Cảnh giác với tai nạn thương tích ở trẻ

Cập nhật, 15:38, Thứ Tư, 07/02/2024 (GMT+7)

 

Các bác sĩ cảnh báo phụ huynh cần chú ý đến trẻ để phòng ngừa nguy cơ tai nạn không mong muốn vào thời điểm Tết.
Các bác sĩ cảnh báo phụ huynh cần chú ý đến trẻ để phòng ngừa nguy cơ tai nạn không mong muốn vào thời điểm Tết.

Tết là khoảng thời gian nhà nhà đều bận rộn nên phần chăm sóc trẻ có phần lơ là. Đồng thời, đây cũng là dịp trẻ nghỉ học nhiều cộng với bản tính hiếu động, tò mò nên nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra. Vì vậy, vai trò của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ rất quan trọng trong phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ.

Nguy hiểm vì tai nạn thương tích

Vào những ngày Tết, trẻ được nghỉ học dài ngày, nhu cầu về quê đón Tết, du lịch của các gia đình tăng cao, các hoạt động liên hoan, ăn uống, vui chơi cũng diễn ra liên tục. Đồng thời, trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa nhận thức rõ, phản xạ bảo vệ bản thân.

Những trẻ sống ở các đô thị lớn được về quê với môi trường nhiều mới lạ, trong khi đó người lớn nhiều khi bận rộn mà lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc gây nguy hại sức khỏe, tính mạng.

Anh Nguyễn Hoàng Hân (TP Trà Vinh) cho biết: “30 Tết năm ngoái anh đưa 2 con về quê nội ở xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình. Trưa nấu bánh tét, người lớn thì lai rai, tốp nữ lo nấu ăn quên “để mắt”.

Tụi nhỏ xúm xít chơi với mấy anh em, rồi con anh bị con chú xô té xuống xẻo. Thằng nhỏ sợ chạy trốn, cũng may con bé với được nhánh bưởi đu, kêu cứu, nhờ đó người lớn mới hay và cứu được. May phước gì đâu luôn, từ đó anh luôn để ý chăm con, không dám lơ là”.

Những ngày vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh liên tiếp tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị tai nạn do chơi pháo nổ tự chế, hậu quả làm các em rơi vào tình trạng nguy kịch, đa chấn thương.

Một trường hợp trẻ 14 tuổi từ Gia Lai. Do tò mò, bệnh nhi này đã sử dụng hóa chất và xem video trên mạng để tự chế tạo pháo. Hậu quả là vụ nổ đã làm em mất một mắt và mất một phần của bàn tay phải.

Nhằm tránh những tai nạn do tự chế pháo gây nổ, các bác sĩ khuyến cáo gia đình và nhà trường nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng và chế tạo pháo, giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm như có thể gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong. Đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động của trẻ em, đặc biệt là trong thời gian gần Tết Nguyên đán khi xuất hiện nhiều video hướng dẫn tự chế tạo pháo nổ tại nhà trên mạng xã hội.

Các bác sĩ nhấn mạnh việc tự chế pháo nổ là một hoạt động rất nguy hiểm, có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ em và những người xung quanh. Vì thế gia đình, trường học và cộng đồng cần hợp tác để giáo dục trẻ em nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Phòng tai nạn thương tích ở trẻ

Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh), vào những ngày giáp Tết và cả trong Tết, các phụ huynh thường bận rộn nên không có người trông trẻ, đặc biệt là với các bé từ 1-3 tuổi.

Các tai nạn trẻ em đặc trưng ở thời điểm này có thể kể đến: dị vật đường thở khi ăn dưa hấu có hạt, hoặc cắn hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, ngay cả kẹo mứt; điện giật; phỏng nước, phỏng điện; ngạt nước, ăn nhầm, uống nhầm; chấn thương do té ngã, tai nạn giao thông;… Do đó, cách phòng ngừa chung nhất là luôn giữ trẻ, để ý trẻ cẩn thận.

“Khi trẻ bị phỏng, phụ huynh cần làm mát vết phỏng: Mở vòi nước cho chảy chầm chậm trên vết phỏng 15-20 phút (không dùng nước đá, nước trong tủ lạnh để rửa vết phỏng). Đắp khăn ướt nước mát (25-35 độ C) lên vết phỏng rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự ý đắp thuốc theo kinh nghiệm dân gian.

Đặc biệt, trẻ có nguy cơ cao bị dị vật đường thở khi vừa ăn vừa cười đùa hoặc khóc. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất là không cho trẻ nhỏ ăn các loại thức ăn có hạt. Hoặc khi ăn, cha mẹ phải lấy hết hạt ra cho trẻ”- BS Minh Tiến khuyến cáo.

Một nguy cơ khác là trẻ có thể bị điện giật do những chùm đèn trang trí trên chậu cây cảnh, nhang điện, đèn hào quang, nhấp nháy ở các bàn thờ. Những đèn này thường thu hút trẻ, khiến trẻ tò mò, chạm vào nên bị điện giật.

Phụ huynh có thể phòng ngừa bằng cách hạn chế trang trí đèn nhấp nháy, hoặc để ở xa tầm với của trẻ. Các ổ điện cần được che kín bằng những nút nhựa an toàn. Phụ huynh cần phòng ngừa bằng cách không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát. Các hóa chất phải để xa tầm với và tầm nhìn của trẻ...

Để giúp trẻ và gia đình đón Tết vui, an lành, các bác sĩ nhắn nhủ phụ huynh và nhà trường cần quan tâm hơn nữa, tăng cường giáo dục trẻ nhận thức và đặc biệt ngăn chặn hành vi tự chế pháo. Dịp Tết, ngoài các tai nạn cháy nổ, người nhà cũng nên cảnh giác các sự cố hóc dị vật và đảm bảo an toàn cho con trẻ khi tham gia giao thông.

Theo BVĐK Vĩnh Long, các gia đình cũng nên sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, an toàn để tránh bị ngộ độc thực phẩm. Cả người lớn và trẻ nhỏ cần cẩn trọng khi tiếp xúc với chó, mèo. Không nên trêu chọc chó, mèo và nếu chẳng may bị chó, mèo cắn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh dại theo chỉ định của bác sĩ.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN