Nỗi lo mất an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố

01:06, 07/06/2024

Thời gian gần đây ở nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm (TP) ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người. Để bảo vệ sức khỏe người dân, Vĩnh Long đang đẩy mạnh các biện pháp chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng TP không an toàn và các bệnh truyền nhiễm qua đường TP.

 

Các hộ kinh doanh cần tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Các hộ kinh doanh cần tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thời gian gần đây ở nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm (TP) ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người. Để bảo vệ sức khỏe người dân, Vĩnh Long đang đẩy mạnh các biện pháp chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng TP không an toàn và các bệnh truyền nhiễm qua đường TP.

Thuận tiện và rẻ

Thức ăn đường phố (TAĐP) từ lâu đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân. Dạo quanh các quán “nằm vùng” rải rác ở các đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Huệ, Phạm Thái Bường, Bạch Đàn, đặc biệt ở gần trường học, KCN Hòa Phú, các bệnh viện;… vào những buổi sáng hay giờ tan tầm, đâu đâu chúng tôi cũng dễ dàng nhìn thấy có rất nhiều hàng quán, xe bán bánh mì, cơm, hủ tiếu gõ; hải sản và các loại nước uống được bày bán ngay vỉa hè, sát lòng lề đường.

Hay những hẻm trên địa bàn TP Vĩnh Long đều được người bán trưng dụng kê vài cái bàn nhỏ để bán hủ tiếu, cháo lòng, bún riêu, bún thịt nướng,... Ngon, rẻ, mát mẻ, đó là lý do khiến nhiều người (đặc biệt là người lao động, sinh viên) luôn chọn các hàng quán vỉa hè để tụ tập, ăn uống. Song, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh TP hầu như ít được người bán quan tâm.

Đa phần ở các hàng quán này nếu thực khách nhìn vào chỗ rửa chén, rửa rau thì hỡi ôi... chén, tô, đũa sau khi sử dụng xong hầu hết chỉ được tráng 1 vài nước qua loa rồi lại dùng tiếp cho khách sau. Nước thải, đồ ăn thừa được vô tư xả xuống cống thoát nước bên cạnh. Còn người bán hàng thì không biết đến các quy trình về thực hành an toàn TP.

Chị Nguyễn Như Anh (Phường 2, TP Vĩnh Long) bức xúc: “Chị mua hủ tiếu trong hẻm khá đông khách. Do hết thịt, cô bán cầm thịt sống xắt trên tấm thớt nãy vừa xắt thịt chín. Rồi bàn tay đó bốc hành, rau sống, lấy tiền thối. Chị có nhắc cô làm vậy không đúng cách, thịt sống chín xắt chung dễ nhiễm khuẩn, ngộ độc. Cô có vẻ khó chịu, nói chan nước súp sôi là được rồi. Chị lỡ mua, trả tiền cho xong nhưng hộp hủ tiếu đó chị không ăn và chị không ghé quán đó ăn nữa”.

Người bán nhiều, người mua không ít nhưng chất lượng, an toàn TP của TAĐP lại gần như bị bỏ ngỏ, bởi đây là loại hình kinh doanh tự do, người bán không cần đăng ký, không cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh TP. TAĐP được bày bán, chế biến tại chỗ trên một chiếc xe đẩy, một góc vỉa hè trong điều kiện nước rửa hạn chế và dụng cụ chế biến không đủ vệ sinh; thức ăn không được che chắn, điều kiện bảo quản không đảm bảo sẽ dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc TP.

Anh Lê Văn Tùng (công nhân may ở KCN Hòa Phú) cho biết: “Bữa sáng, hay chiều tan ca công nhân tụi tui nếu không kịp thời gian ăn nhà thì ăn ở mấy hàng rong này cho tiện vì rẻ, nhanh. Và thường xuyên mua đồ ăn sống bán ở quanh KCN về nấu, chứ không quan trọng lắm về an toàn TP. Nhưng dù sao cũng hy vọng, người bán có lương tâm để tụi tui nhờ”.

Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm

Xác định dịch vụ ăn uống, TAĐP thường tiềm ẩn những mối nguy về mất an toàn TP, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn TP từ tỉnh đến cơ sở đang đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn TP tại các điểm kinh doanh này. Qua đó, đã giúp người mua bán TP nhận thức rõ hơn vấn đề đảm bảo an toàn TP cho người tiêu dùng và nhận ra những hạn chế đang mắc phải trong việc chế biến kinh doanh TP để có hướng khắc phục. 

Chị Nguyễn Ngọc Tuyền (chủ quán cơm phần ở Phường 8, TP Vĩnh Long) cho biết: “Đoàn đến kiểm tra quán thì cũng mắc một số lỗi như che chắn côn trùng, bảo hộ cho nhân viên chưa đầy đủ do quán làm nhiều món nên có nhiều chỗ mua không có hóa đơn, tới đây tôi sẽ mua những chỗ có hóa đơn chứng từ khắc phục những lỗi đoàn đã nhắc nhở”.

Song song với công tác kiểm tra, hoạt động truyền thông về an toàn TP, phòng chống ngộ độc TP luôn được các ngành chuyên môn duy trì và đẩy mạnh bằng nhiều hình thức tuyên truyền đến những người sản xuất kinh doanh TP. Từ đó, việc chấp hành các quy định về an toàn TP của những người chế biến kinh doanh TP có sự chuyển biến tích cực. Từ năm 2023 đến nay, Vĩnh Long không ghi nhận trường hợp ngộ độc TP xảy ra trên địa bàn.

Bà Phan Thị Thu Thủy (dịch vụ ăn uống ở Phường 8, TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi mua bán ở đây cũng lâu rồi cũng nghe tuyên truyền về an toàn TP nên cũng khám sức khỏe định kỳ, mua TP rõ nguồn gốc, chế biến bảo đảm an toàn TP, tô chén dĩa rửa lau chùi để trong tủ kiếng, thức ăn bày ra bán có đồ đậy để bảo đảm an toàn”.

Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 5.000 cơ sở kinh doanh TAĐP, chưa bao gồm các địa điểm ở chợ. Tuy nhiên, do các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống phần lớn nhỏ lẻ, mua bán ven đường, bán theo mùa, theo thời điểm nên vẫn còn một số điểm mua bán chưa chấp hành tốt các quy định về an toàn vệ sinh TP cũng như những biện pháp phòng chống ngộ độc TP và các bệnh truyền nhiễm qua đường TP.

Thức ăn đường phố rất khó kiểm soát chất lượng, người tiêu dùng cần lựa chọn cho mình những hàng quán sạch sẽ, thức ăn chế biến phải đảm bảo an toàn.
Thức ăn đường phố rất khó kiểm soát chất lượng, người tiêu dùng cần lựa chọn cho mình những hàng quán sạch sẽ, thức ăn chế biến phải đảm bảo an toàn.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ Nguyễn Thị Ngọc Bích, hiện ngành y tế huyện quản lý trên 700 quán TAĐP. Những cơ sở này về mặt kiến thức đảm bảo an toàn TP chỉ cơ bản. Tuy nhiên vẫn còn số hộ chưa đảm bảo, chưa tham gia các lớp tập huấn về an toàn TP do huyện tổ chức.

Các xe bánh mì hay tủ xôi,… vẫn chưa được che chắn kỹ. Còn người lao động ở khu công nghiệp, hay sinh viên thì vẫn thói quen chuộng TAĐP vì giá rẻ, nhanh, tiện lợi mà lơ là khâu chọn hàng quán an toàn TP. Đoàn cũng nhắc nhở, tuyên truyền an toàn TP cho người kinh doanh TAĐP và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm nhiều lần.

TAĐP là nhu cầu thực tế của xã hội, giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mưu sinh và giải quyết được nhu cầu bữa ăn hàng ngày của người lao động. Song, các hộ kinh doanh phải tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh TP để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Mặt khác, người tiêu dùng cần phải lựa chọn cho mình những hàng quán sạch sẽ, thức ăn chế biến phải đảm bảo an toàn.

“Công tác tuyên truyền vận động trực tiếp, qua các lớp tập huấn nâng cao kiến thức an toàn vệ sinh TP, yêu cầu người bán hàng phải làm sản phẩm đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Chúng ta có những chương trình trang bị kiến thức cho người bán TAĐP về dụng cụ kẹp gắp thức ăn, găng tay, khẩu trang… để bớt nguy cơ nhiễm khuẩn. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, chọn quán ăn uy tín, sạch sẽ”- BS.CK2 Lê Thị Tuyết Nhung- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh TP tỉnh Vĩnh Long, cho biết.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh