Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2024 có chủ đề: "Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương", hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Mỗi thành viên trong gia đình cùng có ý thức vun vén, xây dựng mái ấm gia đình trở thành một "pháo đài" hạnh phúc, chấm dứt BLGĐ.
(VLO) Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2024 có chủ đề: “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Mỗi thành viên trong gia đình cùng có ý thức vun vén, xây dựng mái ấm gia đình trở thành một “pháo đài” hạnh phúc, chấm dứt BLGĐ.
Tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc trong đồng bào dân tộc Khmer tại Trà Ôn. |
Hành động thiết thực phòng, chống bạo lực gia đình
Ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, cho biết, thời gian qua, sở đã tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ tại 14 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
BCĐ công tác gia đình thực hiện lồng ghép kiểm tra, đánh giá về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ vào các cuộc kiểm tra, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thẩm định tiêu chí văn hóa, xây dựng NTM và đô thị văn minh định kỳ 6 tháng.
Công tác xử lý vi phạm về phòng, chống BLGĐ được các ngành chức năng và chính quyền địa phương can thiệp, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật.
Theo Phòng Quản lý văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa-TT-DL), các CLB gia đình phát triển bền vững, CLB gia đình hạnh phúc, tổ nhân dân tự quản tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, vận động xây dựng gia đình văn hóa được trên 10.000 cuộc có 735.600 lượt người dân dự...
Các sở, ban, ngành, đoàn thể lồng ghép tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung về công tác gia đình và Luật Phòng, chống BLGĐ thông qua các buổi họp giao ban, tập huấn chuyên môn, hội thi, hội diễn, giao lưu, sinh hoạt các chi, tổ, hội của từng ngành… (tổ chức 2.657 cuộc, với 114.261 lượt người tham dự).
Các sở, ngành cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống BLGĐ với nhiều hoạt động thiết thực.
Trong đó, Sở Lao động-TB-XH đã triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại trẻ em, chăm sóc người cao tuổi trong gia đình, quan tâm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình người dân tộc thiểu số...
Sở Tư pháp thực hiện lồng ghép tuyên truyền nội dung các văn bản lĩnh vực gia đình và phòng, chống BLGĐ vào kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để tổ chức triển khai trong nội bộ ngành và ra ngoài Nhân dân với các hình thức đa dạng, phong phú, đạt hiệu quả.
Năm qua, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị trực tiếp phối hợp với trực tuyến triển khai văn bản pháp luật mới do Quốc hội ban hành tại 115 điểm cầu trong tỉnh, có 4.992 lượt người tham dự; phối hợp Phòng Tư pháp TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ tổ chức 2 cuộc tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho 187 hòa giải viên, tuyên truyền viên tham dự; phổ biến kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình cho 220 công nhân Công ty Tỷ Bách; tổ chức 5 cuộc sinh hoạt tuần lễ công dân đầu năm học có hơn 1.500 lượt tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tham dự...
Xây dựng ý thức từ mỗi gia đình
Sở Văn hóa-TT-DL phối hợp Sở Thông tin-TT tổ chức hội thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống BLGĐ”.
Hội thi có 142 đơn vị tham gia với 2.641 thí sinh. Trường CĐ Vĩnh Long là đơn vị giành giải nhất tập thể trong hội thi, cô Nguyễn Thị Mỹ Linh- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Vĩnh Long, chia sẻ: “Khi cuộc thi được triển khai thì nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giảng viên, sinh viên nhà trường.
Qua tìm hiểu nhiều kiến thức, nghiên cứu tài liệu giúp cho tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên hiểu biết thêm về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ…
Những luật này vô cùng gần gũi với cuộc sống nhưng đôi khi chúng ta chưa tìm hiểu kỹ. Đây là cơ hội để mọi người tiếp cận, xây dựng ý thức từ trong mỗi thành viên của gia đình, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong phòng, chống BLGĐ”.
Buổi sinh hoạt, vận động xây dựng gia đình văn hóa được Sở Văn hóa-TT-DL tổ chức thường xuyên. |
Thầy Nguyễn Minh Tri- Giáo viên Trường THCS Cái Ngang (Tam Bình) cho biết, đất nước đang hội nhập và phát triển, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày thêm đổi mới.
Tuy nhiên, những mặt trái của cơ chế thị trường, văn hóa ngoại lai đã và đang tác động không nhỏ tới đời sống xã hội, len lỏi tới từng đường làng, ngõ xóm của làng quê.
Đạo đức gia đình có nguy cơ xuống cấp, đâu đó còn hiện tượng con cái ngược đãi cha mẹ, ông bà; cha mẹ chưa quan tâm chăm sóc con cái đúng mức; các hành vi BLGĐ vẫn còn xảy ra gây nhức nhối trong xã hội.
“Cách tổ chức gia đình, nhân cách của cha mẹ sẽ tác động trực tiếp đến lối sống của các thành viên trong gia đình. Tôi luôn cố gắng để trong gia đình mình, cha mẹ lúc nào cũng giữ vai trò trụ cột chính, luôn sống mực thước.
Những gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, chính là nhân tố tiêu biểu, là những bông hoa đẹp thể hiện cho những giá trị tốt đẹp, chân chính cần được tôn vinh, nhân rộng, góp phần làm tươi đẹp thêm cuộc sống”- thầy Nguyễn Minh Tri nói.
Theo ông Phan Văn Giàu, trong năm 2024, các sở, ngành, đoàn thể tiếp tục đa dạng hóa, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phổ biến đầy đủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ mới; nâng cao các kiến thức, kỹ năng về công tác xây dựng gia đình, phòng, chống BLGĐ... nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân về phòng, chống BLGĐ, đưa nội dung quy định Luật Phòng, chống BLGĐ vào đời sống xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, tư vấn và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những cá nhân, gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ.
Kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng, chống BLGĐ.
Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, kêu gọi mọi người cùng lên tiếng, cùng hành động, thông điệp “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” được lan tỏa sâu rộng, hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Năm 2023, tỉnh Vĩnh Long có 283.550 hộ gia đình. Trong đó: 40.775 hộ gia đình chỉ có cha hoặc mẹ sống chung với con (gia đình khuyết cha hoặc mẹ); 24.288 hộ gia đình 1 thế hệ (vợ, chồng); 115.678 hộ gia đình 2 thế hệ (gia đình có đủ cha và mẹ sống với con, gồm: vợ, chồng, con); 86.600 hộ gia đình 3 thế hệ trở lên; 16.392 hộ gia đình khác. Toàn tỉnh có 14 vụ BLGĐ. Trong 14 vụ BLGĐ được phát hiện và xử lý thì có 14 người gây BLGĐ là nam giới; 13 người bị BLGĐ là nữ giới và 1 người là nam giới. Đặc biệt có 2 người trong độ tuổi trẻ em (bị người thân trong gia đình xâm hại tình dục). |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ