Công nhân, người lao động được Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long tặng kinh phí mái ấm công đoàn. |
Trong mối quan hệ giữa người lao động (LĐ) và người sử dụng LĐ thì hợp đồng (HĐ) LĐ là cơ sở ràng buộc thể hiện sự thỏa thuận giữa người LĐ và người sử dụng LĐ về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện LĐ, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ LĐ.
Báo Vĩnh Long phỏng vấn bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH một số nội dung về thỏa thuận giữa người LĐ và người sử dụng LĐ xoay quanh việc thực hiện HĐLĐ.
* Nhiều người LĐ băn khoăn việc có được ký HĐLĐ với hai hoặc nhiều công ty khác nhau. Thưa bà, Bộ luật LĐ quy định việc này như thế nào và các quyền lợi của người LĐ ra sao?
- Theo Điều 19 Bộ luật LĐ 2019, người LĐ có thể giao kết nhiều HĐLĐ với nhiều người sử dụng LĐ, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết. Như vậy, người LĐ hoàn toàn có thể ký HĐLĐ với nhiều đơn vị cùng lúc.
Khi người LĐ đồng thời giao kết nhiều HĐLĐ với nhiều người sử dụng LĐ thì việc tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh LĐ. Cụ thể:
- BHXH (quỹ hưu trí, tử tuất): Đóng tại công ty ký HĐLĐ đầu tiên;
- BHXH (quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp): Đóng ở tất cả các công ty đã ký HĐLĐ (tuy nhiên người LĐ không cần phải đóng vào quỹ này mà người sử dụng LĐ sẽ đóng);
- Bảo hiểm thất nghiệp: Đóng tại công ty ký HĐLĐ đầu tiên;
- BHYT: Đóng tại công ty ký HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất.
* Có một số trường hợp, khi đã hết hạn HĐ cũ mà chưa ký kết HĐLĐ mới, người LĐ vẫn tiếp tục làm việc cho người thuê LĐ, thì quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định theo HĐ cũ hay mới, thưa bà?
- Theo quy định của pháp luật LĐ về các loại HĐ hợp pháp được pháp luật công nhận thì hiện nay có 2 loại HĐ: (1) HĐLĐ không xác định thời hạn là HĐ mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của HĐ; (2) HĐLĐ xác định thời hạn là HĐ mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của HĐ trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của HĐ.
Và theo quy định tại khoản 2, Điều 20 Bộ luật LĐ thì: Khi HĐLĐ có xác định thời hạn hết hạn mà người LĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; trong thời gian chưa ký kết HĐLĐ mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo HĐ đã giao kết (tức theo quy định của HĐ cũ).
Như vậy, trường hợp trên thuộc trường hợp giao kết HĐLĐ có xác định thời hạn.
Ngoài ra, luật cũng quy định: Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn mà hai bên không ký kết HĐLĐ mới thì HĐ đã giao kết có thời hạn sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn; trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là HĐLĐ xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu người LĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn, trừ HĐLĐ đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp cụ thể như:
(1) Khi sử dụng người LĐ cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn;
(2) Thời hạn của HĐLĐ đối với người LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của giấy phép LĐ. Khi sử dụng người LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn;
(3) Phải gia hạn HĐLĐ đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người LĐ là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người LĐ tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn HĐLĐ.
* Xin cảm ơn bà!
MINH THÁI (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin