả riêng ngành báo chí của tỉnh.
Tuy nhiên, đối với góc nhìn một nhà báo của tôi, thì đóng góp của đồng chí cho tỉnh nhà ấn tượng và đậm nét nhất, đó là đồng chí Nguyễn Văn Quân đã cùng tập thể Tỉnh ủy khóa VI quyết định ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU- một chỉ thị thuận lòng dân.
Ngày 10/9/1996, Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư và nếp sống văn minh nơi công cộng”(*).
Chỉ thị có nội dung bao hàm tất cả các lĩnh vực của khu dân cư qua phương châm “Lấy sức dân lo cho dân” với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Triển khai chỉ thị, Tỉnh ủy thành lập ban chỉ đạo và ban vận động. Ban vận động gồm nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể do Chủ tịch MTTQ tỉnh làm trưởng ban. Theo đó, ban vận động cấp huyện, cấp xã, cấp ấp, khóm được thành lập trong toàn tỉnh.
Có thể nói, với sự lãnh đạo sâu sắc, chặt chẽ của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng tích cực, quyết liệt của toàn dân, sau 10 năm, cuộc vận động đã thu được kết quả lớn, đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng làm thay đổi sâu sắc diện mạo tỉnh Vĩnh Long, là một cuộc cách mạng từ nhận thức đến hành động trong Nhân dân, là thành công của phương châm huy động tổng lực sức người và của cải vào xây dựng nông thôn, đô thị, xây dựng đời sống mới.
Đó là các công trình phúc lợi xã hội, là cầu, đường giao thông tráng bê tông ấp nối ấp, khóm nối khóm khắp khu dân cư; là mạng lưới điện quốc gia về đến từng hộ dân, là nước sạch cung cấp đến từng hộ gia đình; người dân thay đổi tập quán sống kém văn hóa lâu đời, cùng nhau giữ gìn môi trường sống từng gia đình và lan rộng cả khu dân cư.
Qua đó, hộ nghèo, hộ khó khăn, nhất là hộ đồng bào dân tộc ít người được hỗ trợ làm ăn để vươn lên thoát nghèo, các tôn giáo và tín đồ các tôn giáo tích cực thực hiện Chỉ thị số 01 của Tỉnh ủy làm cho mối quan hệ lương giáo, quan hệ người khác đạo và người không theo đạo gần nhau, gắn kết nhau lo việc chung của khu dân cư, của ấp, khóm, xã, phường.
Cuộc vận động này sau đó nâng lên khi Đảng có nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Nhà nước có chủ trương đẩy mạnh xây dựng NTM thì càng phát huy mạnh mẽ. Với quan điểm luôn luôn vận động và phát triển không ngừng sau này có nhiều chỉ thị, nhiều nghị quyết của Tỉnh ủy còn mang tầm chiến lược hơn, nhưng đối với Vĩnh Long Chỉ thị số 01-CT/TU năm 1996 là một dấu ấn sâu đậm.
Nhắc lại sự kiện “Phong trào 01” sau khi tiễn đồng chí ra đi mãi mãi với một niềm tiếc thương vô hạn, sự tri ân đối với đồng chí Nguyễn Văn Quân, anh Bảy Quân kính mến!
---------------
(*) Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long (1930-2010), NXB Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2015, trang 444.
HOÀNG KHẢI (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin