(VLO) Việc triển khai các hoạt động cải thiện dinh dưỡng (DD) cho trẻ em nghèo đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Long.
Để đánh giá tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, hàng năm, ngành y tế ở các xã, phường, thị trấn thực hiện cân, đo chiều cao cho trẻ dưới 16 tuổi. |
Đẩy mạnh cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em hộ nghèo
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2012-2025, đến cuối năm 2023 trên địa bàn Vĩnh Long có 2.808 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,95%), hộ cận nghèo khoảng 7.100 hộ (tỷ lệ 2,4%). Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, ước đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,54% (giảm 0,41 %/năm).
Do hoàn cảnh khó khăn nên chế độ bữa ăn trong các gia đình khó khăn phần lớn chưa được đảm bảo. Từ đó đã tác động trực tiếp đến sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ em. Việc ăn uống thiếu chất, thiếu cân đối các nhóm DD là nguyên nhân hàng đầu gây suy DD, thấp còi và nhiều bệnh tật khác ở trẻ em, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhất là trẻ em thuộc vùng sâu, vùng xa.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Trà Ôn, là huyện vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế và nhận thức về DD còn hạn chế. Tại đây, các chương trình tư vấn DD thông qua nhiều kênh như điện thoại, Zalo, Facebook và truyền thông trực tiếp đã giúp giảm tỷ lệ suy DD.
Theo đó, tỷ lệ suy DD thể nhẹ cân tại Trà Ôn giảm từ 7,6% (2019) xuống 6,2% (2024), trong khi suy DD thể thấp còi giảm từ 9,5% xuống 8,1%. Dù đạt nhiều kết quả tích cực, chương trình vẫn gặp phải những khó khăn như quỹ thời gian hạn chế, cộng tác viên thường xuyên thay đổi và chế độ thù lao thấp. Trung tâm Y tế huyện Trà Ôn kiến nghị triển khai kế hoạch sớm hơn, cung cấp kịp thời các sản phẩm DD và tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở.
Đáng chú ý, đa số người dân tộc Khmer chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, dẫn đến thu nhập thấp và tỷ lệ hộ nghèo cao. Trình độ học vấn và nhận thức về DD, chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, gây khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công.
Chương trình Cải thiện DD thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 đã giúp nâng cao nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe của con em mình, làm giảm tỷ lệ trẻ suy DD thấp còi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, góp phần nâng cao DD, sức khỏe cho trẻ em thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em phát triển tốt hơn cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Đảm bảo các điều kiện về dinh dưỡng và y tế
Tuy nhiên, để chương trình này thực hiện hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra thì bên cạnh các hoạt động của ngành y tế, thì cần phải có sự hỗ trợ, phối hợp thực hiện của các ngành liên quan.
Tại huyện Tam Bình, chương trình can thiệp DD được triển khai với sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND huyện, Hội LHPN và Trung tâm Y tế huyện.
Các hoạt động chính gồm truyền thông, tập huấn DD, thực hành DD tại cộng đồng và tổ chức các đợt cân đo định kỳ cho trẻ. Kết quả cho thấy tỷ lệ suy DD thể nhẹ cân giảm từ 9,11% (2020) xuống 7,25% (giữa năm 2024), trong khi tỷ lệ suy DD thể thấp còi giảm từ 10,52% xuống 8,25%. Song, nhóm trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ từ các hộ nghèo, cận nghèo vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ DD.
Theo BS.CK2 Nguyễn Công Tuấn- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Vĩnh Long có trên 49.500 trẻ dưới 5 tuổi, trong đó tỷ lệ suy DD cân nặng là 7,84%; suy DD thấp còi là 8,4% và suy DD gầy còm là 1,32%. Hàng năm tỉnh có khoảng 99% trẻ em được đánh giá tình trạng cân nặng, DD.
Để cải thiện tình trạng suy DD cho trẻ, ngành y tế phối hợp các địa phương triển khai nhiều chương trình can thiệp DD cho trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành thực hiện chiến lược quốc gia về DD, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, và thực hiện dự án chăm sóc sức khỏe, DD bà mẹ- trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số.
“Qua đó, đề xuất được hỗ trợ từ dự án can thiệp DD cho trẻ dưới 5 tuổi nhằm cải thiện sức khỏe và sự phát triển của trẻ tại tỉnh Vĩnh Long thông qua các hoạt động được chia thành 7 nhóm chính: can thiệp DD trực tiếp, chương trình giáo dục và tư vấn DD, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và DD học đường, phát triển và nâng cao cơ sở vật chất, giám sát và đánh giá hiệu quả dự án, hỗ trợ tài chính và di chuyển cho các đối tượng, nâng cao nhận thức cộng đồng”- BS.CK2 Nguyễn Công Tuấn cho biết.
Việc triển khai thực hiện các hoạt động nhằm cải thiện DD trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ giúp giảm tỷ lệ trẻ em bị suy DD thấp còi trên địa bàn tỉnh, giúp trẻ em phát triển cả về thể chất và trí tuệ. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin