Cảnh báo gia tăng bệnh nhi nhập viện do rắn cắn

09:40, 08/11/2024
Cơ sở y tế ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị rắn cắn, nhất là vào mùa mưa.
Cơ sở y tế ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị rắn cắn, nhất là vào mùa mưa.

Thời gian gần đây, đặc biệt vào mùa mưa và mùa nước lên, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị rắn cắn, đa số là do rắn lục đuôi đỏ cắn. 
 

Mới đây, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, tiếp nhận bé N.T.D. (ngụ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng bàn chân trái sưng phù lan lên cẳng chân. Vùng mặt trước bàn chân có mốc độc do rắn lục đuôi đỏ cắn. Người nhà bệnh nhi cho biết, cách nhập viện khoảng 1 giờ bé đi ra vườn thì bị rắn cắn.

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi có tình trạng rối loạn đông máu diễn tiến nhanh, đã chỉ định truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đuôi đỏ cho bé. Sau khi truyền huyết thanh, chỗ vết cắn bắt đầu giảm sưng nề, không còn chảy máu nữa. Kết quả các xét nghiệm rối loạn đông máu cho thấy cải thiện tốt và bé đã được xuất viện sau 4 ngày điều trị.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, trong thời gian gần đây, đặc biệt vào mùa mưa và mùa nước lên, khoa cấp cứu tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị rắn cắn, đa số là do rắn lục đuôi đỏ cắn. Rắn lục đuôi đỏ thuộc nhóm rắn lục, nọc độc gây rối loạn đông máu, biểu hiện ban đầu là chảy máu tại vết cắn, sưng nề lan nhanh. Nhiều trường hợp đến trễ rối loạn đông máu diễn tiến nặng, trẻ có thể xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tạng có thể gây tử vong.


Rắn lục đuôi đỏ là một trong những loài rắn sinh sống phát triển nhiều tại ĐBSCL, thường sinh sản vào mùa mưa. Ngày nay do môi trường sống của chúng bị thu hẹp, mùa nước lên rắn không có nơi trú ngụ sẽ tìm những nơi cao như bờ đất, cây cối gần nhà dân để bò lên, có thể rắn bò cả vào nhà trú ẩn ở nơi tối. 

Ðể tránh nguy cơ bị rắn cắn, khi đi ra vườn, cần mang ủng cao, ngoài ra nên phát quang xung quanh nhà. Nếu vô tình bị rắn cắn, cần sơ cứu đúng cách. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo, rắn cắn là một tai nạn khá thường gặp, thường xảy ra nhiều vào mùa mưa do rắn hay bò vào nhà, nhất là ở vùng nông thôn.

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) khuyến cáo, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành tính cũng đều cần theo dõi sát như là một trường hợp rắn độc, ít nhất là trong 6 giờ đầu.
Đặc biệt khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.
- Cách sơ cứu: Cho nạn nhân nằm yên, bất động và đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc. Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước. Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng. Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương.
Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.
- Những việc nên tránh: Không nên buộc garo phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi; không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc; không đắp lá cây không rõ loại lên vết thương.

 MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh