Những ngày nắng gay gắt, thời tiết nóng bức mới thấy ý nghĩa của cây xanh. Các đô thị (ĐT) trong tỉnh đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài cầu đường, điện, nước, phố xá, bến bãi..
|
Cây xanh, ngoài tạo môi trường mát mẻ, ngăn bụi, tiếng ồn, còn là lá phổi của đô thị. Trong ảnh: Cây xanh ven đường 14 Tháng 9, Phường 5, TP Vĩnh Long. |
Những ngày nắng gay gắt, thời tiết nóng bức mới thấy ý nghĩa của cây xanh. Các đô thị (ĐT) trong tỉnh đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài cầu đường, điện, nước, phố xá, bến bãi... Mảng xanh ngày càng là yếu tố không thể thiếu trong quy hoạch và xây dựng phát triển các ĐT.
Vậy nên phát triển mảng xanh tại các ĐT như thế nào để đảm bảo tính bền vững, vừa góp phần cho các ĐT thích ứng tốt với biến đổi khí hậu?
Thực trạng mảng xanh của các đô thị trong tỉnh
Mảng xanh hiện tại ở các ĐT trong tỉnh là cây xanh được trồng (cây sao, cây dầu, phượng đỏ...) đan xen với cây mọc tự nhiên như gừa, cây da, bã đậu, cồng và các cây ăn trái như xoài, mận, nhãn, bưởi...
Những năm qua, chính quyền và ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực gìn giữ, tôn tạo và trồng mới nhiều mảng xanh ở các điểm, khu di tích lịch sử, văn hóa, dân cư, khu sản xuất, các tuyến đường, công viên…
Bên cạnh những hàng cây cao, cổ kính như cây sao, gừa, dầu..., còn có thêm nhiều cây xanh có giá trị trồng ở các tuyến đường như hàng cây sộp, bằng lăng, bàng Đài Loan,…
Song song đó, ở những khu vườn, khu đất trống đan xen với những khu nhà, người dân vẫn trồng nhiều cây lâu năm, cây xanh có tầm cao, như dừa, xoài, bạch đàn, sao, dầu… để lấy trái hoặc che bóng mát. Tất cả mảng xanh ở ĐT, ngoài tạo môi trường mát mẻ, ngăn bụi, tiếng ồn, làm không khí trông lành, mà còn là lá phổi của ĐT.
Nhưng vào những ngày mưa lớn, gió mạnh thì chính những hàng cây cổ kính, cây cao to là mối đe dọa nếu không được phát tỉa trước mùa mưa. Cành cây bất ngờ rơi xuống đường gây hại cho người qua lại hoặc bị ngã đổ làm tắc nghẽn giao thông. Ngoài ra, mỗi đường trồng nhiều chủng loại khác nhau (gồm cả cây bản địa và cây ngoại nhập), có loại cây trồng một thời gian rồi chặt bỏ, thiếu bền vững.
Nguyên nhân chính dẫn tới hệ quả này là do quy hoạch cơ sở hạ tầng và quy hoạch cây xanh chưa đồng bộ. Thời gian gần đây, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị (đường sá, chiếu sáng, cấp thoát nước, khu dân cư, khu sản xuất, khu thương mại, dịch vụ…) phát triển rất mạnh. Nhiều vỉa hè trên các tuyến đường bị đào xới làm cho hệ thống rễ của nhiều loài cây xanh đã trồng bị xâm hại. Hệ rễ của cây xanh không phát triển.
Một số loài cây có hệ rễ ăn ngang, công tác cắt tỉa cây xanh chưa kịp thời, nhiều cây gãy đổ do sự phát triển không cân đối giữa phần ở dưới mặt đất và tán lá. Một số cây xanh đã già cỗi, hệ thống rễ bị hư mục nhưng không phát hiện được bằng mắt thường.
Bên cạnh, một số nơi còn chưa chú trọng đến trồng cây xanh có sức chống chịu gió mạnh, bão, lốc xoáy. Hơn nữa, thực trạng đường phố, vỉa hè nhỏ hẹp và đường điện như mạng nhện ở bên trên cũng làm cây xanh ven đường, nhất là cây cổ thụ, cây cao niên có tán lá rộng, thân cao khó phát triển.
Để phát triển bền vững mảng xanh đô thị
Theo các chuyên gia về lâm nghiệp và quy hoạch ĐT, để phát triển mảng xanh ở các ĐT trong tỉnh một cách bền vững, đồng thời khắc phục việc cây xanh bị gãy đổ có thể xảy ra trong thời gian tới, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề về quy hoạch, đầu tư xây dựng các vành đai xanh chung quanh các ĐT và xác định đúng đắn các chỉ tiêu phát triển cây xanh (mật độ, chủng loại cây xanh, cách trồng…) ở các vùng khác nhau tại các ĐT.
Về quy hoạch, do quỹ đất dành cho phát triển mảng xanh ở vùng lõi của các ĐT gặp khó khăn hay không còn nữa, vì vậy cần phát triển các mảng xanh ở vùng ĐT mới và vùng ven ĐT, trong đó chú trọng xây dựng các công viên.
Hiện tại, phần lớn các ĐT trong tỉnh đều nằm gần các tuyến sông lớn, do đó có thể xây dựng các công viên gắn với các vườn cây ăn trái hiện có dọc theo các tuyến sông, tạo nên mảng xanh đặc trưng của vùng ĐBSCL, đây là xu thế phát triển mảng xanh ĐT trong thời gian tới của các tỉnh, thành trong vùng.
Công viên còn là nơi thu nước bảo đảm lưu giữ mạch nước ngầm chống lại sự xâm nhập mặn vào bên trong đất liền và còn là nơi giới thiệu, triển lãm các thành tựu nông nghiệp, thủy sản, sản phẩm du lịch… của các địa phương (như điểm giới thiệu sản phẩm OCOP hiện có tại công viên Phường 9, TP Vĩnh Long).
Song song đó, cần gia tăng mảng xanh lồng ghép trong xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng xanh như vườn trên mái, vườn trên sân thượng, tường xanh, hàng rào, vỉa hè xanh,… ở đây có thể áp dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống tự thoát nước, tưới tự động mà các nước láng giềng của chúng ta đang làm mà điển hình nhất là Singapore.
Về chủng loại cây xanh, xu hướng hiện nay trên thế giới là chọn loài cây trồng ĐT không quá cao, nên chọn những loài cây trung mộc có chiều cao không quá 15m, thân thẳng tự nhiên, gỗ tốt không giòn, cành dẻo dai không dễ gãy bất thường gây tai nạn, có sức chống chịu tốt, hệ rễ khỏe, cây có cành nhánh có thể chịu được gió mạnh, chịu được sự cắt tỉa, không thuộc các loài cây trong danh mục cấm hoặc hạn chế trồng. Những loài cây có chiều cao trên 15m chỉ nên trồng ở ngoại ô và vùng ven ĐT.
Trồng cây xanh ĐT phải chú ý đến sự phát triển của hệ rễ, tránh rễ cây bị ảnh hưởng bởi các cơ sở hạ tầng khác dưới đất. Vì vậy, việc trồng cây ĐT chỉ nên thực hiện sau khi xây dựng các công trình như cống thoát nước, đường ống dẫn nước, đường dây điện ngầm, đường cáp quang,…
Bên cạnh, cần chú trọng công tác cải tạo và thay thế những cây xanh không phù hợp hoặc già cỗi không đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, bảo vệ môi trường của ĐT. Trong đó, mạnh dạn trồng những loại cây xanh có giá trị, ngoại nhập có dáng đẹp phù hợp với điều kiện tự nhiên, với quy hoạch của các ĐT.
Cuối cùng là cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, các nhà quản lý trong việc bảo vệ cây xanh ĐT. Ngoài tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại và chung sức cùng chính quyền gìn giữ, chăm sóc cây; tỉnh cần hoàn thiện các quy định về bảo vệ an toàn cây xanh trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tránh ảnh hưởng, hư hại cây xanh.
|
Trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật cần tránh làm ảnh hưởng, hư hại cây xanh ở các đô thị. |
Cơ quan quản lý cây xanh cần thường xuyên kiểm tra và xử lý cây xanh bị gãy đổ kịp thời, tránh những rủi ro cho người đi đường… có như vậy mảng xanh ĐT mới có thể phát triển một cách bền vững.