Tiêm vaccine là biện pháp duy nhất để phòng bệnh sởi

09:08, 13/09/2024
Các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi để tạo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.
Các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi để tạo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.

Số ca mắc bệnh sởi tại Vĩnh Long đang tăng, ghi nhận đến ngày 11/9, toàn tỉnh có 43 ca mắc sốt phát ban, nghi ngờ sởi, tăng 37 ca so với cùng kỳ năm 2023. Theo nhận định của ngành y tế, đa số ca mắc sởi do chưa tiêm ngừa, hoặc tiêm ngừa chưa đầy đủ.

Đa số chưa tiêm ngừa

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến 28/8, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Tại TP Hồ Chí Minh, vào tháng 8/2024, UBND TP Hồ Chí Minh đã công bố dịch sởi, bệnh truyền nhiễm nhóm B trên địa bàn toàn thành phố.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần. Ngoài yếu tố mang tính chu kỳ, trong các năm 2021, 2022 do ảnh hưởng dịch COVID-19, giãn cách xã hội, không có sự giao lưu nhiều giữa người dân nên số ca mắc sởi thấp, đồng thời tỷ lệ tiêm vaccine sởi và sởi- rubella cũng thấp.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Vĩnh Long, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Trung bình 1 ca sởi lây cho từ 12-18 người. Trong khi COVID-19, 1 ca lây cho từ 2-5 người. Như vậy, sởi là bệnh lây dữ dội hơn COVID-19. Song, sởi có vaccine, do đó, có một giai đoạn dài không ghi nhận ca bệnh sởi.

Người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, có thể dẫn đến biến chứng nặng, như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… thậm chí có thể tử vong, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Thống kê của CDC tỉnh Vĩnh Long, tính đến ngày 11/9, toàn tỉnh ghi nhận 43 ca nghi mắc sởi, trong đó có 12 ca chẩn đoán xác định dương tính với virus sởi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đáng lưu ý, 12 ca bệnh xác định sởi này có 6 ca dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm ngừa sởi (chiếm 50%); 2 ca đã tiêm được 1 mũi sởi; 4 ca chưa được tiêm ngừa.

Hiện, ngành y tế đang theo dõi 1 ổ dịch nghi sởi tại ấp Phú Lợi (xã Phú Thành, huyện Trà Ôn) vì xét nghiệm có 1 ca dương tính, 2 ca tiếp xúc gần có dấu hiệu bệnh và đang chờ kết quả. Ngoài ra, 12 ca nghi sởi còn lại chưa được lấy mẫu, trong đó có 9 ca do lây nhiễm chéo từ các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ.

Không chủ quan với bệnh sởi

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, nguyên nhân bệnh sởi tăng là do gián đoạn tiêm vaccine trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiếu vaccine trong thời gian dài (năm 2022-2023). Đây là nguyên nhân đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trên toàn tỉnh, dẫn đến tích lũy miễn dịch cơ bản của các bệnh phòng được bằng vaccine trong cộng đồng giảm dần qua các năm làm tăng cao khả năng xuất hiện các trường hợp bệnh.

Bệnh sởi hiện chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng và bệnh sởi diễn tiến nặng trên trẻ suy giảm miễn dịch, mãn tính (ung thư, tim, thận...) nên cách phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine. Trước nguy cơ dịch bệnh sởi có thể lây lan về địa phương, ngành y tế Vĩnh Long đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện chăm sóc người bệnh. Các bậc phụ huynh cũng không được chủ quan, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế đưa trẻ đi tiêm vaccine đúng liều, đúng thời gian, đồng thời thực hiện triệt để các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của ngành y tế.

Giám đốc Sở Y tế đề nghị: “Chúng ta cần tập trung kiểm soát bệnh sởi trong cộng đồng bằng cách nâng cao độ bao phủ vaccine, đạt 95% sẽ kiểm soát hoàn toàn bệnh sởi. Trong bệnh viện, cần tránh lây nhiễm chéo, cần phải bảo vệ nhóm nguy cơ. Đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao cảnh giác, thận trọng để theo dõi, sàng lọc các ca bệnh mãn tính, tránh ca sởi lọt vào bệnh mãn tính. Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu hô hấp cũng như người thân chăm sóc trẻ mắc bệnh cần phải đeo khẩu trang”.

Để tạo miễn dịch, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng cần tiêm bù cho trẻ chưa tiêm vaccine trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng. “Ðể chủ động phòng bệnh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa bệnh sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại sởi mũi 2 và rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi, theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại các trạm y tế. Hiện tại, Vĩnh Long đủ vaccine tiêm ngừa sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, cha mẹ nếu không nhớ con mình tiêm hay chưa, hoặc làm mất sổ tiêm chủng thì liên hệ với trạm y tế (nơi tiêm) để trạm tra cứu trên hệ thống thông tin tiêm chủng và tiêm đủ liều vaccine phòng bệnh cho con”- BS Thu Hằng khuyến cáo.

BS.CK2 Dư Tuấn Quy- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận định, thông thường dịch sởi sẽ quay trở lại theo chu kỳ 4-5 năm/lần. Đợt dịch gần nhất xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh là vào năm 2019 nên dịch sởi năm nay có thể diễn biến phức tạp. Tiêm vaccine là biện pháp duy nhất để phòng bệnh, từ đó không lây truyền cho những người xung quanh. “Những ca có bệnh nền, cha mẹ nên đưa trẻ đến tiêm ở bệnh viện chuyên khoa nhi- nơi sẽ có những phòng khám sàng lọc, đánh giá cụ thể tình trạng trước tiêm. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cũng phải đi tiêm ngừa, bởi khi mắc bệnh chẳng những có nguy cơ cho mẹ mà có thể dọa sẩy thai, con sinh non, nhẹ ký”- BS Tuấn Quy khuyến cáo.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh