Đại biểu tham quan các sản phẩm tại buổi tổng kết Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XIII. |
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Vĩnh Long đã nuôi dưỡng và phát hiện nhiều ý tưởng hay về ứng dụng khoa học công nghệ. Qua 13 năm tổ chức, cuộc thi thật sự là sân chơi bổ ích khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của các em học sinh, từ đó cho ra đời nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ thực tiễn cuộc sống.
Vừa qua, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Sở GD-ĐT, Tỉnh Đoàn cùng các đơn vị có liên quan tổ chức tổng kết, trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Vĩnh Long lần thứ XIII, năm học 2023-2024 đồng thời phát động cuộc thi lần thứ XIV, năm học 2024-2025.
Theo đánh giá của BTC, qua 13 năm tổ chức, cuộc thi đã đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả mong đợi. Với tính chất tạo nền kỹ năng nghiên cứu sáng tạo, cuộc thi góp phần tạo sân chơi trí tuệ hết sức cần thiết, bổ ích cho học sinh đồng thời là hành trang cho các em trên con đường học tập và nghiên cứu sau này.
Trong năm học 2023-2024, BTC Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XIII đã tiếp nhận hơn 10.200 sản phẩm ở cả 3 cấp học, giảm 791 sản phẩm so với cuộc thi lần trước đó. Mặc dù số lượng sản phẩm dự thi có giảm nhưng về chất lượng thì ngày càng được nâng lên.
Trong đó, có nhiều sản phẩm mang tính mới, tính sáng tạo, có thể ứng dụng phục vụ đời sống và góp phần giải quyết các vấn đề thời sự như các thiết bị thông minh trong gia đình báo cháy, báo trộm, vấn đề nước nhiễm mặn, đuối nước ở trẻ nhỏ, các mặt hàng góp phần quảng bá cho du lịch địa phương. Ngoài ra, các lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập và dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi trẻ em chiếm đa số do gần gũi với học sinh, dễ thực hiện.
Một trong những sản phẩm tiêu biểu của Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm học 2023-2024 là “Dụng cụ hỗ trợ học tập đa năng thông minh” của em Lương Nguyễn Cát Tường (lớp 5/1, Trường Tiểu học Nguyễn Du, TP Vĩnh Long). Sản phẩm này đã đạt giải nhì tại cuộc thi và được BTC đánh giá cao vì tính gần gũi và ứng dụng thiết thực trong đời sống sinh hoạt, học tập hàng ngày của các em học sinh, đặc biệt mang tính mới và sáng tạo cao.
“Em nghĩ ra ý tưởng làm sản phẩm dụng cụ hỗ trợ học tập đa năng thông minh để giúp các bạn cảm thấy thoải mái, hứng thú khi ôn bài tại nhà sau một ngày học tập căng thẳng ở trường. Sản phẩm này sẽ hỗ trợ về ánh sáng, quạt mát, ngồi đúng tư thế, đuổi côn trùng,… với chế độ tự động tắt/mở, giúp các bạn tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn”- em Lương Nguyễn Cát Tường chia sẻ về ý tưởng sáng tạo của mình.
Cô Huỳnh Nguyễn Lan Phương (giáo viên chủ nhiệm lớp 5/1, Trường Tiểu học Nguyễn Du) cho biết: “Tôi đã gợi ý cho Cát Tường ý tưởng tích hợp những chức năng, tiện ích vào trong sản phẩm sáng tạo này để tăng tính ứng dụng thực tế trong cuộc sống. Sản phẩm của em đã được thử nghiệm tại trường và cho phản hồi tốt. Những thành công của Cát Tường đã lan tỏa tình yêu nghiên cứu khoa học sáng tạo đến với các học sinh khác trong nhà trường”.
Phong trào sáng tạo thanh thiếu niên ở các khối THCS và THPT cũng được ban giám hiệu các trường duy trì phát động thường xuyên liên tục. Nhờ sự quan tâm cổ vũ, động viên và hướng dẫn tận tình của giáo viên bộ môn, tổ chức Đoàn và Tổng phụ trách Đội, nhiều học sinh đã mạnh dạn trình bày ý tưởng, từng bước nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao.
Em Lê Minh Nhựt (lớp 9/6, Trường THCS Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Khi trường phát động cuộc thi, em nảy sinh ý tưởng phát minh ra máy hỗ trợ cải tạo đất phèn để mang lại hiệu cao hơn cho người dân trong canh tác. Chức năng chính của máy là sẽ vừa cày, vừa phun vôi phía sau, được kết nối với bluetooth. Nhờ vậy, người dân có thể chủ động điều khiển từ xa mà không cần trực tiếp tiếp xúc với vôi, từ đó bảo vệ sức khỏe cho mình, đặc biệt hiệu quả sản xuất cũng sẽ cao hơn so với cách làm truyền thống”.
Ông Thái Văn Tào- Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, cho biết: “So với trước đây, đã có nhiều sản phẩm mang tính mới và sáng tạo cao ở nhiều lĩnh vực nhờ sự đổi mới của ngành giáo dục về phương pháp thực hành và trải nghiệm, nhất là ứng dụng các công nghệ IOT và AI. Từ đó, các em có điều kiện tiếp cận công nghệ và nảy sinh ý tưởng mới, tạo ra sản phẩm có thể ứng dụng phục vụ đời sống. BTC cũng mong các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có sự hỗ trợ hơn nữa để các sản phẩm của các em có thể tham gia chương trình OCOP, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Cuộc thi thật sự là sân chơi bổ ích ươm mầm những tài năng trẻ của tỉnh. |
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XIII, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh, sản phẩm dự thi của các em có thể chưa thật sự hoàn thiện nhưng đó là những ý tưởng chứng minh cho quá trình học tập nghiêm túc, năng lực tư duy độc lập, yêu khoa học và đam mê sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Bên cạnh đó, thầy cô cần quan tâm, tạo điều kiện cho các em phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo trên cơ sở những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được qua quá trình tham gia cuộc thi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các em sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện và tích cực nghiên cứu để có thể trở thành những nhà khoa học, những công dân trẻ cống hiến nhiều hơn cho tỉnh nhà trong tương lai. Về phía lãnh đạo tỉnh, sẽ ủng hộ và tạo mọi điều kiện để những ý tưởng, giải pháp có giá trị về mặt khoa học của các em học sinh được đầu tư phát triển và phổ biến ứng dụng phục vụ đời sống.
Mong rằng từ sân chơi trí tuệ này, các em học sinh sẽ hiện thực hóa ý tưởng của mình đồng thời tiếp thu thêm nhiều kiến thức giá trị và hình thành nhiều kỹ năng tư duy sáng tạo. Từ đó, cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị về khoa học kỹ thuật và mang tính ứng dụng cao, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội một cách hiệu quả.
Có tổng cộng 42 sản phẩm đạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XIII, năm học 2023-2024. Trong đó, 2 giải nhất thuộc về tác giả Lưu Khánh Nguyên (lớp 5/5, Trường Tiểu học Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình) với sản phẩm “Hệ thống tự động điều khiển từ xa chống rò rỉ và vỡ ống nước” và nhóm tác giả Huỳnh Minh Trọng, Trần Ngọc Trâm (lớp 10A1, Trường THPT Trà Ôn, huyện Trà Ôn) với sản phẩm “Hệ thống cống thông minh dùng trong nông nghiệp”. Ngoài ra, BTC còn trao 7 giải nhì, 9 giải ba, 24 giải khuyến khích và chọn 20 sản phẩm có điểm số cao nhất gửi tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ XX, năm 2024. |
Bài, ảnh: PHẠM PHONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin