Kè sinh thái bằng cây xanh phòng chống sạt lở

03:04, 09/04/2024

Việc triển khai các mô hình kè sinh thái, trong đó có trồng cây bần để chắn sóng, giữ đất là giải pháp bền vững, ít tốn kém và mang lại hiệu quả trong việc phòng, chống sạt lở bờ sông. Phong trào trồng bần từ đó được nhân rộng tại nhiều địa phương.

 

 

Việc triển khai các mô hình kè sinh thái, trong đó có trồng cây bần để chắn sóng, giữ đất là giải pháp bền vững, ít tốn kém và mang lại hiệu quả trong việc phòng, chống sạt lở bờ sông. Phong trào trồng bần từ đó được nhân rộng tại nhiều địa phương.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rộng khắp đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội: nhiệt độ không khí tăng, tình trạng xâm nhập mặn, các hiện tượng khí hậu cực đoan như mưa to, bão lớn, lũ lụt, sạt lở đất, nắng hạn kéo dài,... tiếp tục gia tăng cả về cường độ và tần suất, ảnh hưởng đến các mặt trong đời sống của con người, môi trường và các hệ sinh thái.

Trong đó, Vĩnh Long có hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt với 5.000 tuyến bờ sông dài gần 5.600km. Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra thường xuyên gây tổn thất lớn đến sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và nhà cửa, đời sống người dân ở ven các sông, kênh, rạch.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, hiện tượng sạt lở không chỉ xuất hiện ở những sông lớn mà còn xảy ra ở nội đồng. Những năm trước thường ghi nhận sạt lở nhiều trên các sông chính, thời gian gần đây thì vùng nội đồng xảy ra thường xuyên hơn. Tuy ít gây thiệt hại về nhân mạng nhưng loại thiên tai này đã tàn phá nhiều đất đai, công trình, nhà cửa ven sông.

Từ nhiều năm qua, ngành chức năng của tỉnh luôn duy trì thực hiện 2 giải pháp phòng, chống sạt lở là phi công trình và công trình.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên bên cạnh giải pháp công trình thì giải pháp phi công trình được cho là một trong những giải pháp phòng chống sạt lở có hiệu quả. Những giải pháp phi công trình như: thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về tác hại và các giải pháp phòng, tránh, xử lý sạt lở bờ sông, kinh, rạch; theo dõi diễn biến sạt lở; tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc giảm thiệt hại, nhằm bố trí hợp lý các điểm dân cư, các công trình dân sinh, kinh tế; di dời dân ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở; sử dụng cây cỏ và các vật liệu tại chỗ để chắn sóng, chống xói lở bờ...

Theo đó, trong năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai mô hình kè sinh thái bằng cây xanh tại huyện Vũng Liêm để chống sạt lở bờ sông. Mô hình kè sinh thái chống sạt lở bằng cây bần đã được thực hiện thí điểm tại các xã Thanh Bình, Quới Thiện và Trung Thành Đông.

Theo Chủ tịch UBND xã Trung Thành Đông Châu Minh Tuấn, địa phương có hơn 2.000m bờ sông được triển khai mô hình trồng bần chống sạt lở tại ấp Đại Nghĩa.

Theo đó, bần được trồng ở vị trí ngay góc gió chướng thổi vào, nước xoáy vào đất liền, dễ dẫn đến sạt lở. Khi triển khai mô hình này về lâu dài sẽ tránh được gió, giảm sạt lở bờ sông. Đây là giải pháp có chi phí thấp, dễ thực hiện, phòng sạt lở hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau khi trồng, xã cũng thường xuyên theo dõi, cắm cọc cố định để cây không bị bật rễ, cuốn trôi theo dòng nước.

Bên cạnh công tác triển khai của ngành chức năng, địa phương, nhiều người dân sống ven các sông, kinh, rạch cũng đã nâng cao ý thức, chủ động phòng chống sạt lở bằng cách trồng cây bần ven sông.

Theo người dân, việc trồng cây bần không khó, nếu biết trồng đúng thời điểm và chăm sóc cây từ lúc nhỏ thì cây không chết. Nên trồng cây bần vào mùa khô, sang mùa nước lên cao cây đã bén rễ, dù nước có ngập thì cây cũng sống khỏe. Cây bần, tràm chỉ cần trồng và chăm sóc sau khoảng 3 năm là có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ đất.

Có nhà và vườn cây ăn trái cặp bờ sông, chú Nguyễn Văn Dương (ngụ ấp Đại Nghĩa, xã Trung Thành Đông) cho hay: “Sông trước nhà thường có ghe, tàu chạy qua lại nên tôi cũng lo sạt lở sẽ xảy ra. Do đó, tôi có dùng lục bình gia cố bờ lại cho giảm bớt lượng sóng đánh vào bờ, đồng thời trồng thêm bần để giảm tác động nước vào bờ, nhờ vậy mà thấy an tâm hơn”.

Mới đây, nhằm thích ứng với biến đổi và góp phần triển khai giải pháp phi công trình phòng, chống sạt lở, Sở Nông nghiệp-PTNT xây dựng Kế hoạch phát động trồng cây xanh phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2024-2030.

Cụ thể, phân kỳ thực hiện phấn đấu đến năm 2030, có từ 50% trở lên các tuyến bờ sông, kinh, rạch có nguy cơ sạt lở được phát động trồng cây phòng, chống sạt, lở. Tùy theo địa hình, địa chất và tốc độ sạt lở của bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở mà có thể lựa chọn cây trồng phù hợp.

Dọc theo các tuyến bờ sông, kinh, rạch có nguy cơ sạt lở nhưng phải có tiềm năng để trồng các loại cây phòng, chống… Trong đó, ưu tiên phát động trồng và quản lý cho cây bần phát triển dọc theo các tuyến bờ sông, kinh, rạch,... tại các địa phương. Ngoài ra, có thể kết hợp trồng các loại cây, loại cỏ, cây thủy sinh có sức kháng sạt lở tốt như: cây tràm, cây tra nhớt, lục bình, cỏ nga, lau sậy,…

Triển khai mô hình kè sinh thái chống sạt lở bằng cây bần tại ấp Đại Nghĩa (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm).
Triển khai mô hình kè sinh thái chống sạt lở bằng cây bần tại ấp Đại Nghĩa (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm).

Theo ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường ổn định bờ sông, bảo vệ các công trình, cơ sở hạ tầng góp phần hạn chế tình trạng sạt lở bờ bao, kênh, tạo cảnh quan môi trường xanh thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò của cây xanh đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, hỗ trợ và bảo vệ sản xuất nông nghiệp; hạn chế xói mòn, sạt lở làm mất đất, giảm tối đa thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, điều hòa khí hậu, ổn định môi trường, cân bằng hệ sinh thái, hạn chế ô nhiễm môi trường, cải tạo đất; tạo ổn định cho người dân sinh sống.

Bài, ảnh: PHI LONG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh