Vĩnh Long thuộc nhóm 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp

05:51, 20/08/2024

(VLO) Vĩnh Long được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất trong cả nước. Để đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế, Vĩnh Long đẩy mạnh tuyên truyền vận động những gia đình có 1 con và đang trong độ tuổi sinh đẻ nên sinh đủ 2 con.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh thăm, chúc mừng sản phụ sinh con dịp Tết Nguyên đán 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh thăm, chúc mừng sản phụ sinh con dịp Tết Nguyên đán 2024.

Mức sinh có cải thiện nhưng vẫn còn thấp hơn mức sinh thay thế

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đạt mức sinh thay thế nhưng giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể.

Trong đó, có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế (chiếm 19% dân số); 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (chiếm 42% dân số) và 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (chiếm 39% dân số).

Theo đó, vùng có mức sinh thấp gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

Các tỉnh ĐBSCL hiện có mức sinh 1,8 con/phụ nữ. Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đang nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, tốc độ gia tăng dân số có xu hướng chậm lại.

Theo Chi cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình tỉnh, dù mức sinh ở Vĩnh Long có cải thiện, từ 1,63 con/phụ nữ năm 2010 tăng lên 1,81 con/phụ nữ năm 2019 và đạt 1,86 con/phụ nữ năm 2023, song vẫn còn thấp hơn so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con trên mỗi phụ nữ).

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, để các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, thực hiện mục tiêu về chính sách dân số của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới, không chỉ riêng ngành dân số mà các gia đình, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương phải cùng vào cuộc.

Đẩy mạnh nhiều biện pháp tuyên truyền vận động có trọng tâm trọng điểm, đặc biệt là những gia đình có 1 con và đang trong độ tuổi sinh đẻ nên những năm qua, mức sinh ở Vĩnh Long có chiều hướng tăng lên rõ rệt.

Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030 là 1,99 con/phụ nữ. Ảnh minh họa
Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030 là 1,99 con/phụ nữ. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, số trẻ em sinh ra trong 6 tháng đầu năm 2024 là 5.321 trẻ so với cùng kỳ tăng 873 trẻ (cùng kỳ 4.448 trẻ). Để đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế, Vĩnh Long phấn đấu trong năm 2024 đạt 1,87 con/phụ nữ, năm 2025 là 1,88 con/phụ nữ và đến năm 2030 là 1,99 con/phụ nữ.

“Ngành tiếp tục củng cố và kiện toàn hệ thống cộng tác viên dân số để tiếp cận người dân, tư vấn định hướng kịp thời để các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; sẽ tiếp tục đề xuất kiến nghị sửa đổi một số nội dung ví dụ như giảm mức xử phạt đối với sinh con thứ 3 trở lên.

Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị các giải pháp khen thưởng cho các cặp vợ chồng dưới 35 tuổi sinh đủ con và có đề xuất hỗ trợ cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con”- Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Nhiều chính sách khuyến khích sinh con

Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con. TP Hồ Chí Minh đang là một trong những địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước.

Hiện số con trung bình của một phụ nữ TP Hồ Chí Minh trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42, giảm ở mức cảnh báo.

Sản phụ sinh con tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long.
Sản phụ sinh con tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long.

Trước đó, kiến nghị gửi Bộ Y tế trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, cử tri TP Hồ Chí Minh đề nghị có biện pháp cụ thể để nâng tỷ lệ sinh ở các vùng đô thị, không để tình trạng già hóa dân số, từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian sắp tới.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Xu hướng mức sinh giảm, ngoài tác động về quy mô dân số còn dẫn đến tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỷ trọng người già tăng lên.

Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Trong đó, bãi bỏ tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ 2 con trước tuổi 35.

Sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Nhiều tỉnh, thành cũng áp dụng chính sách thưởng tiền để khuyến khích sinh, như Long An, Bạc Liêu, Hậu Giang...

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết các địa phương nghiên cứu, thí điểm, nhân rộng dịch vụ đưa đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sĩ gia đình.

Địa phương quy hoạch xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị.

Hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con được mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em. Ngoài ra còn có chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình.

Từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ 2 con. Chính sách cũng nhằm tuyên truyền các yếu tố bất lợi của việc kết hôn và sinh con quá muộn, sinh ít con đối với phát triển kinh tế- xã hội, đối với gia đình và chăm sóc cha mẹ khi về già.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh