Cẩn trọng với biến chứng thầm lặng bệnh đái tháo đường

09:09, 10/10/2024
Bác sĩ thăm khám cho cụ ông trước khi xuất viện.
Bác sĩ thăm khám cho cụ ông trước khi xuất viện. ​​​​​​​

Cụ ông 75 tuổi ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long không hay mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) cho đến khi chỉ số đường huyết tăng cao bất thường và nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng khiến ông phải nhập viện cấp cứu.


Bệnh nhân (BN) nhập cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng mệt lả, nói khó nghe, ho kèm sốt 3 ngày. BN được bác sĩ khoa cấp cứu thăm khám và chỉ định xét nghiệm máu, kết quả 799 mg/dl cao gần 8 lần so với mức đường huyết bình thường (chỉ số đường huyết bình thường từ 80-100 mg/dl).

Gia đình cho biết, thời gian gần đây, BN hay mệt mỏi, khát nước nhiều, khô cổ họng và sụt cân nhanh. BN có tiền sử tăng huyết áp, tai biến mạch máu não.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, BN được chẩn đoán: ĐTĐ type 2 nhiễm toan ceton, tăng huyết áp, viêm phổi cộng đồng, di chứng nhồi máu não, theo dõi tổn thương thận cấp trước thận.

Ngay sau đó, BN được hội chẩn cấp 2 và nhanh chóng chuyển khoa hồi sức tích cực và chống độc (ICU) điều trị tích cực, bù dịch theo phác đồ, kiểm soát đường huyết bằng truyền insulin liên tục, bù bicarbonat, kháng sinh, nâng tổng trạng, theo dõi đường huyết, nước tiểu và điện giải mỗi giờ.

Sau 2 ngày điều trị tích cực, BN tỉnh táo, đường huyết dần ổn định và được chuyển nội trú điều trị tiếp. Sau 7 ngày điều trị, hiện BN được xuất viện và theo dõi tái khám ngoại trú, các thông số về đường huyết, chức năng gan, thận, điện giải, huyết động trở về bình thường.

BS.CK1 Lâm Thanh Danh- Phó Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết, nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ type 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh, đến khi được chẩn đoán, thường đã xuất hiện các biến chứng. Trường hợp của BN trên chỉ số đường huyết tăng cao gần 8 lần so với mức bình thường. Đây là tình trạng hiếm gặp đối với người bình thường, gặp tương đối ở người lớn tuổi bị ĐTĐ, nguy cơ tử vong nếu không nhanh chóng xử trí kịp thời.

BS Thanh Danh cũng khuyến cáo, những người lớn tuổi cần tầm soát định kỳ 6-12 tháng/lần tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ, điều trị tích cực ngay từ đầu. Việc tuân thủ phác đồ điều trị là quan trọng nhất để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh.

Trong điều trị ĐTĐ, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức tự quản lý của người bệnh, 70% trường hợp ĐTĐ type 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi thực hiện các lối sống khỏe mạnh. Với người mắc ĐTĐ, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường (mệt, vã mồ hôi, khát nhiều, tiểu nhiều...) trong quá trình dùng thuốc, BN cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám lại và điều chỉnh thuốc.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh