Khéo dân vận xây dựng “Đời sống mới” theo tư tưởng Hồ Chí Minh:
Kỳ 2: Khơi sức dân phát huy vai trò “4 hiến”

06:03, 17/10/2024

(VLO) Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” và “Dân vận”, Đảng ta luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng với mục tiêu mang lại diện mạo tươi mới cho khu vực nông thôn và tạo dựng những miền quê đáng sống...

Thấm nhuần lời dạy của Bác “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo khơi sức dân phát huy vai trò “4 hiến”- hiến đất, hiến của, hiến công, hiến kế trong xây dựng NTM.

Nhờ thực hiện tốt phương châm “lấy sức dân chăm lo đời sống cho Nhân dân”, vùng đất xã Mỹ Lộc đầy gian khó ngày nào đã không ngừng vươn mình đổi mới, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng thành công huyện NTM Tam Bình.

Diện mạo xã Mỹ Lộc không ngừng đổi mới nhờ người dân tích cực phát huy vai trò “4 hiến” trong xây dựng NTM.
Diện mạo xã Mỹ Lộc không ngừng đổi mới nhờ người dân tích cực phát huy vai trò “4 hiến” trong xây dựng NTM.

Hiến kế “dồn điền đổi thửa” xây đường giao thông

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong”, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Đảng bộ xã Mỹ Lộc đã khơi dậy sức mạnh lớn lao của Nhân dân thực hiện hiệu quả chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” và đã tạo nên “kỳ tích” trong việc khơi sức dân xây dựng đường giao thông nông thôn.

Là xã anh hùng trong kháng chiến, đến thời bình, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xã Mỹ Lộc tiếp tục chung tay kiến tạo quê hương, đưa Mỹ Lộc trở thành xã đầu tiên của huyện Tam Bình đạt chuẩn NTM và cũng là xã đầu tiên của huyện về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Mỹ Lộc cũng là 1 trong 5 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thành quả đó, chính là nhờ làm “khéo” công tác dân vận.

Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, nhất là ruộng đất của ông cha để lại không ai dễ cho đi, nhưng người dân Ấp 10 của xã Mỹ Lộc thì nghĩ khác.

Chung tay cùng nhau hiến đất làm bờ đê, rồi mở rộng làm đường đan, lộ nhựa... Khi công trình giao thông đi qua, thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhiều người đã sẵn lòng cho đi những “tấc vàng” của mình chỉ với mong muốn có đường đi thuận tiện, thông thoáng.

Điều đáng quý nữa là, người dân nơi đây đã cùng nhau “dồn điền đổi thửa”- đổi đất với nhau rồi cùng nhau hiến đất để Nhà nước xây đường giao thông nông thôn.

Theo thiết kế, tuyến đường Ấp 10 sẽ chạy xuôi qua phần đất nhà của bà Đinh Thị Ba tới 3.000m². Đây là diện tích không nhỏ. Tuy gia đình bà Ba rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước, nhưng việc mất quá nhiều đất cũng ảnh hưởng đến đời sống gia đình.

Thấu hiểu nỗi niềm đó, ông Lý Thường Kiệt- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ấp 10, đã “hiến kế” với Đảng ủy, UBND xã về việc “dồn điền đổi thửa”.

Qua đó, địa phương đã có sự linh hoạt, chủ động trong việc vận động các hộ lân cận cùng đổi đất với bà Ba để “mỗi người cùng tham gia hiến một ít nhưng được hưởng cái lợi chung”.

Như vậy, gia đình bà Ba không phải hiến quá nhiều đất, chỉ hiến 1.000m² đất thay vì 3.000m² như dự tính lúc đầu. Trong đó, gia đình bà Nguyễn Thị Sáu (83 tuổi) đã đổi ruộng với bà Ba và hiến khoảng 1.000m² đất.

Thời chiến, chồng bà Sáu- ông Nguyễn Văn Đạt làm trưởng công an xã và hy sinh năm 1969. Một mình bà Sáu nuôi dạy 6 người con, trong đó có đứa còn trong bụng mẹ.

Vì nghĩa lớn, bà tiếp tục làm giao liên và có công nuôi giấu lãnh đạo Tỉnh ủy. Với công lao đó, bà được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Đến khi Nhà nước tiếp tục làm cuộc cách mạng xây NTM, chính quyền xã tới lui vận động, bà Sáu cũng hiểu “nếu xây được con đường thì cũng con cháu, bà con chòm xóm mình được hưởng lợi”, vậy là bà đã gật đầu.

Theo đó, nếu tính tổng diện tích đất gia đình bà đã hiến để làm lộ trước nhà và phần đất ruộng thì tới 1.500m².

Đối với những người từng trải qua thời chiến đầy gian khó, từng chung sức xây dựng quê hương sẽ càng thêm trân quý và hiểu được “việc cho đi là xứng đáng”.

Hiến đất, hiến của, hiến công “nối nhịp đôi bờ”

Cây cầu Mỹ Hương ngang 3m, dài 80m bắc qua sông Ba Càng, nối liền ấp Cái Sơn (xã Mỹ Lộc) với Ấp 5 (xã Phú Lộc), được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của người dân.

Tổng kinh phí xây cầu gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, gia đình anh Lê Long Hùng (ấp Cái Sơn) không chỉ sẵn lòng hiến đất, góp tiền, mà còn góp sức cùng địa phương vận động xây cầu.

Gia đình anh Hùng cũng như nhiều hộ dân nơi đây đều có bà con, thân nhân ở hai bên bờ sông, muốn qua lại, thông thương, vận chuyển hàng hóa, nhưng bị... “ngăn sông cách trở”.

Từ bên đây sông muốn qua bên kia sông phải đi đò, nhưng còn lệ thuộc vào con nước lớn ròng, hoặc phải đi đường vòng cả chục cây số. Điều kiện đi lại khó khăn, người dân nơi đây rất mong mỏi có được cây cầu “nối nhịp đôi bờ”.

Trong những lần trò chuyện với người quen, vợ chồng anh Hùng bày tỏ ý tưởng về việc xây cầu và được nhiều người chia sẻ “nếu xây cầu tui sẽ góp tiền...”.

Qua đây, đã giúp cho anh chị có động lực tìm nguồn hỗ trợ. Trước đây, anh Hùng từng có kinh nghiệm vận động xây cầu Cái Bần, nên lần xây cầu này anh nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương cùng các ban, ngành...

Khi mở lời nhờ Ni sư Thích Nữ Như Vạn- Trụ trì chùa Phước Sơn (xã Tường Lộc) hỗ trợ, anh Hùng được hướng dẫn thuê người làm chiết tính, bảng vẽ và vận động các hộ dân nơi đây ủng hộ tiền để... “tạo cái duyên cho mọi người làm từ thiện”.

Để xây cầu, gia đình anh Hùng hiến khoảng 100m² đất, góp 70 triệu đồng. Anh cho rằng: “những đóng góp này không đáng là bao” và gia đình anh rất đồng tình ủng hộ vì đây là việc làm ý nghĩa, đóng góp thiết thực cho xã hội.

Không chỉ hiến đất, góp của, anh Hùng còn góp công cùng với Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Cái Sơn vận động người dân “mỗi người góp một ít” cũng được hơn 30 triệu đồng.

“Thời điểm đó, chỉ cần mở lời nói “sẽ xây cầu” là mọi người liền hứa ủng hộ. Vui nhất là bữa khởi công, mọi người rôm rả tới đóng góp tiền...” - anh Hùng nhớ lại.

Ở phía bên kia cầu, người dân cũng nhiệt tình hiến đất và góp 50 triệu đồng. Phần còn lại do Ni sư Thích Nữ Như Vạn vận động phật tử cùng nhà hảo tâm hỗ trợ.

Những ngày thi công cầu, anh Hùng nhiệt tình hỗ trợ nước uống cho đội thi công, xem mọi người cần vật dụng gì thì đem cho mượn. “Nhà có 2 chiếc ghe, tôi cho mượn suốt để việc thi công cầu được dễ dàng, thuận lợi”- anh Hùng nhớ lại.

“Khi hoàn thành cây cầu, tất cả mọi người đều rất vui”- anh Hùng kể và cho biết: Lễ khánh thành diễn ra long trọng và vui như ngày hội. Hôm đó, Ni sư Thích Nữ Như Vạn còn trao tặng mấy trăm phần quà. Người dân ở xa cũng đến chung vui...

Cây cầu hoàn thành không chỉ giúp người dân hai bên bờ sông qua lại thuận tiện mà còn tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho công nhân lao động vì mọi người không còn phải đi đường vòng như trước đây nữa. Thay vào đó, tuyến đường đi làm đến KCN Hòa Phú đã được rút ngắn.

Bên cạnh, việc chuyên chở vật tư nông nghiệp cũng thuận tiện hơn, chỉ cần “a lô” là từ bên đây sông chuyển hàng qua bên kia sông chỉ trong vài phút. Còn hồi trước thì phải đi vòng 10km chứ dễ gì có liền. “Nhờ có cây cầu mà việc sản xuất, kinh doanh, mua bán, đi lại, học hành càng trở nên thuận lợi”- anh Hùng nói.

“Hồi xưa tôi không nghĩ người dân sẽ lưu thông qua cây cầu này nhiều đến thế. Giờ tính ra, lượng người, phương tiện qua lại hơn gấp trăm lần so với tưởng tượng của tôi”- anh Hùng cười vui và bày tỏ mong muốn: “Sau này Nhà nước sẽ mở con lộ để xe chạy thẳng hoặc mở rộng đường đan lớn hơn cho dễ lưu thông”.

Cùng thời điểm xây cầu Mỹ Hương, anh Hùng cũng vận động Ni sư Thích Nữ Như Vạn hỗ trợ xây cầu ở Ấp 6A. Anh kể: Cây cầu này trước đây bị xuống cấp rất khó đi, vì mặt đường đan cao, dốc cầu thấp, cầu bị hư, lủng lỗ, không lan can, bề ngang chỉ 1m, nên người tay lái yếu không dám chạy qua.

Được sự hỗ trợ của Ni sư Thích Nữ Như Vạn cùng nhà hảo tâm, 2 cây cầu đã được xây dựng hoàn thành một lượt trong niềm phấn khởi của người dân.

Ông Nguyễn Văn Năm- Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, cho biết: Cuối năm 2023, xã Mỹ Lộc vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Đạt được kết quả này là nhờ sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ cùng sự đồng thuận của Nhân dân trong phát huy vai trò “4 hiến”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Năm, trước đây công tác vận động gặp nhiều khó khăn, do vẫn còn một vài hộ chưa thông hiểu, nên chưa sẵn lòng hiến đất, góp của, góp công... Song, với cách làm “mưa dầm thấm lâu” và khơi gợi được sự đồng cảm của người dân, dần dần người dân đã thông hiểu và thống nhất cao.

Đến nay, hệ thống giao thông của xã Mỹ Lộc được khép kín trên 95%, đã thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, giao thương hàng hóa. Nông dân bán nông sản được giá cao hơn. Chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Những kết quả đạt được phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM gắn với học tập và làm theo Bác là đáng trân trọng. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều thành tích trong huy động sức dân để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng NTM”.

Các công trình “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” phải được thông tin cho dân được biết, được tham gia bàn bạc, dân quyết định và thực hiện những phần việc của Nhà nước cho phép. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo thì phải bàn bạc có cách giúp đỡ của cộng đồng dân cư, hoặc đề nghị cấp trên cho ý kiến chỉ đạo; làm sao phải tạo ra sự đồng thuận nhất trí cao. Khi công trình hoàn thành sẽ tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng, không để mọi người gặp khó khăn. Khi kết thúc quá trình thi công, phải có sự tổng kết công khai tài chính, biểu dương khen thưởng những cá nhân, tập thể, hộ gia đình thực hiện tốt.

Kỳ 3: Hướng nông dân vào sản xuất hữu cơ

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh