Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự đón nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia vào dịp khai giảng năm học mới 2024-2025.
Thực hiện kiên cố hóa (KCH) trường lớp, thời gian qua Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ trường lớp được KCH tăng mạnh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục (GD) ở một số nơi còn thiếu thốn, xuống cấp,… chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tăng 30% sau 10 năm
Năm 2013, phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập trong cả nước đạt tỷ lệ KCH là 65,9%; đến 2023, tỷ lệ này là 86,6%. Có trên 300 tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư giúp KCH trường, lớp học. Số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa (XHH) trong 10 năm là khoảng 36.000 phòng.
So với cả nước, Vĩnh Long đã có sự “thay da đổi thịt” với tỷ lệ trường lớp được KCH sau 10 năm tăng khoảng 30%. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có hơn 7.100 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT được KCH, đạt 97%. Nhìn lại năm 2013, số phòng học kiên cố trong toàn tỉnh chỉ đạt 57%. Trong đó, tỷ lệ KCH trường, lớp học tăng từ nguồn huy động XHH là 9%.
Cụ thể, trong 10 năm (2013-2023), ngành GD Vĩnh Long được đầu tư từ nguồn XHH 17 trường, 141 phòng học. Có 28 dự án được cấp phép và hoạt động, với tổng kinh phí đầu tư của các dự án gần 366 tỷ đồng. Diện tích đất đã bố trí cho các cơ sở GD từ nguồn XHH gần 62.000m².
Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự (huyện Vũng Liêm) do Trungnam Group tài trợ với tổng kinh phí 162 tỷ đồng. Đây là ngôi trường được xây dựng bằng 100% nguồn vốn XHH là một điển hình XHH giúp KCH trường lớp. Ngôi trường có 24 phòng học, 28 phòng chức năng, còn có sân bóng đá cỏ nhân tạo, khu thể thao ngoài trời, nhà đa năng,… đáp ứng đúng tiêu chuẩn quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Vũ- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự, chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi có đội ngũ, chất lượng GD đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên cơ sở vật chất cũ kỹ, thiếu phòng học. Trường cũ có đến 2 điểm trường, không đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập theo chương trình. Từ cuối năm 2022, trường mới được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi và là động lực để tập thể phấn đấu dạy tốt, học tốt hơn. Kết quả là trong ngày khai giảng năm học mới này, Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự đón nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1”.
Để có được những kết quả này, theo bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD-ĐT, sở đã tích cực tuyên truyền, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành các quyết định, kế hoạch liên quan đến công tác XHH GD theo đúng quy định, đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, đồng thời phù hợp thực tiễn của tỉnh.
Đẩy mạnh kiên cố hóa trường lớp
Với sự quan tâm của toàn xã hội cho ngành GD, không chỉ ngân sách nhà nước mà nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay, góp phần KCH trường lớp, tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt hơn, nâng cao chất lượng GD. Tuy nhiên, cùng với thời gian ảnh hưởng đến chất lượng công trình, sự lạc hậu của trang thiết bị với chương trình mới, tiêu chuẩn mới,... là trở ngại lớn để KCH trường lớp.
Theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 45 cơ sở GD từ mầm non đến phổ thông có nhu cầu đầu tư gần 380 phòng học mới để thực hiện KCH trường lớp. Các địa phương có nhiều cơ sở GD có nhu cầu đầu tư như là Tam Bình, Vũng Liêm, TX Bình Minh.
Trường THPT Hựu Thành (huyện Trà Ôn), được đánh giá cao về chất lượng GD dù là trường vùng nông thôn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Trường này hiện đang trưng dụng các phòng chức năng làm phòng học để đáp ứng nhu cầu của 1.053 học sinh. Toàn trường có 28 lớp học, trong khi đó chỉ có 18 phòng học, không đáp ứng điều kiện học 2 buổi cho học sinh.
Cô Huỳnh Ngọc Mỹ Xuyên- Hiệu trưởng Trường THPT Hựu Thành, chia sẻ: “Ngôi trường này được xây dựng từ năm 1993 đến nay đã hết hạn sử dụng, nhiều phòng học xuống cấp, mưa lớn là ngập nước. Với diện tích hơn 8.000m2 , không có sân chơi phục vụ cho học sinh tham gia các môn thể thao. Hiện tại, GD thể chất của trường chỉ dạy được 2 môn là bóng chuyền và cầu lông”.
Để đáp ứng chương trình GD phổ thông mới, nhà trường cần thêm 20 phòng học, Sở GD-ĐT cũng đã đưa dự án này vào hạng mục cần đầu tư trong thời gian tới. “Chúng tôi mong muốn sớm được đầu tư cơ sở vật chất, trước hết là đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Tiếp đó là đủ điều kiện về phòng ốc, sân chơi cho học sinh, đảm bảo điều kiện dạy học theo chương trình mới, phát huy năng lực, phẩm chất người học”- cô Mỹ Xuyên đề nghị.
Để thực hiện tốt hơn nữa KCH trường lớp, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác XHH GD; đẩy mạnh tuyên truyền và thúc đẩy phong trào XHH, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng tiếp tục quan tâm đóng góp cho GD. Đồng thời, địa phương cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội.
Song song đó, Bộ GD-ĐT cho là chính quyền các cấp ở địa phương cần làm việc chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, cung cấp cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích họ đầu tư vào GD; khuyến khích mô hình hợp tác công tư để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác XHH về KCH trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023 vào 25/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở GD trên địa bàn; chủ động đẩy mạnh XHH, huy động nguồn lực đầu tư cho GD, đào tạo; ưu tiên các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở khu vực khó khăn. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin