(VLO) Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long (trung tâm), thuộc Sở Lao động – TB – XH, vừa phối hợp Công ty CP Cung ứng nhân lực Mekong (Công ty Mekong) đưa 13 người lao động tỉnh là tài xế đến công ty tham gia chương trình kỹ năng đặc định ngành tài xế hạng xe tải tại Nhật Bản.
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động – TB – XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Mekong ở Vĩnh Long tại lễ đưa người lao động tham gia chương trình kỹ năng đặc định tài xế xe tải. |
Sau lễ tại Vĩnh Long là lễ khai giảng chương trình này tại Trung tâm Nhật ngữ nhân văn của Mekong. Tham gia sự kiện, tài xế Dương Phạm Trường cho biết, trong thời gian đồng hành cùng trung tâm và Mekong, bản thân đã nhận được sự hỗ trợ tận tình, cũng như đào tạo cơ bản về kỹ năng và ngoại ngữ của các đơn vị liên quan.
“Việc bỏ học văn hóa trong thời gian dài khiến việc bắt nhịp lại với chương trình học (tiếng Nhật) không dễ dàng với anh em tài xế” – anh Trường chia sẻ.
Nhưng, với hầu hết đồng nghiệp từng ngồi sau vô lăng, thì sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi từ lãnh đạo sở, trung tâm và công ty Mekong đã tiếp thêm động lực, niềm tin để anh em học tập đạt hiệu quả.
“Anh em chúng tôi hướng tới mục tiêu cuối cùng là sang Nhật tu nghiệp, làm việc, nâng cao kỹ năng, có kinh tế chăm lo gia đình.” – nam tài xế nói.
Ông Huỳnh Tuấn Kiệt – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết, đây là mô hình thí điểm đưa người lao động tham gia chương trình kỹ năng đặc định nghề tài xế xe tải tại Nhật Bản.
Quá trình phối hợp, trung tâm và Mekong tạo điều kiện tối đa cho học viên học tiếng, kỹ năng và các kiến thức môi trường sinh sống, làm việc tại Nhật Bản khi sang lao động. Trung tâm hy vọng Mekong quan tâm chặt chẽ các học viên về đào tạo, sinh hoạt, nghỉ ngơi để đảm bảo tham gia chương trình hiệu quả.
“Như các tài xế từng chia sẻ, mục tiêu hướng đến với các học viên tham gia chương trình hôm nay là sang năm 2025, tất cả đều được xuất cảnh sang thị trường lao động Nhật Bản làm việc, kiếm tiền trang trải, chăm lo con cái, kinh tế gia đình.” – ông Kiệt cho biết sẽ đại diện trung tâm theo dõi suốt quá trình này đến khi chương trình hoàn thành.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà – Phó Giám đốc Sở Lao động – TB – XH Vĩnh Long dự lễ đưa và chúc mừng 13 người lao động tham gia chương trình kỹ năng đặc định ngành tài xế xe tải. Đây là mô hình mới qua sự phối hợp triển khai của trung tâm và Mekong, tạo điều kiện để người lao động tỉnh tham gia vào thị trường lao động nước ngoài.
“Đây là công việc mới và học viên này những người đầu tiên tham gia chương trình kỹ năng đặc định ngành nghề này. Chúng tôi mong tất cả anh em tài xế tự tin, nỗ lực học tập để hoàn thành đạt yêu cầu, sớm tham gia thị trường lao động Nhật Bản” – bà Hà nhắn nhủ.
Các tài xế lên xe, đi TP Hồ Chí Minh học tiếng Nhật ở Trung tâm Nhật ngữ nhân văn của Mekong. |
Theo sở, đến thời điểm này năm 2024, toàn tỉnh đã đưa được 1.438 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt gần 85% so với chỉ tiêu đưa 1.700 người đi làm việc nước ngoài năm nay. Sang năm 2025, những tài xế này xuất cảnh để tiếp tục góp phần bổ sung vào số lượng lao động tham gia thị trường lao động ngoài nước.
Ông Nguyễn Thanh Nhân – trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Mekong cho biết, đến nay Mekong đã đưa người lao động đi làm việc ở Nhật Bản với nhiều hình thức: thực tập sinh, kỹ sư, du học sinh, kỹ năng đặc định. Có rất nhiều ngành nghề, trong và ngoài công xưởng, như: điện, điện tử, cắt gọt kim loại, điều dưỡng, may... Tuy nhiên, nghề tài xế xe tải là lần đầu tiên tuyển dụng.
Đây là chính sách bắt nguồn từ việc cuối tháng 3/2024, Chính phủ Nhật Bản đồng ý cho các doanh nghiệp Nhật Bản tuyển lao động là tài xế người nước ngoài làm việc tại Nhật.
Đến đầu tháng 9 là chính thức bắt đầu tuyển dụng nguồn nhân lực này, và đây là những học viên đầu tiên công ty và trung tâm phối hợp tuyển dụng, đào tạo.
Ban Giám đốc Công ty CP Cung ứng nhân lực Mekong tại lễ tiếp nhận người lao động tham gia chương trình. |
“Khó khăn với các bạn là đã buông con chữ nhiều năm. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm và nghị lực của các học viên thì việc học tiếng Nhật, văn hóa, phong tục tập quán, quy định pháp luật của nước sở tại,... để trở thành một người lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản là hoàn toàn khả thi” – ông Nhân chia sẻ.
Theo bà Lý Ngọc Điệp – Tổng Giám đốc Công ty Mekong, gần 10 năm Mekong có mặt tại Vĩnh Long, trong số 15 văn phòng đại diện từ Cà Mau đến Khánh Hòa.
Những năm qua, Mekong đã tuyển và đưa lao động sang làm việc và học tập tại Nhật Bản bình quân 400-600 người/năm, hơn 40% trong số đó là lao động người Vĩnh Long.
“Đây là con số ấn tượng đối với công ty. Minh chứng cho sự phối hợp hiệu quả giữa Mekong với tỉnh Vĩnh Long” – bà Điệp – cũng là một người Vĩnh Long, từng đi Nhật học tập, làm việc chia sẻ. Đại diện Mekong tin rằng sẽ đem đến điều kiện tốt nhất về kiến thức, kỹ năng để các học viên hoàn thành chương trình, đạt yêu cầu để xuất cảnh sang Nhật làm việc như nguyện vọng.
Trước khi bắt đầu vào buổi học tiếng Nhật đầu tiên, học viên là tài xế Dương Hoàng Nam nói “cảm thấy mừng”. Anh Nam thổ lộ ở độ tuổi 40 mà còn tham gia chương trình kỹ năng đặc định tài xế thế này “rất là hay”.
“Sức khỏe mình còn, có thể tham gia thị trường lao động ngoài nước, kiếm tiền lo cho gia đình” – người đàn ông quê Mang Thít, đã từng làm việc bên Nhật với một nghề khác, nay chuẩn bị làm nghề tài xế xe tải, nói.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin