(VLO) Thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 24/3/2022 của HĐND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo (ĐT) trình độ CĐ, trung cấp đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022 đến 2025-2026, đã tạo điều kiện thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách dành cho ĐT lao động, góp phần giảm bớt gánh nặng học phí đối với người học, khuyến khích, thu hút học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề...
Qua đây, góp phần nâng chất tiêu chí lao động trong xây dựng NTM về tỷ lệ lao động qua ĐT và tỷ lệ lao động qua ĐT có bằng cấp, chứng chỉ.
Hiện các trường thực hiện Nghị quyết số 21 theo chỉ tiêu giao, nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo trình độ CĐ, trung cấp. |
Tuyển sinh gặp khó
Trường CĐ Nghề Vĩnh Long hiện đang ĐT trình độ CĐ, trung cấp, sơ cấp và thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học nghề và tuyển dụng của doanh nghiệp.
Theo ông Huỳnh Minh Hiệp- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long, việc thực hiện các chỉ tiêu đặt hàng ĐT theo Nghị quyết số 21 là 500 học sinh trình độ trung cấp, 100 sinh viên trình độ CĐ có hộ khẩu thường trú trong tỉnh còn gặp một số khó khăn.
Theo đó, chất lượng tuyển sinh đầu vào của học sinh học trung cấp còn thấp, vẫn còn tình trạng bỏ học giữa chừng. Kết quả tuyển sinh trình độ CĐ hàng năm đều đạt, nhưng số lượng sinh viên có hộ khẩu thường trú trong tỉnh không đủ theo chỉ tiêu được đặt hàng.
Trường CĐ Vĩnh Long hiện ĐT đa cấp và đa ngành. Chất lượng và số lượng các ngành nghề ĐT phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động.
Ông Trần Minh Tố- Hiệu trưởng Trường CĐ Vĩnh Long, cho hay: Cơ sở vật chất và trang thiết bị ĐT đáp ứng cơ bản điều kiện dạy và học của trường, nhưng theo quy định thì vẫn còn thiếu rất nhiều so với danh mục thiết bị ĐT tối thiểu của từng ngành nghề.
Hiện, công tác tuyển sinh chưa đạt được chỉ tiêu đặt ra, đặc biệt đối với trình độ CĐ, còn nhiều ngành chưa tuyển sinh được. Số học sinh, sinh viên nhập học giảm nhiều so hồ sơ đăng ký (trúng tuyển)...
Theo Sở Lao động-TB-XH, công tác tuyển sinh, ĐT CĐ, trung cấp giáo dục nghề nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đạt thấp so chỉ tiêu nghị quyết phê duyệt.
“Điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị ĐT ở nhiều ngành nghề còn thiếu, công nghệ lạc hậu; chưa triển khai thực hiện được chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập...
Ông Dương Quốc Thạnh- Trưởng Phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động-TB-XH, cho hay, trước đây nguồn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM cho phép thực hiện các hoạt động tuyên truyền.
Tuy nhiên, sau khi có Thông tư số 55, ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính về Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã không còn được sử dụng nguồn kinh phí này.
Cần thu hút, phân luồng học sinh
Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh, ông Huỳnh Minh Hiệp kiến nghị điều chỉnh kinh phí đặt hàng theo Quyết định số 19 ngày 13/7/2021 của HĐND tỉnh về Ban hành giá dịch vụ ĐT trình độ trung cấp, trình độ CĐ đối với 16 ngành nghề thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh, cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị theo đề án nâng cấp trường trung cấp lên thành Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.
Song song đó, hỗ trợ học phí sinh viên đối với một số ngành, nghề không được miễn, giảm để thu hút học sinh vào học, đảm bảo phân luồng học sinh sau THPT vào học CĐ. Đồng thời, cho chủ trương trích khấu hao trên nguồn thu được từ đặt hàng.
Ông Trần Minh Tố đề xuất, xem xét cấp kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các khóa tuyển sinh mới ngay từ đầu năm học, chậm nhất là trong tháng 10 hàng năm để trường kịp thời chi cho công tác giảng dạy, học tập.
Bên cạnh, sớm thực hiện thủ tục ban hành định mức ĐT đối với các ngành nghề để tăng số lượng các ngành, nghề được đặt hàng ĐT, giảm bớt những ngành nghề thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ.
Đồng thời, quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như cấp kinh phí xây sửa cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị ĐT đáp ứng quy định danh mục thiết bị ĐT tối thiểu cho từng ngành, nghề theo quy định.
Sở Lao động-TB-XH kiến nghị có giải pháp lãnh chỉ đạo, hỗ trợ huy động nguồn lực cho đầu tư tăng cường, mở rộng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị ĐT nhằm nâng cao năng lực, quy mô tuyển sinh, chất lượng ĐT cho các trường. Đồng thời, tiếp tục ban hành nghị quyết cho giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Đắc Phương- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh, lưu ý cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền, gia đình. Sơ kết đánh giá sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 21.
Bên cạnh, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp, đặc biệt là công tác phân luồng học sinh; thực hiện tốt các thông tư về mua sắm máy móc, trang thiết bị... phục vụ cho công tác ĐT, học tập; tham mưu bố trí nguồn ngân sách địa phương để đầu tư mua sắm theo năng lực ĐT và có thứ tự ưu tiên. Đồng thời, phối hợp với cơ sở giáo dục ngoài nhà nước để thực hiện các chính sách.
Bà Lê Thị Thúy Kiều- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, khuyến nghị tăng cường phối hợp tuyên truyền sâu rộng, định hướng, hướng nghiệp để phân luồng, thu hút học sinh.
Cùng với đó, quan tâm ĐT kỹ năng sống, kỹ năng làm việc theo tác phong công nghiệp. Đồng thời, phối hợp công ty, doanh nghiệp có uy tín để các em vào thực tập; thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường lao động để học viên nắm.
Ngoài dạy văn hóa, chuyên môn, cần phát triển công tác thanh niên để xây dựng ước mơ hoài bão, hướng đến lập thân, lập nghiệp... Đồng thời, nghiên cứu phát triển thêm ngành nghề theo nhu cầu thị trường, từ đó có chiến lược ĐT các ngành nghề hướng đến thị trường trong và nước ngoài.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin