"Về quê ăn Tết", những từ nghe như đơn giản, ngắn gọn nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, luôn hiện hữu trong tâm tưởng của tất cả mọi người con xa quê mỗi dịp Tết đến Xuân về, những tấm lòng luôn hướng về nguồn cội với biết bao cảm xúc dạt dào.
(VLO) “Về quê ăn Tết”, những từ nghe như đơn giản, ngắn gọn nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, luôn hiện hữu trong tâm tưởng của tất cả mọi người con xa quê mỗi dịp Tết đến Xuân về, những tấm lòng luôn hướng về nguồn cội với biết bao cảm xúc dạt dào.
Người Việt ở nước ngoài cũng chuẩn bị Tết cổ truyền của dân tộc rất chu đáo và đầy đủ. Mọi người cùng nhau sum vầy bên mâm cơm tất niên và lòng hướng về nguồn cội. |
Hướng về nguồn cội
Tết Nguyên đán có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, đây là dịp để mọi người trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Tết chính là thời điểm mà mọi thành viên trong gia đình mong ngóng để được quây quần bên những người thân yêu, nấu nồi bánh tét đón giao thừa, hàn huyên tâm sự bên mâm cơm tất niên.
Tết truyền thống cùng với những nét riêng độc đáo của mỗi nơi vẫn còn mãi trong tiềm thức của mỗi người. Nó trở thành những ký ức tốt đẹp nhất trong tâm trí của chúng ta, nơi bình yên sau những vất vả lo toan của cuộc sống.
Là sinh viên năm thứ ba tại TP Hồ Chí Minh, em Ngọc Thanh chia sẻ: “Cứ mỗi dịp cuối năm nhìn phố phường nhộn nhịp không khí những ngày xuân là lòng em nôn nao đến lạ. Khi trường cho nghỉ Tết là em về quê ngay. Em thường giành phần dọn dẹp nhà cửa phụ cha mẹ, chở mẹ đi chợ Tết, dạo chợ hoa. Ôi chỉ nghĩ đến thôi đã vui như hội”.
Lấy chồng xa quê đã 10 năm nhưng mỗi dịp cuối năm là chị Minh Tuyền lại nôn nao về quê “ăn Tết”. Hai gia đình cùng miền Tây cách nhau chỉ hơn trăm cây số và chị cũng thường xuyên về thăm nhà nhưng không khí Tết ở quê hương vẫn mãi trong tim, không nơi đâu bằng.
Chị cố gắng sắp xếp mọi việc ổn thỏa bên gia đình chồng, phân chia đều mấy ngày Tết cho hai bên đều hòa thuận vui vẻ. Chị Tuyền chia sẻ: “Mẹ tôi kho một nồi lớn thịt kho rịu cùng nồi canh khổ qua để cúng ông bà. Trước đó thì làm sẵn dưa chua củ kiệu, giò chả.
Các loại bánh tét, lạp xưởng thì mua đầy đủ ngoài chợ. Mâm cơm tất niên của gia đình rất thịnh soạn vì mẹ là người phụ nữ đảm đang lại cầu kỳ.
Tết là dịp đoàn tụ gia đình cùng tận hưởng không khí mùa xuân với những điều tốt lành sẽ đến. |
Chợ hoa ngày Tết thì nơi đâu cũng có nhưng chợ hoa quê mình là một hình ảnh đẹp khắc sâu vào tâm hồn mà Tết nào tôi cũng háo hức chở mẹ đi chọn những chậu hoa đẹp về chưng trước cửa. Tất cả những điều đó rất thiêng liêng, hạnh phúc mà tôi luôn trân trọng”.
Những ngày giáp Tết cho đến khoảnh khắc chuẩn bị đón giao thừa, phố xá nhộn nhịp, chợ hoa xuân đua nhau khoe sắc, trong mỗi gia đình là hình ảnh quen thuộc của mâm ngũ quả với cặp dưa hấu đỏ, cành mai hoặc cành hoa đào trên bàn thờ tổ tiên cùng mùi nhang trầm thoang thoảng.
Không khí Tết tràn ngập mọi nhà. Và đối với những người sống xa quê thì cảm giác nôn Tết vẫn tràn đầy mỗi dịp cuối năm. Một cảm giác gợi nhớ ký ức tuổi thơ, gợi nhớ về nguồn cội, hướng về quê nhà trong không khí sum vầy.
Tết của người xa xứ
Gia đình chị Ngọc Dung sang Pháp định cư gần 20 năm nay. Có nhiều năm vì công việc, học hành, không thể về quê ăn Tết, nhưng khi Tết đến gia đình chị vẫn giữ những nếp sinh hoạt như khi ở Việt Nam như trang trí dọn dẹp nhà cửa, mua hoa về chưng, đi chợ mua đủ thứ món ăn truyền thống của người Việt.
Chị Ngọc Dung cho biết: “Có năm không bận rộn nhiều, gia đình mua nếp về tự gói bánh tét, tuy bánh tét vẫn có bán nhưng không ngon như mình làm. Đêm giao thừa, cả nhà tụ họp, chúc nhau những điều tốt đẹp và online với người thân tại Việt Nam để tận hưởng không khí Tết”.
Bánh tét là món truyền thống không thể thiếu trong những ngày Tết |
Chị Thanh Thư theo chồng định cư tại Mỹ đã hơn 10 năm, cũng bộc bạch: “Tết Nguyên đán là vợ chồng tôi luôn ưu tiên sắp xếp công việc để về quê ăn Tết. Tôi thèm nhiều món ngon ngày Tết mẹ nấu, nhớ không khí chợ hoa xuân, nôn nao chờ đón khoảnh khắc bắn pháo hoa đón giao thừa.
Năm nào không về được thì rất buồn. Thế là tôi cùng vài gia đình người Việt cùng nhau tổ chức ăn Tết, cũng trang hoàng nhà cửa, bài trí mai, đào, chưng mâm ngũ quả đón Tết và bữa tiệc tất niên cũng tràn đầy những món ăn truyền thống. Tuy nhiên, chúng tôi ai nấy đều nhớ không khí ăn Tết ở quê mình, nó đầm ấm đến lạ”.
Đời sống xã hội phát triển, người Việt đón Tết cũng có sự thay đổi cho phù hợp với nhịp sống hiện đại, những công việc chuẩn bị đón Tết bây giờ cũng có nhiều điểm khác so với Tết quê xưa.
Song, không khí đoàn kết, tình cảm gia đình ấm cúng thì vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi nếp nhà của người Việt. Cùng với đó là niềm mong ước một năm mới yên bình, may mắn!
Bài, ảnh: LAM NGỌC