Sức khỏe và thuốc lá:
Phẫu thuật lấy kén khí khổng lồ hiếm gặp

15:07, 11/09/2024
Kén khí khổng lồ được các bác sĩ lấy khỏi lồng ngực ông T.V.T.
Kén khí khổng lồ được các bác sĩ lấy khỏi lồng ngực ông T.V.T.

BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt kén khí phổi khổng lồ cho người đàn ông thường xuyên đau tức ngực. Theo bác sĩ, nguyên nhân chủ yếu gây ra kén khí phổi bao gồm hút thuốc lá, các bệnh phổi mạn tính như COPD, hen phế quản, và xơ phổi. Đáng lưu ý, người đàn ông này có tiền sử hút thuốc lá trên 20 năm.

Trước đó, ông T.V.T. (53 tuổi, tỉnh Đồng Tháp) đến khám tại BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ vì cảm thấy đau lói vùng ngực trái, tình trạng đau trở nên nghiêm trọng hơn, kèm theo khó thở kể cả khi nghỉ ngơi, gần một tháng nay.

Tại đây, kết quả CT scan lồng ngực cho thấy ông T. có một kén khí phổi kích thước lớn khoảng 11x12cm trong phổi trái. Sau khi hội chẩn với các chuyên khoa, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt kén khí.

Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 2 giờ, trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện kén khí khổng lồ đã chèn ép nhiều vùng phổi lành. Toàn bộ kén khí đã được các bác sĩ loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi.

Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của ông ổn định, đau lói ngực và khó thở đã được cải thiện rõ rệt, phổi giãn nở tốt. Hiện, ông T. có thể vận động và sinh hoạt bình thường, được xuất viện.






Sau phẫu thuật, ông T. ổn định, hiện ông có thể vận động và sinh hoạt bình thường, được xuất viện.
Sau phẫu thuật, ông T. ổn định, hiện ông có thể vận động và sinh hoạt bình thường, được xuất viện.

BS.CKI Dương Hải Minh- Khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết, kén khí phổi là một bệnh lý thường gặp của hệ hô hấp, do sự giãn nở bất thường của các tiểu phế quản, dẫn đến hình thành bóng khí của bề mặt hoặc bên trong mô phổi.

Các nguyên nhân chủ yếu gây ra kén khí phổi bao gồm hút thuốc lá, các bệnh phổi mạn tính như COPD, hen phế quản, và xơ phổi. Với kén khí có kích thước lớn thể phát triển và gây ra biến chứng như chèn ép phần phổi, xẹp phổi, nhiễm trùng kén khí, và viêm phổi tái phát. Nguy hiểm hơn kén khí có thể vỡ, gây chảy máu và tràn khí màng phổi, dẫn đến suy hô hấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Qua trường hợp này, BS Hải Minh khuyến cáo người dân nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế có đầy đủ thiết bị kỹ thuật, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh phổi như hút thuốc lá và các bệnh phổi mạn tính, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh