Giao thông xanh cho đô thị

11:07, 31/07/2024

Có rất nhiều quan điểm về giao thông xanh (GTX), trong đó quan điểm chủ đạo cho rằng GTX là hình thức sử dụng các phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng hạn chế khí thải CO2 và các loại khí khác gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.

 

Có rất nhiều quan điểm về giao thông xanh (GTX), trong đó quan điểm chủ đạo cho rằng GTX là hình thức sử dụng các phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng hạn chế khí thải CO2 và các loại khí khác gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Các phương tiện GTX gồm: xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG, hoặc xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió…

Nhiều quốc gia trên thế giới như: Hà Lan, Trung Quốc... đã phát triển GTX theo hình thức khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thay cho các loại xe cơ giới. Một số thành phố lớn của Trung Quốc đã cấm hoàn toàn xe máy.

Tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội, những năm gần đây cũng đã chú trọng phát triển loại hình giao thông này với việc đưa hệ thống xe buýt điện vào hoạt động, được đông đảo người dân hưởng ứng. Cụ thể, đầu năm nay, Sở GT-VT TP Hà Nội đã khánh thành thí điểm tuyến đường ưu tiên dành cho xe đạp trên địa bàn thủ đô. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ là cơ sở để tạo thói quen sử dụng vận tải hành khách công cộng, GTX cho người dân Hà Nội.

Tại TP Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ cũng được chọn tiên phong, định hướng mục tiêu phát triển đến năm 2030 là xây dựng và phát triển thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường...

Ngoài ra, các địa phương này đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển GTX trong thời gian tới, với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh.

Theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với giao thông đến năm 2050 mục tiêu 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh; đồng thời hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

Không chỉ các thành phố lớn, mục tiêu này đang được nhiều địa phương đẩy mạnh thực hiện, bởi đó không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhiệm vụ cấp bách trong việc xây dựng phát triển bền vững cho các đô thị trong tương lai.

N.HOÀNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh