Lao động (LĐ) nữ và bảo đảm bình đẳng giới (BĐG), những quy định riêng đối với LĐ nữ và bảo đảm BĐG được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, theo Bộ luật LĐ 2019 số 45/2019/QH14, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
(VLO) Lao động (LĐ) nữ và bảo đảm bình đẳng giới (BĐG), những quy định riêng đối với LĐ nữ và bảo đảm BĐG được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, theo Bộ luật LĐ 2019 số 45/2019/QH14, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Người lao động nữ tham gia phiên giao dịch việc làm tổ chức cho học sinh THPT và người lao động 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, hồi tháng 3/2024. |
Theo Bộ luật LĐ 2019, tại Chương X: Những quy định riêng đối với LĐ nữ và bảo đảm BĐG, có 8 điều (từ Điều 135-142).
Theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật LĐ về điều kiện LĐ và quan hệ LĐ, tại Chương IX: LĐ nữ và bảo đảm BĐG, trong 4 mục có 14 điều (từ Điều 74-87).
Theo Bộ luật LĐ 2019, tại Điều 135, chính sách của Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng của LĐ nữ, LĐ nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm BĐG và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Khuyến khích người sử dụng LĐ tạo điều kiện để LĐ nữ, LĐ nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà.
Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện LĐ, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của LĐ nữ nhằm giúp LĐ nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống LĐ và cuộc sống gia đình.
Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng LĐ có sử dụng nhiều LĐ nữ theo quy định của pháp luật về thuế.
Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều LĐ. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho LĐ nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.
Nhiều người lao động, trong đó có lao động nữ tham gia một hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tại xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn), tháng 6/2024. |
Điều 136, trách nhiệm của người sử dụng LĐ là bảo đảm thực hiện BĐG và các biện pháp thúc đẩy BĐG trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.
Tham khảo ý kiến của LĐ nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.
Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc. Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người LĐ.
Từ Điều 137- 142 của Bộ luật LĐ 2019 quy định: bảo vệ thai sản; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng LĐ của LĐ nữ mang thai; nghỉ thai sản; bảo đảm việc làm cho LĐ nghỉ thai sản; trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai; nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.
Trong đó, Điều 142: Bộ trưởng Bộ Lao động-TB-XH ban hành danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con; người sử dụng LĐ phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người LĐ lựa chọn và phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh LĐ cho người LĐ theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục quy định tại khoản 1 điều này.
Trong Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, Điều 74 quy định người sử dụng LĐ có sử dụng nhiều LĐ nữ. Theo đó, người sử dụng LĐ có sử dụng nhiều LĐ nữ là người sử dụng LĐ thuộc một trong các trường hợp sau đây: sử dụng từ 10 LĐ nữ đến dưới 100 LĐ nữ, trong đó số LĐ nữ chiếm 50% trở lên so với tổng số LĐ; sử dụng từ 100 LĐ nữ đến dưới 1.000 LĐ nữ, trong đó số LĐ nữ chiếm 30% trở lên so với tổng số LĐ; sử dụng từ 1.000 LĐ nữ trở lên. Tại các Điều 75, 76, 77 quy định cụ thể nơi có nhiều LĐ; phòng vắt, trữ sữa mẹ; nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
Tại Mục 2 của chương này: Bảo đảm BĐG và những quy định riêng đối với LĐ nữ, có 6 điều (từ Điều 78-83) quy định: quyền làm việc bình đẳng của người LĐ, thực hiện các biện pháp bảo đảm BĐG; tăng cường phúc lợi và cải thiện điều kiện làm việc; chăm sóc sức khỏe đối với LĐ nữ; tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều LĐ; giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng LĐ về chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người LĐ; chính sách hỗ trợ người sử dụng LĐ.
Tại các Điều 84, 85, 86 trong Mục 3 của chương này: Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Mục 4: Trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách đối với LĐ nữ và BĐG, Điều 87 tổ chức thực hiện chính sách đối với LĐ nữ và bảo đảm BĐG, có 6 khoản.
Trong đó khoản 1: Bộ Lao động-TB-XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến các chính sách đối với LĐ nữ, bảo đảm BĐG và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Sở Lao động-TB-XH tỉnh Vĩnh Long dẫn số liệu niên giám thống kê cho biết, trên địa bàn tỉnh, LĐ từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 576.314 người, trong đó nữ là 262.410 người (chiếm 45,5%). Theo Sở Lao động-TB-XH, 6 tháng đầu năm 2024 đã giải quyết việc làm cho 18.402 LĐ, trong đó, LĐ nữ 9.169 người (chiếm 49,83%). |
Bài, ảnh: MINH THÁI