Nhu cầu sử dụng và lao động giúp việc gia đình tăng

01:07, 26/07/2024

Nhu cầu người sử dụng lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) tăng lên những năm gần đây, dẫn đến LĐGVGĐ cũng tăng lên tương ứng.

(VLO) Nhu cầu người sử dụng lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) tăng lên những năm gần đây, dẫn đến LĐGVGĐ cũng tăng lên tương ứng.

Phiên giao dịch việc làm tại 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, thu hút đông học sinh THPT đến định hướng nghề nghiệp, và người LĐ đến tìm việc, trong đó có giúp việc gia đình.
Phiên giao dịch việc làm tại 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, thu hút đông học sinh THPT đến định hướng nghề nghiệp, và người LĐ đến tìm việc, trong đó có giúp việc gia đình.

Theo Sở Lao động-TB-XH, báo cáo tình hình thực hiện quy định pháp luật lao động (LĐ) về LĐGVGĐ trên địa bàn, năm 2021, số người sử dụng LĐGVGĐ là 1.869 người; tương ứng số LĐGVGĐ là 1.869 người.

Năm 2022, số này tương ứng là 2.309/2.309 người; năm 2023 là 2.514/2.514 người; 3 tháng đầu năm 2024 số người sử dụng LĐGVGĐ là 2.513 người và số LĐGVGĐ cũng là số trên.

Đa số người sử dụng LĐ thuê người LĐGVGĐ làm việc theo giờ nên thường không giao kết hợp đồng LĐ bằng văn bản, chỉ số ít làm việc theo tháng và làm cho một người sử dụng LĐ (như chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già, làm vườn) thì có giao kết hợp đồng LĐ bằng văn bản (chiếm 2,3).

Người sử dụng LĐ vẫn đảm bảo tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bố trí chỗ ăn ở cho người LĐ.

Đánh giá việc chấp hành, tuân thủ quy định pháp luật LĐ của người LĐ, đa số người LĐGVGĐ làm việc theo giờ và làm việc cho nhiều người sử dụng LĐ nên thường giao kết hợp đồng LĐ bằng lời nói để thỏa thuận về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ lương thưởng để họ có được những quyền lợi mong muốn theo sự thỏa thuận cá nhân của đôi bên.

Về trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước tại địa phương. Thực hiện Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện LĐ và quan hệ LĐ, Sở Lao động-TB-XH đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về LĐ để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, sở đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND, ngày 4/5/2024 về việc triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người LĐ và người sử dụng LĐ đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về LĐ giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh.

Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền phổ biến pháp luật LĐ, trong đó có LĐGVGĐ. Đến nay, đã tổ chức 8 cuộc tập huấn cho trên 1.566 lượt cán bộ làm công tác LĐ ở cơ sở. Từ 2021 đến nay, chưa phát sinh các cuộc tranh chấp LĐ giữa người sử dụng LĐ và người LĐGVGĐ trên địa bàn tỉnh.

Sở Lao động-TB-XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm hỗ trợ đăng thông tin tuyển dụng LĐ cho người sử dụng LĐ và giới thiệu việc làm cho LĐGVGĐ; kết nối cung- cầu LĐ thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm để người sử dụng LĐ tuyển được người giúp việc đáp ứng yêu cầu và người giúp việc tìm được việc làm phù hợp với bản thân.

Từ năm 2021 đến tháng 3/2024, trung tâm đã đăng 39 thông tin tuyển dụng LĐGVGĐ, trông trẻ, chăm sóc người già, giới thiệu việc làm cho 97 người, kết nối việc làm thành công 24 người.

Những năm qua, thuận lợi là Trung ương đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo quyền làm việc bình đẳng của LĐGVGĐ trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, an toàn LĐ, cải thiện điều kiện LĐ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của người LĐ...

Giúp việc gia đình đã mang lại thu nhập tương đối ổn định cho nhiều LĐ, đặc biệt là LĐ nữ ở nông thôn có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp ổn định.

Tuy nhiên trên thực tế, các hộ gia đình khi thuê mướn giúp việc gia đình đều không có ký kết hợp đồng LĐ vì chủ yếu người thân, dòng họ bà con và những người LĐ lớn tuổi, làm việc theo giờ.

Do một phần chưa am hiểu về pháp luật, phần còn lại họ muốn nhận mức lương trả theo giờ hoặc khoán. Bên cạnh đó khi người sử dụng LĐ thuê mướn người LĐ thì không thông báo cho chính quyền địa phương được biết nên dẫn đến công tác quản lý còn gặp khó khăn.

LĐ là người giúp việc gia đình được quy định tại Mục 5 của Chương XI trong Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, từ Điều 161 đến Điều 165. Tại Điều 161 về LĐ là người giúp việc gia đình: LĐ là người giúp việc gia đình là người LĐ làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.

Trong Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, tại Chương X về những quy định riêng đối với LĐ là người giúp việc gia đình, từ Điều 88 đến Điều 91 đã quy định cụ thể LĐ là người giúp việc gia đình, nghĩa vụ của người sử dụng LĐ, người LĐ, trách nhiệm quản lý LĐ là người giúp việc gia đình.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh