“Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”

14:54, 10/10/2024









Vợ chồng phải tôn trọng, chia sẻ thì mới có sự thấu hiểu, đồng hành xây dựng hạnh phúc.Ảnh minh họa
Vợ chồng phải tôn trọng, chia sẻ thì mới có sự thấu hiểu, đồng hành xây dựng hạnh phúc.Ảnh minh họa

Người xưa thường nói “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, ý nói người cha phải dạy dỗ con cái từ khi còn nhỏ, và người chồng có trách nhiệm hướng dẫn và chỉ bảo khi vợ mới vào gia đình. Tuy nhiên, thời nay, chuyện “dạy vợ” đã khác xưa và cách “dạy vợ” như thế nào cho phù hợp mới là quan trọng.

Anh V. vốn là mẫu đàn ông truyền thống của gia đình, nề nếp gia đình anh vẫn còn giữ những gia quy cũ, sống chung 3 thế hệ trong nhà. Vì vậy khi cưới vợ về, anh đã lập tức áp dụng cách giáo huấn vợ như quy củ nhiều thế hệ của gia đình mình. Thêm nữa, cách “dạy vợ” của anh lại không được khéo léo, mềm mỏng mà hầu như là theo kiểu áp đặt phải tuân thủ. Anh đưa ra nhiều “nội quy gia đình” và yêu cầu vợ phải thực hiện vì bà nội anh rất khó và mẹ anh cũng đã từng phải tuân thủ và sống theo khuôn phép như thế, bây giờ thế hệ cháu dâu cũng không ngoại lệ. Quá nhiều quy tắc phải thực hiện và có phần gò bó, quá cứng nhắc gây khó khăn cho công việc và sinh hoạt, lại thêm anh chồng tỏ rõ bản chất gia trưởng mà không có sự cảm thông, chia sẻ cùng vợ, kết quả là chỉ chưa đầy 1 năm sau khi cưới, cô vợ trẻ cảm thấy thất vọng, không thể cam chịu sống cuộc sống như thế nên trở về nhà mẹ đẻ. Sau đó thì hai bên gia đình đã phải gặp nhau để nói chuyện cho ra lẽ.

Ngược lại, anh H. đã có cách “dạy vợ” vô cùng tử tế và tinh tế nên cô dâu mới và gia đình chồng đã thấu hiểu và gắn bó được với nhau. Biết rõ mẹ mình là người phụ nữ gốc Huế nhẹ nhàng truyền thống, tính cách dịu dàng nhưng phải khuôn phép, chuẩn mực, gia đình cũng phải quán xuyến chu toàn, ngăn nắp. Vì thế tuy cô người yêu là cô gái hiện đại năng động nhưng từ khi quen nhau anh đã ngày ngày tâm sự, chia sẻ và khuyên nhủ cô nàng về nề nếp gia đình mình, về tình thương và sự tôn trọng với mẹ mình. Anh H. cũng tỏ rõ cả hai đều là những người phụ nữ quan trọng nhất của anh, chịu mở lòng thấu hiểu nhau để sống chung hòa thuận là điều anh mong muốn nhất. May mắn là cô người yêu sắp cưới của anh biết điều biết chuyện, có sự cảm thông và cũng rất yêu quý mẹ chồng tương lai qua những lời kể, chia sẻ của anh H.. Quan trọng là tình yêu giữa họ đủ lớn để cả hai cùng cố gắng hòa hợp yêu thương gia đình hai bên. Cách “dạy vợ từ thuở bơ vơ” của anh H. khiến ai cũng khen ngợi, anh vừa mềm mỏng khéo léo từng chút một cho đối phương làm quen và cũng rất tôn trọng, hài hòa giữa hai bên để không ai cảm thấy bị gò bó khó chịu. Vì thế chỉ sau 2 năm cưới, gia đình họ hạnh phúc đón con trai đầu lòng. Mẹ chồng còn sẵn sàng yêu cầu để cháu nội ở nhà cho ông bà chăm, con dâu cứ thoải mái tập trung cho sự nghiệp.

Trong xã hội thời xưa, hôn nhân của người phụ nữ phụ thuộc vào cha mẹ và một khi đã gả đi thì phải “sống chết” cùng gia đình chồng nên chồng có “dạy bảo” thế nào cũng phải nghe. Nhưng thời nay, cuộc sống hiện đại, người phụ nữ dần khẳng định vai trò, vị thế và tầm quan trọng trong xã hội, vì thế họ cũng có quyền được sống cho bản thân mình và có quyền mưu cầu hạnh phúc, sự cam chịu vô lý đã không còn nhiều, họ hướng tới một cuộc sống tự chủ và được tôn trọng. Vì thế chuyện “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” theo cách xưa đã không còn phù hợp. Đàn ông ngày nay phải có sự tử tế, tinh tế và có sự tôn trọng để thay đổi một nửa của mình cho phù hợp với nếp nhà. Đàn ông hiện đại bây giờ phải gánh thêm trách nhiệm trung hòa mối quan hệ trong gia đình. Chỉ có vậy thì mới thành công xây dựng hạnh phúc gia đình giữa hai thế hệ.

Cho nên chữ “dạy vợ” ngày nay có thể thay từ thích hợp hơn như bảo ban, góp ý, động viên, chia sẻ; người vợ mới về nhà chồng cũng rất cần chồng chỉ dạy nề nếp gia phong của mỗi nhà. Những ông chồng thời nay không nên tự cho mình cái quyền “dạy vợ”, mà phải có trách nhiệm hướng dẫn và chăm sóc vợ; từ đó mới gắn kết được các mối quan hệ trong gia đình.

Có rất nhiều ông chồng cho rằng phê bình, chỉ trích vợ thật nhiều thì cô ấy sẽ thay đổi thói quen, cá tính. Nhưng thực tế hiệu ứng thì ngược lại. Các nhà nghiên cứu cho rằng, “muốn phê bình phụ nữ, trước hết phải khen ngợi họ vài câu” và “những chia sẻ nhẹ nhàng, khuyên nhủ một cách tình cảm sẽ làm cho phụ nữ tốt lên hơn”.

Theo các chuyên gia tâm lý, quá trình chung sống giữa hai vợ chồng là phải chuyển hóa cho nhau, để hai người hiểu nhau hơn, từ từ dẫn đến sự thống nhất trong quan điểm, sở thích. Nếu không đạt được điều lý tưởng đó, thì họ dừng lại ở việc chấp nhận những mặt khác nhau của bạn đời. Chuyện “dạy vợ” ở thời nay có nghĩa là người chồng giúp vợ mình hoàn hảo hơn, hướng dẫn vợ hội nhập với gia đình mình, với môi trường mới. Một người đàn ông chững chạc, có lập trường nhưng không bảo thủ, biết phân biệt đúng sai, biết chia sẻ vui buồn cùng gia đình và có tình yêu thương mọi người thì không một người phụ nữ nào lại không nể phục. Khi người phụ nữ đã tôn trọng và yêu quý thì sẽ sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời mình cho chồng và gia đình chồng. Bài, ảnh: LAM NGỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh