Nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Vĩnh Long chú trọng trong thực hiện chiến lược dân số hiện nay. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số (DS) trong tình hình mới, chất lượng DS trên địa bàn tỉnh từng bước cải thiện, tuổi thọ trung bình của người dân được nâng cao, tầm vóc thể lực có sự cải thiện, tỷ lệ tử vong của bà mẹ sau khi sinh con giảm...
Tỷ số giới tính của tỉnh được kiểm soát trong mức cân bằng
Ngày 13/9, Đoàn công tác của BCĐ Quốc gia Dân số và Phát triển do bà Tôn Ngọc Hạnh- Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, làm trưởng đoàn đến làm việc với tỉnh Vĩnh Long về tình hình thực hiện công tác DS trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, đến nay, tỉnh đã thực hiện đạt 4 mục tiêu của Nghị quyết số 21, bao gồm: ổn định được tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát trước sinh (4 bệnh), sơ sinh (5 bệnh) và chỉ số phát triển con người (HDI). Song, tỉnh khó thực hiện đạt 2 mục tiêu gồm: Phấn đấu đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế và tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn 90% vào năm 2030. So với cả nước, hiện nay, Vĩnh Long là 1 trong 21 địa phương có tỷ lệ mức sinh thấp.
Theo BS.CK1 Trần Văn Tiền- Phó Giám đốc Sở Y tế, thực hiện Nghị quyết số 21, đến nay tỷ số giới tính của tỉnh được kiểm soát trong mức cân bằng từ 105-108 bé trai/100 bé gái. Đến 8 tháng của năm 2024, tỉnh có tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát trước sinh (4 bệnh) đạt 67,8%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (5 bệnh) đạt 59,1% và HDI tăng
lên 0,725.
Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Long gặp khó khăn trong thực hiện mục tiêu đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế vào năm 2030 khi đến năm 2023 mức sinh không tăng lên mà tiếp tục giảm xuống còn 1,67 con/phụ nữ. Ngoài ra, tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đến 8 tháng của năm 2024 chỉ đạt 14,05 khó đạt mức 90% vào năm 2030.
Cần đa dạng các hình thức truyền thông về dân số
“Theo đánh giá, nguyên nhân khó đạt các chỉ tiêu là do qua thời gian dài thực hiện mục tiêu giảm sinh đã làm thay đổi nhận thức người dân về quy mô gia đình nhỏ; tâm lý kết hôn muộn, không muốn sinh, sinh ít; tình trạng ly hôn, ly thân, vô sinh ngày có xu hướng tăng. Đồng thời, tốc độ đô thị hóa dẫn đến áp lực về kinh tế, trong khi các chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân sinh đủ 2 con và các mô hình can thiệp để nâng mức sinh ở vùng có mức sinh thấp chưa đủ mạnh; việc quản lý và theo dõi nam nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân gặp khó khăn, người dân tâm lý e ngại”- Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, thời gian tới, Vĩnh Long sẽ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, tiếp tục triển khai các giải pháp về hình thức và nội dung tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, tăng cường nguồn lực đầu tư… để đảm bảo thực hiện các mục tiêu về công tác DS.
“Tỉnh tiếp tục bám sát các nội dung cơ bản của các đề án, lồng ghép các chương trình, nội dung có liên quan để nâng cao chất lượng DS phù hợp với tình hình thực tế. Tỉnh Vĩnh Long đã giao Sở Y tế tham mưu các chính sách có liên quan đến công tác DS, đồng thời phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, từng bước nâng cao chất lượng DS của địa phương”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bà Tôn Ngọc Hạnh đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Vĩnh Long trong việc quan tâm kiện toàn BCĐ, tổ chức nhân lực thực hiện công tác DS từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời nhấn mạnh: “Việc đầu tư cho công tác DS là chiến lược lâu dài, do đó tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo và dành nguồn lực phù hợp đầu tư cho công tác này. Tỉnh Vĩnh Long cần triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, trong đó phát huy công tác phối hợp liên ngành trong lồng ghép các chương trình dự án, linh hoạt tổ chức các mô hình hoạt động để mang đến tác động cụ thể trong từng mục tiêu của công tác DS”.
Trong tình hình mới với nhiều tác động từ sự phát triển của xã hội ảnh hưởng đến chất lượng DS, tỉnh cần nỗ lực hơn để duy trì các mục tiêu đã đạt được, đồng thời phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đang dự báo khó khăn. Song song đó, tỉnh cần đổi mới và đa dạng các hình thức truyền thông nhằm tác động, nâng cao ý thức tự giác của người dân và cách thức tiếp cận về vấn đề phát triển DS trong tình hình mới, từng bước góp phần nâng cao chất lượng DS, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin