Huy động các nguồn lực để phòng chống thiên tai

02:05, 15/05/2024

Thời gian qua, các địa phương đã chủ động, cảnh giác trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác PCTT. Trước diễn biến ngày càng khó lường và nguy hiểm của thiên tai, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ các giải pháp PCTT-TKCN.

Thiên tai gây nhiều thiệt hại về kinh tế, đời sống.
Thiên tai gây nhiều thiệt hại về kinh tế, đời sống.
Thời gian qua, các địa phương đã chủ động, cảnh giác trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác PCTT. Trước diễn biến ngày càng khó lường và nguy hiểm của thiên tai, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ các giải pháp PCTT-TKCN.
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt, từ sớm, từ xa của Chính phủ, sự chủ động của các địa phương và người dân, công tác PCTT- TKCN năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác tập huấn, diễn tập theo các phương án, tình huống cơ bản bảo đảm phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” phát huy được “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”...
 
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo các cấp đã trực tiếp xuống hiện trường động viên thăm hỏi người dân bị thiệt hại, đôn đốc khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống người dân.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đã có nhiều hình thức hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
 
Tuy nhiên, công tác PCTT- TKCN thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần sớm khắc phục như vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT, TKCN còn hạn chế; việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn; công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với một số hình thái thiên tai cực đoan như lũ quét, mưa lớn cực đoan, lốc, sét còn hạn chế…
 
Trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ước tính trên 9.300 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như: hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường tại ĐBSCL; mưa lớn, giông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước… 
 
Trong đó, xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ trong mùa khô năm 2023-2024 đã đến sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm và năm 2022-2023. Các đợt xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ tại một số khu vực chưa có điều kiện tiếp cận nguồn cấp nước tập trung tại một số tỉnh ven biển.
 
Tại tỉnh Bến Tre, theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 53-66,4km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 71,3-76km. Mặc dù tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chủ động ứng phó xâm nhập mặn, tuy nhiên hệ thống công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh chưa khép kín dẫn đến ảnh hưởng nguồn lấy nước của một số nhà máy nước, nguy cơ gây thiếu nước cho khoảng 25.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh, khoảng 4.150ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
 
Còn tại tỉnh Cà Mau, trong những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn diễn biến thất thường gây thiệt hại rất lớn cho đời sống người dân và kinh tế của tỉnh. Đặc biệt là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong tỉnh. 
 
Tại tỉnh Vĩnh Long, theo ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, từ đầu mùa khô 2023-2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh, nắng nóng xảy ra trên diện rộng, mưa ít và xâm nhập mặn đến sớm hơn mùa khô năm trước, nhưng xâm nhập mặn không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020.
 
Nhờ các nơi trong tỉnh có bước chủ động phòng, chống sớm, trong đó đã linh hoạt triển khai thực hiện giải pháp phi công trình và công trình nên nguồn nước sông rạch không bị sụt giảm mạnh. Hầu hết diện tích sản xuất cơ bản đảm bảo an toàn với hạn, mặn; nhưng trong đó có hơn 2.200ha xuống giống trễ do bị thiếu nước.
 
Xâm nhập mặn đến sớm và sâu ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.
Xâm nhập mặn đến sớm và sâu ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 7-9/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina; số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông (khoảng 11-13 cơn bão trên Biển Đông, 5-7 cơn bão đổ bộ vào đất liền) tập trung vào nửa cuối mùa mưa bão; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ. Trên phạm vi cả nước tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh từ nay cho tới cuối năm 2024…
 
Trước diễn biến ngày càng khó lường và nguy hiểm của thiên tai, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương cần kiện toàn lại bộ máy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự; tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát trước mùa mưa bão; nâng cao chất lượng dự báo, năng lực điều hành của từng địa phương; huy động các nguồn lực để thực hiện công tác PCTT; đồng thời mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong công tác dự báo, hỗ trợ PCTT.
Bài, ảnh: THẢO LY
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh