Xây dựng trường học hạnh phúc

11:03, 31/10/2024

(VLO) Thời gian qua, ngành giáo dục (GD) và các cơ quan, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa học đường hướng đến “xây dựng trường học hạnh phúc”.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) vẫn còn diễn ra với nhiều hình thức. Làm sao để đảm bảo trường học an toàn, không bạo lực, tạo môi trường GD tích cực, lành mạnh, an toàn đã và đang được xã hội quan tâm.

Các đơn vị ký kết phối hợp phòng chống bạo lực học đường năm học 2024-2025.
Các đơn vị ký kết phối hợp phòng chống bạo lực học đường năm học 2024-2025.

Nỗi lo bạo lực học đường

Ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, đánh giá: “Những nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa học đường, phòng chống BLHĐ đã góp phần tạo nên môi trường GD tích cực, lành mạnh, an toàn; số vụ việc học sinh (HS) đánh nhau trong và ngoài nhà trường giảm từ 42 vụ với 126 HS liên quan ở năm học 2022-2023 xuống còn 23 vụ với 68 HS liên quan ở năm học 2023-2024”.

Tuy nhiên, BLHĐ đang diễn ra dưới nhiều hình thức, từ bạo lực thể chất như xô xát, đánh nhau, đến bạo lực tinh thần qua lời lẽ xúc phạm, lăng mạ và ngày càng nhiều hơn là tình trạng bạo lực mạng trên các nền tảng trực tuyến. Đặc biệt khi BLHĐ lan rộng trên mạng xã hội, những video bạo lực được chia sẻ khiến tình trạng này trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn.

Theo anh Nguyễn Quốc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, tình trạng BLHĐ chủ yếu ở các trường THCS và THPT. Nhiều trường hợp xảy ra do mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa các HS, nhưng vì không được giải quyết kịp thời, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

“Thanh thiếu niên ở độ tuổi phát triển có nhiều biến đổi về tâm lý, dẫn đến hành vi thiếu kiểm soát, đây là nguyên nhân chính tạo nên những hành vi bạo lực”- anh Nguyễn Quốc Tuấn, chia sẻ nguyên nhân.

BLHĐ không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân, đối với người gây ra bạo lực mà còn ảnh hưởng đến nhà trường và xã hội. HS bị bạo lực thường phải chịu đựng tổn thương tâm lý, trường hợp nặng trở nên trầm cảm, lo âu, thậm chí có ý định tự tử do không chịu nổi áp lực.

Trong khi đó, những HS thực hiện hành vi bạo lực nếu không được can thiệp kịp thời, có nguy cơ trở thành những cá nhân bất ổn về mặt xã hội, khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ tích cực và có thể trở thành tội phạm sau này.

BLHĐ làm giảm chất lượng GD, gây mất trật tự và kỷ luật trong trường học. Nó tạo ra môi trường học tập căng thẳng, khiến cả HS và giáo viên đều cảm thấy bất an.

Ngoài ra, các vụ việc bạo lực khi được lan truyền trên mạng xã hội còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh nhà trường và niềm tin của phụ huynh vào hệ thống GD.

Xây dựng văn hóa học đường

Giáo viên cần có kỹ năng ứng phó với những cảm xúc tiêu cực và có khả năng tư vấn được cho học sinh.
Giáo viên cần có kỹ năng ứng phó với những cảm xúc tiêu cực và có khả năng tư vấn được cho học sinh.

Xây dựng văn hóa học đường là một trong những giải pháp hiệu quả để phòng chống BLHĐ. Việc xây dựng môi trường học tập văn hóa thời gian qua của các ngành, tổ chức, đoàn thể liên quan đã có nhiều giải pháp đáng ghi nhận.

Tại Trường THPT Hựu Thành (huyện Trà Ôn), công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, nhất là mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình có vai trò vô cùng quan trọng và có tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng GD toàn diện.

Cô Huỳnh Ngọc Mỹ Xuyên- Hiệu trưởng Trường THPT Hựu Thành, chia sẻ: “Chúng tôi làm tốt công tác truyền thông và thực hiện các nội dung đảm bảo trong nhà trường theo quy định.

Bên cạnh là chỉ đạo và phân công cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên rà soát thường xuyên các điều kiện đảm bảo thực hiện công tác an toàn trường học phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Song song đó là tạo điều kiện cho giáo viên được học tập kỹ năng xây dựng mối quan hệ; cải thiện môi trường, làm cho môi trường xanh, sạch, nề nếp, gọn gàng, tạo tâm thế tích cực cho thầy cô, HS khi đến trường.

Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm thực hiện nghiêm túc, nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu, tinh thần cầu thị cao, thân thiện; tận dụng tốt các kênh truyền thông như nhóm Zalo lớp, điện thoại, tin nhắn... với nội dung rõ ràng, cùng sự ân cần, chu đáo, nhiệt tình... tất cả góp phần tạo được “điểm chạm” trong lòng phần lớn phụ huynh”.

Tỉnh Đoàn Vĩnh Long đã phối hợp với Sở GD-ĐT chỉ đạo cụ thể từng nội dung trong việc GD đạo đức, lối sống cho lực lượng đoàn viên, đội viên là HS trong các trường học.

Các nhiệm vụ cụ thể như xây dựng diễn đàn tình bạn đẹp, nói không với BLHĐ; tổ chức giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo; hoạt động mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một quyển sách hay.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn đề xuất: “Những người phụ trách công tác Đoàn- Đội của trường học phải xác định nhiệm vụ mang đến cho thanh thiếu nhi những hoạt động ý nghĩa, bổ ích. Ứng dụng những cách làm mới phù hợp với thị hiếu của HS hơn, để thu hút các em tham gia”.

Kiến nghị với Sở GD-ĐT, anh Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng: “Khi phân công thầy cô đảm nhận vị trí bí thư đoàn trường hoặc tổng phụ trách phải phù hợp với yêu cầu công việc. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác đoàn trong các trường THPT. Hiện nay chưa có bộ tiêu chí thi đua riêng cho nhóm này”.

Nhìn chung, để tạo môi trường GD an toàn, lành mạnh, không bạo lực là vấn đề cần kíp mà trách nhiệm không chỉ riêng ngành GD, vấn đề này cần cả xã hội chung tay.

Bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, lưu ý các trường phổ thông trong tỉnh tập trung tuyên truyền GD HS lý tưởng cách mạng đạo đức lối sống bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của nhà trường, với nhận thức của HS; tăng cường tuyên truyền vận động, cán bộ quản lý tuân thủ các quy định đạo đức nhà giáo; bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo viên có kỹ năng ứng phó với những cảm xúc tiêu cực và có khả năng tư vấn được cho HS; tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch; thực hành các quy chế, quy tắc ứng xử các tiêu chí xây dựng trường học an toàn, trường học hạnh phúc; tăng cường sự phối hợp giữa các đoàn thể bộ phận trong nhà trường; nhân rộng và khen thưởng kịp thời những mô hình điển hình giải pháp hay, hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng chống BLHĐ, xây dựng trường học hạnh phúc”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh