Ðảm bảo học sinh, sinh viên được chăm sóc sức khỏe toàn diện. |
BHYT học sinh (HS), sinh viên (SV) không chỉ giúp bản thân, gia đình các em được chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm gánh nặng kinh tế khi không may gặp rủi ro về sức khỏe mà còn mang tính sẻ chia trong cộng đồng.
“Lá chắn” bảo vệ sức khỏe
Đối với các HSSV- đối tượng chưa tạo ra thu nhập hoặc tạo ra rất ít- để đóng góp cho gia đình thì BHYT thể hiện vai trò rõ rệt mỗi khi các em đau ốm. Gánh nặng tài chính tất yếu được giảm bớt, nhất là với những căn bệnh phải điều trị dài ngày.
Nhờ tham gia BHYT, nhiều HSSV bị ốm đau đã được điều trị, chăm sóc tốt tại các cơ sở y tế, với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, gia đình giảm bớt gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh (KCB).
Chẳng hạn, một HS ở xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình KCB ngoại trú và điều trị nội trú bằng BHYT 24 lần trong năm 2021 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, BVĐK tỉnh Vĩnh Long và BVĐK TP Cần Thơ với các chẩn đoán chính: thông liên thất (phần màng), nhiễm trùng huyết do candida, hở van động mạch chủ do thấp (nặng 4/4), viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp và bán cấp (áp xe gốc động mạch chủ)… Chi phí mà Quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân này là 1,18 tỷ đồng.
Trong năm 2023, em N.T.M.N. (12 tuổi, huyện Bình Tân) KCB tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh bị cùng lúc nhiều bệnh nặng được BHYT chi trả trên 300 triệu đồng.
Theo ông Ngô Tuấn Anh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long, trong năm học 2023-2024, tổng số HS trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT đạt tỷ lệ 99,75%, đạt cao hơn năm liền kề trước đó (99,23%). Trong đó khối tiểu học đạt 99,81%, khối THCS 99,83%, khối THPT 99,52%. Toàn tỉnh có 220/266 trường thu đạt 100%; đối với cấp huyện, có 6 địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 99,9%, trong đó huyện Trà Ôn có tỷ lệ tham gia đạt 99,97%. Kết quả này là sự nỗ lực của ngành GD-ĐT trong phối hợp thực hiện với ngành BHXH, sự hưởng ứng tích cực của các bậc phụ huynh HSSV…
Điều đó thể hiện nhận thức của các bậc phụ huynh về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT cho con em đã được nâng cao. Nhiều phụ huynh chuyển từ quan niệm chỉ tham gia BHYT lúc ốm đau sang tâm thế chủ động tham gia BHYT ngay từ khi các con đang khỏe mạnh- coi đó là cách tốt nhất để phòng ngừa, ứng phó rủi ro và góp phần chia sẻ với cộng đồng thông qua việc tham gia BHYT.
Anh Phan Thanh Tuấn (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) cho biết: “Cứ đầu năm học là giáo viên chủ nhiệm thông báo mức đóng BHYT và tôi luôn đóng cho 2 con. Có BHYT phòng khi không khỏe và cũng là chia sẻ cho những trường hợp không may mắc bệnh”.
Hướng tới 100% HSSV tham gia BHYT
Theo ông Ngô Tuấn Anh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh, trong năm học mới 2024-2025, theo nghị quyết của HĐND tỉnh, toàn tỉnh cần đạt 100% HSSV tham gia, để đóng góp vào mục tiêu gia tăng độ bao phủ BHYT toàn dân của tỉnh. Vì vậy, lãnh đạo BHXH tỉnh mong muốn ban giám hiệu và giáo viên các trường tiếp tục chung tay thực hiện chính sách BHYT học đường.
Tại các trường tiểu học, THCS, THPT, giáo viên chủ nhiệm tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở HS về chính sách BHYT, đồng thời triển khai mức đóng đến phụ huynh để tiếp tục tham gia cho các em. Để tạo điều kiện cho HSSV, ngoài hỗ trợ 30% mức đóng, phương thức đóng cũng linh hoạt từ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng hoặc 15 tháng để các em lựa chọn.
5 năm học liền, từ năm 2019 đến nay, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (TP Vĩnh Long) đều phấn đấu vận động đạt 100% HS tham gia BHYT đúng quy định. Năm học 2023-2024, trường có 751 HS. Điều kiện, hoàn cảnh của các em khác nhau, tuy số đông là con các gia đình quan tâm đến việc học của con em nhưng vẫn còn nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn (34 HS) nên đầu năm học không đủ chi phí trang trải để các em đến trường. Do đó, trường đã vận động nhiều nguồn lực hỗ trợ các em, trong đó có vận động tặng thẻ BHYT.
Theo BHXH tỉnh Vĩnh Long, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT của tỉnh hàng năm có nâng lên và hiện đạt hơn 98%, trong đó, 99,75% HS tham gia, còn SV chỉ đạt hơn 79%. Song, vẫn còn một bộ phận nhỏ HSSV chưa nhận thức được đầy đủ về quyền lợi, tính nhân văn của chính sách BHYT HSSV nên chưa tham gia BHYT (chủ yếu là nhóm HSSV từ năm thứ 2 trở lên của các trường ĐH, CĐ và dạy nghề).
Điều này khiến các em đánh mất cơ hội được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe từ chính sách BHYT. Nhất là với các em khi không may mắc bệnh hiểm nghèo, nếu không có thẻ BHYT, có thể gia đình các em sẽ phải đối mặt với gánh nặng chi phí điều trị lớn, làm ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình cũng như quá trình KCB của các em.
Năm học 2024-2025, BHYT dành cho HSSV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tiếp tục được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng; thủ tục đăng ký đơn giản, tiện lợi, được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực khi bị ốm đau… BHYT thật sự là “điểm tựa” trong lúc khó khăn, giúp HSSV có cơ hội được điều trị bệnh và tiếp tục trở lại học tập.
Ông Ngô Tuấn Anh cho biết: “Ngành BHXH tiếp tục tăng cường truyền thông về BHYT HSSV. Công tác này luôn được nhà trường và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; góp phần nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến tích cực. Qua đó, từng phụ huynh và mỗi HSSV nhận thức sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHYT, hiệu quả KCB BHYT với HSSV… tạo sự đồng thuận để tất cả HSSV tham gia BHYT, góp phần thực hiện BHYT toàn dân”.
Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Long có 17 xã thuộc xã an toàn khu được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí và hưởng 100% chi phí KCB. Ngoài ra, thực hiện theo Nghị định số 75/2023/NÐ-CP, người dân sống trên địa bàn những vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 70% mức đóng BHYT. Những chính sách này sẽ tạo thuận lợi trong thực hiện công tác BHYT HSSV trên địa bàn tỉnh. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin