“Chung tay tiêm chủng phòng chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh”

SÔNG TRĂNG
21:30, 28/08/2024
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường công tác tiêm chủng để phòng ngừa dịch bệnh trước thềm năm học mới.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường công tác tiêm chủng để phòng ngừa dịch bệnh trước thềm năm học mới.

Đây là chủ đề hội nghị trực tuyến toàn quốc hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng (TC) thế giới năm 2024” và phát động triển khai chiến dịch TC vaccine sởi trên toàn quốc được Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức vào chiều 22/8. Qua đó, kêu gọi các quốc gia, tổ chức hành động cần thiết để trẻ em, cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, giúp họ sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.

Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: “TC là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ TC vaccine mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Ước tính chương trình TC mở rộng trên toàn cầu phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm.

Chương trình TC mở rộng được đánh giá là một trong những chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam, nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, chính quyền các cấp. Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được TC miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong”.

Tại Việt Nam, hiện nay có 11 bệnh truyền nhiễm gồm lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, rubella, Rota được triển khai trong TC mở rộng. Kết quả của TC mở rộng đã góp phần quan trọng trong đạt thành quả thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005; giảm rõ rệt tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác TC đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nhiều loại dịch bệnh phức tạp xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ TC. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan và bùng phát.

Phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi trên toàn quốc

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học. Do đó, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các bậc cha mẹ hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, đưa trẻ đi TC đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo sức khỏe của chính bản thân trẻ, những người xung quanh và cả cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành thúc đẩy triển khai TC thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình TC mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả. Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được TC vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi TC vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Với chiến dịch tiêm vaccine sởi, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị xây dựng, ban hành kế hoạch TC bổ sung vaccine sởi- rubella, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm TC.

Các cơ sở tổ chức buổi TC và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau TC; tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động TC bổ sung vaccine sởi- rubella cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia TC vaccine.

Bà Silvia Danailov- Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, đánh giá, gián đoạn TC do ảnh hưởng của COVID-19 đã tác động tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi tại Việt Nam. “Dịch sởi đang có xu hướng bùng phát trở lại trong những tháng gần đây, lan rộng trên nhiều tỉnh, thành, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em khắp các vùng trên toàn quốc”- bà Silvia Danailov nhấn mạnh.

Kiến nghị tại hội nghị, đại diện của WHO tại Việt Nam cho rằng, để bảo vệ thành quả của chương trình TC mở rộng, trước hết cần tập trung ứng phó với nguy cơ do bệnh sởi gây ra. Riêng tại các địa phương có số ca nhiễm sởi tăng nhanh, WHO đặc biệt khuyến nghị công bố dịch để giúp kích hoạt và khai thác các nguồn lực hỗ trợ ứng phó trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch sử dụng một số loại vaccine mới như: vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, vaccine phòng bệnh do phế cầu, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung do HPV. Đồng thời xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung thêm các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác để có thêm cơ hội phòng bệnh cho Nhân dân. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đề nghị WHO, UNICEF, Liên minh toàn cầu về vaccine và TC tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho công tác TC mở rộng tại Việt Nam.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh