Trải qua hàng ngàn năm trên vùng đất ĐBSCL, nước và con người có mối quan hệ “máu thịt” lẫn nhau. Cùng với những chu kỳ biến đổi, con người bản địa đã hình thành một nền “văn hóa nước”, nền “văn minh nước” thực sự linh động, thực sự hòa hợp một cách mềm mại, thuận theo cái tự nhiên hiện tại mà nương theo đó để hình thành cách sinh hoạt, cách tổ chức sản xuất và cái thái độ ứng xử hết mực trân trọng những nguồn nước, mọi dòng sông.
Trong thời kỳ hiện đại, nhịp sống nhanh hơn, những sự thay đổi cũng nhanh hơn, dòng sông và nguồn nước cũng biến đổi thất thường hơn, dường như không còn giữ nguyên những định luật có tính định kỳ, có tính mùa màng như xưa nữa. Đó là điều con người cần phải bình tĩnh nhìn lại, soi xét kỹ càng và cần có những tiết chế đúng mực. Cần nhận thức một cách rõ ràng rằng, nguồn tài nguyên, ở đây là nguồn tài nguyên nước không hề là vô cùng tận; do đó, thay vì là khai thác triệt để, ứng xử thô bạo, thì cần, rất cần sự bảo vệ, bảo tồn và phát triển nó tốt hơn.
Hơn 3.500 cây số đường sông, nếu chỉ tính riêng những con sông có độ dài 10 cây số trở lên ở đồng bằng, chưa kể rất nhiều hệ thống kinh rạch, sông ngắn, sông nhỏ thì đó là một tài sản, một di sản khổng lồ nhưng không phải là vô tận. Thêm nữa, ngày xưa nếu chỉ tính riêng các ao đìa, lung, láng, bàu… tự nhiên ở đồng bằng này có thể chứa hàng tỷ tỷ mét khối nước mùa khô. Nhưng giờ đây, con người đã triệt tiêu cả hệ thống hồ trữ nước tự nhiên đó, rồi bây giờ tính chuyện bỏ ra nhiều ngàn tỷ đồng để “bê tông hóa” các hồ chứa nước và hình như đang hình thành một “phong trào làm hồ” trữ nước.
Để rồi coi, cái hệ thống hồ chứa nước nhân tạo này sẽ phản tác dụng và tạo ra rất nhiều hệ lụy cục bộ về hệ sinh thái, và công năng phát huy tác dụng sẽ chẳng đi đến đâu. Trong khi đồng bằng có hàng chục ngàn cây số “đường ống dẫn nước” chính là hệ thống kinh rạch, sông ngòi tự nhiên và nhân tạo đã được hình thành qua hàng ngàn năm nay. Nó rất khoa học và rất thuận tự nhiên.
Từ sai lầm của hệ thống cống ngăn để quản trị nguồn nước, giờ sắp tới chuyện xây hồ. Đó chỉ là những giải pháp cục bộ và tầm nhìn rất ngắn. Trong khi ứng xử với nguồn nước này, rất cần ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhưng phải dựa trên cái nền văn hóa ngàn năm nay kể từ khi con người xuất hiện và sống chung thuận hòa với nguồn nước ở đồng bằng này. Đó chính là quy luật hàng ngàn năm của những nguồn nước và những con sông ở đồng bằng này.
Hailua@.com
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin